Thứ hai, 3/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đào tạo ngoại ngữ, từ góc nhìn đầu tư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đào tạo ngoại ngữ, từ góc nhìn đầu tư

Trần Thị Tuyết

(TBKTSG) - Năm 2009, Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 với mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng bắt đầu được vận hành đi kèm tham vọng “đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam”.

Năm 2009 cũng là thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đưa chương trình dạy tiếng Anh phổ cập đang áp dụng cho học sinh từ lớp 6 xuống áp dụng cho học sinh từ lớp 3. Và đó cũng là năm tôi hăm hở quay lại Úc học bậc tiến sĩ và nghiên cứu đề tài về lứa tuổi học sinh Việt Nam tốt nhất cho việc học ngoại ngữ.

Đào tạo ngoại ngữ, từ góc nhìn đầu tư
Việc đưa ra một chính sách giáo dục ngoại ngữ phù hợp, khả thi sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân sự Việt Nam. Ảnh: Thành Hoa

Trong lần gặp đầu tiên với giáo viên hướng dẫn, tôi thao thao trình bày về “sự yếu kém” của công tác giảng dạy ngoại ngữ ở Việt Nam, mà cụ thể là tiếng Anh, rằng giáo trình lạc hậu, lớp quá đông người, trình độ giáo viên hạn chế, phương pháp giảng dạy không phù hợp, điều kiện cơ sở vật chất yếu kém, vân vân và vân vân. Nên hệ quả là học sinh tốt nghiệp bậc phổ thông trung học vẫn không giao tiếp được bằng ngoại ngữ.

Cô hướng dẫn nghe và nhìn tôi đăm đăm rồi trầm ngâm: “Em nói làm cô thấy xấu hổ quá! Bên này đầu tư lớn hơn, lớp ít học sinh hơn, điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn mà sau khi học hết phổ thông cũng không có mấy học sinh có thể giao tiếp được bằng ngoại ngữ. Em và các bạn sinh viên Việt Nam sang đây nói tiếng Anh tốt hơn nhiều sinh viên bản địa nói bất cứ ngoại ngữ nào...”. Câu nói của cô đã đi theo tôi suốt từ ngày đó.

Tôi cũng đã có một thời gian khoảng năm, bảy năm làm việc cho một khách sạn ở Melbourne và đi qua nhiều miền đất mới, tiếp xúc nhiều người từ nhiều nơi. Đi tới đâu tôi cũng để ý việc dùng ngoại ngữ của người nước ngoài. Tôi nghiệm ra rằng ngoại ngữ không phải là thứ cứ đổ tiền vào là có thể giao tiếp tốt. Việc dạy ngoại ngữ ở các nước nói tiếng Anh (như Anh, Úc, Mỹ, Canada, New Zealand) và việc học tiếng Anh ở các nước láng giềng phát triển hơn Việt Nam (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) cũng không có kết quả khả quan là mấy. Tại sao vậy?

Ngôn ngữ còn được gọi là sinh ngữ - muốn phát triển cần có môi trường như cây cần nước. Trẻ con không cần được dạy cũng có thể sử dụng không chỉ tiếng mẹ đẻ mà thậm chí là vài thứ ngôn ngữ, nếu được tiếp xúc với những ngôn ngữ đó thường xuyên từ lúc sinh ra. Ngược lại, nếu không có môi trường sử dụng, người ta có thể đánh mất ngôn ngữ sau khi đã khá thành thục ngôn ngữ đó.

Dạy ngoại ngữ khác với dạy tiếng mẹ đẻ hay ngôn ngữ thứ hai (second language) ở chỗ nó không có sự thuận lợi của môi trường ngôn ngữ tự nhiên. Ngôn ngữ thứ hai thường là ngôn ngữ mà người nhập cư phải học khi chuyển đến sinh sống ở miền đất nói thứ ngôn ngữ không giống tiếng mẹ đẻ của họ. Ngôn ngữ thứ hai cũng là ngôn ngữ được dạy ở những nước sử dụng ngôn ngữ đó trong giao tiếp hành chính song song với tiếng mẹ đẻ, như Singapore, Ấn Độ hay Malaysia và một số nước trước kia là thuộc địa của Anh hoặc vùng đa chủng tộc, đa ngôn ngữ, phải dùng tiếng Anh là ngôn ngữ hành chính chung. Sau yếu tố môi trường thì động lực (hoặc mục đích) học ngoại ngữ (như để giao tiếp với đối tác, để đi du học...) cũng là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc học một ngôn ngữ mới. Đa phần các yếu tố hay được bàn bạc trong việc dạy và học ngoại ngữ (như phương pháp giảng dạy, giáo trình, điều kiện cơ sở vật chất, các phương tiện công nghệ hỗ trợ...) đều hướng tới một hoặc cả hai yếu tố tạo môi trường hoặc tạo động lực cho người học.

Ngoài ra, độ cận ngôn giữa tiếng mẹ đẻ với ngoại ngữ được học cũng ảnh hưởng tới hiệu quả học ngoại ngữ. Tôi khá ấn tượng với khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ của người châu Âu. Sự dịch chuyển tự do trong khu vực này đã tạo một môi trường lý tưởng cho việc học ngôn ngữ các nước láng giềng. Các trung tâm du lịch ngoài nước Anh như Pháp, Ý, Đức mỗi năm đón hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới đổ về cũng là động lực cho những người trẻ ở các nước này học và giao tiếp bằng tiếng Anh. Tuy vậy, khảo sát của European Commission cho thấy tỷ lệ người nói tiếng Anh như một ngoại ngữ không phải ở nước nào cũng cao. Cụ thể ở Ý là 12,43%, Pháp 22,87%, Đức 29,77%, Hà Lan 37,31%, Phần Lan 44,68%, Đan Mạch 52,14%.

Ở các nước châu Á, do độ cận ngôn giữa tiếng mẹ đẻ (tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung hay tiếng Việt) với tiếng Anh thấp hơn, cộng với tư duy ngôn ngữ trong tiếng mẹ đẻ và trong tiếng Anh khác nhau khá lớn nên việc học tiếng Anh cũng chỉ đạt hiệu quả khiêm tốn. Lấy Hàn Quốc làm ví dụ. Park Chung Hee - vị tổng thống có dấu ấn lớn nhất đối với quá trình phát triển kinh tế ngoạn mục của nước này đã nói “ngoại trừ những học sinh cần vốn tiếng Anh chuyên nghiệp trong công việc tương lai, không phải học sinh nào cũng phải học tiếng Anh trên mức căn bản”. Dù vậy, xứ Hàn vẫn có những cơn sốt học tiếng Anh. Và tuy trình độ tiếng Anh của người Hàn Quốc đã được nâng lên, nhưng ngoài các thành phố có môi trường sử dụng tiếng Anh thường xuyên (như Seoul) thì người Hàn vẫn thường gặp khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng Anh.

Trở lại với vấn đề đầu tư cho việc học ngoại ngữ của người Việt. Thực tế đã cho thấy Việt Nam đưa ra một mục tiêu quá xa vời. Việc cào bằng chương trình cũng như không phân loại vốn đầu tư cho các vùng miền có mức độ phát triển và nhu cầu sử dụng ngoại ngữ khác nhau càng làm hạn chế hiệu quả đầu tư. Việc phát triển chương trình dạy học duy ý chí, không dựa vào điều kiện cơ sở vật chất và khả năng thực tế của giáo viên(1), cũng như động lực của người học trong môi trường sử dụng ngoại ngữ ở nhiều địa phương gần như không có khiến đề án giáo dục ngoại ngữ quốc gia từng được tính toán điều chỉnh đến năm 2025.

Năm nay - 2020, lẽ ra là năm “đích đến” theo mục tiêu ban đầu của đề án, điểm tiếng Anh vẫn thấp kỷ lục trong các môn thi tốt nghiệp phổ thông và điểm trung bình môn học này vẫn chưa lên được vị trí 4,6 trên thang điểm 10. Nhiều năm theo dõi điểm thi môn tiếng Anh, tôi vẫn băn khoăn sao vẫn chưa có một khảo sát trên diện rộng để hiểu tại sao điểm tiếng Anh mãi “thấp bền vững” như vậy? Do đề thi không đánh giá thực tế giảng dạy? Do việc tạo động lực cho người học kém hay đơn giản do người học không có động lực học tập? Nếu không có nghiên cứu cụ thể, tất cả chỉ là giả thuyết và ý kiến cá nhân. Đầu tư mà không có công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả thường xuyên để kịp thời nắm bắt thực tế và có những điều chỉnh hợp lý thì hiệu quả đầu tư thấp là điều khó tránh khỏi. Tôi vẫn đang kỳ vọng một phần rất nhỏ của khoản đầu tư gần 10.000 tỉ đồng kia sẽ được sử dụng vào một nghiên cứu đủ lớn và khách quan để không chỉ tìm ra được nguyên nhân của những kết quả quá khiêm tốn so với kỳ vọng mà còn có thể tìm ra hướng đi thích hợp và thiết thực hơn cho việc đầu tư vào mục tiêu giáo dục ngoại ngữ của quốc gia.

Ngoài ra, với thực tế Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là những nước đang đổ vốn đầu tư lớn vào Việt Nam những năm gần đây, tại sao chúng ta lại chỉ chọn tiếng Anh làm mũi nhọn đầu tư trong đào tạo ngoại ngữ? Đặc biệt, thế giới hậu Covid đang được dự đoán sẽ có sự dịch chuyển từ toàn cầu hóa sang khu vực hóa, việc đưa ra một chính sách giáo dục ngoại ngữ phù hợp, khả thi sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân sự Việt Nam, góp phần tạo sự khởi sắc cho nền kinh tế.

(1) Năm 2014-2015, một khảo sát cho thấy chỉ có 729/4.589 giáo viên tiếng Anh có bằng cử nhân đại học chính quy, số còn lại chỉ có bằng cao đẳng hoặc đại học tại chức; nhu cầu lớn nhất của họ là được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy phù hợp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới