Thứ năm, 7/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Còn ý kiến trái chiều về tách Luật Giao thông đường bộ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Còn ý kiến trái chiều về tách Luật Giao thông đường bộ

Vân Ly

(TBKTSG Online) – Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều 15-9, còn nhiều ý kiến khác nhau trước đề nghị của Chính phủ về việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật là Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Còn ý kiến trái chiều về tách Luật Giao thông đường bộ
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phát biểu trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15-9. Ảnh: quochoi.vn

Tại phiên họp, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đại diện Chính phủ, đã trình bày báo cáo về đề nghị nêu trên. So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi quy định về giao thông đường bộ gồm 2 nội dung: kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, các quy định về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ không được quy định tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Cơ quan thẩm tra dự án luật cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc tách thành hai dự án luật.

Góp ý vào dự thảo luật, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng cần thiết phải sửa Luật Giao thông đường bộ bởi Luật đã có hơn 12 năm luật đi vào thực thi. Các quy định về giao thông đường bộ hiện nay chưa đủ, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và so với sự tăng trưởng của giao thông đường bộ. Tuy nhiên, dự thảo Luật Giao thông đường bộ có nhiều nội dung trùng lắp, chồng lấn, chưa thoát khỏi được với dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ông Lưu cho rằng, tất cả những quy định trong dự thảo Luật đều gắn với an toàn nên cần xem xét kỹ việc tách thành hai luật khác nhau. Phải cân nhắc, tính toán thật kỹ tên gọi và phạm vi điều chỉnh của luật sửa đổi lần này.

Còn bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng Việt Nam hiện có các Luật liên quan tới giao thông là Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Hàng không dân dụng, Luật Giao thông đường thủy nội địa…và không nên tách ra thành 2 luật mà nên để trong một luật để bảo đảm kết cấu tổng thể, thông suốt. "Nếu luật này tách ra vậy những luật còn lại có tách ra không?", bà Nga đặt vấn đề.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh và Phó chủ tịch chuyên trách của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng thông tin rằng các cơ quan của Chính phủ đã có rất nhiều cuộc thảo luận và thống nhất về việc tách ra thành 2 luật. Và thực tế, có đến 98% số vụ tai nạn giao thông xảy ra trong lĩnh vực giao thông đường bộ, do đó cần phải tách ra nội dung về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Bà Nga bày tỏ sự không đồng tình với quan điểm nêu trên vì cho rằng, trong lĩnh vực hàng không hay đường sắt, nếu xảy ra tai nạn cũng vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng tới rất nhiều người. Do đó, lý do đường bộ bị tai nạn nhiều nên phải tách luật là chưa thuyết phục...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới