Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tỉ phú bất động sản Singapore chuyển hướng sang đầu tư 1.000 bếp ảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tỉ phú bất động sản Singapore chuyển hướng sang đầu tư 1.000 bếp ảo

Ricky Hồ - Lê Hiếu

(TBKTSG Online) - Kishin RK là người thừa kế của đế chế bất động sản trị giá nhiều tỉ đô la ở Singapore. Giờ đây, vị tỉ phú trẻ tham gia vào cuộc đua giành thị phần bếp ảo bằng kế hoạch đầy tham vọng: thiết lập một mạng lưới gồm 1.000 nhà bếp ảo khắp châu Á, châu Âu và Mỹ. Nhà doanh nghiệp 37 tuổi này nói sự chuyển hướng này là cần thiết để tồn tại qua dịch Covid-19 chưa biết kết thúc khi nào.

Tỉ phú bất động sản Singapore chuyển hướng sang đầu tư 1.000 bếp ảo
Một nhà bếp ảo trên đường Orchard Road, con đường đắt nhất Singapore - Ảnh: Straits Times

Kishin là con trai duy nhất của ông trùm bất động sản Raj Kumar. Năm 12 tuổi, Kishi đã được cha mẹ cho căn hộ đầu tiên và được cha đưa đi dự các cuộc họp bàn về bất động sản. Năm 18 tuổi, Kishin bán căn hộ của ba mẹ cho và thành lập công ty RB Capital chuyên đầu tư vào bất động sản.

Cùng với cha, Kishin gầy dựng nên tập đoàn bất động sản Royal Holdings sở hữu đến 13 khách sạn và trung tâm thương mại nổi tiếng của Singapore, trong đó có InterContinental Robert Quay gồm 225 phòng, mới tân trang. Kishin rất kín tiếng với thế giới bên ngoài, các tài khoản mạng xã hội của vị tỷ phú trẻ nhất Singapore chỉ có hơn 200 người theo dõi.

Đa dạng thị trường bếp ảo

Được biết đến với nhiều tên gọi như “bếp chung”, “bếp đám mây” hay “nhà hàng ma”, các nhà bếp tập trung này có thể giới thiệu với bên ngoài một loạt món ăn của các nhà hàng nổi tiếng đang tìm cách mở rộng mạng lưới giao hàng của họ, hoặc cho các thương hiệu hoạt động thông qua ứng dụng trực tuyến.

Đây một mô hình ưa thích khi có thể giảm chi phí vận hành truyền thống – nhà hàng có chỗ ngồi cho khách và có người phục vụ. Bếp ảo có thể đặt tại các vị trí rẻ hơn trong các khu kinh doanh, thay vì mặt tiền đường chính.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Statista của Đức, thị trường giao nhận thức ăn qua mạng trên toàn thế giới trị giá khoảng 95-100 tỉ đô la trong năm 2019, bao gồm luôn phần của các bếp ảo và các bếp vật lý của các nhà hàng và cửa tiệm bán đồ ăn qua ứng dụng.

Trong năm ngoái, thị trường châu Á đạt 53 tỉ đô la - chiếm hơn 50% giá trị toàn cầu, trong đó Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn với 37 tỉ đô la. Ấn Độ là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất từ 300 triệu đô la trong năm 2016 lên con số 4 tỉ đô la.

Thị trường này tăng trưởng mỗi năm 11% cho đến năm 2023 và dự báo sẽ tăng hơn nữa do với tình trạng bùng phát dịch bệnh hiện nay ở châu Âu và Mỹ. Theo nghiên cứu của Allied Market Research, thì doanh thu nhà bếp trung tâm ước đạt 43 tỉ đô la vào năm ngoái và dự báo sẽ tăng vọt lên 72 tỉ đô la vào năm 2027.

Tại Nhật Bản, startup Sentoen dự định mở nhà bếp chung Kitchen Base vào tháng 5-2019 và cho thuê nhà bếp để nấu nướng với giá 100.000-150.000 yen mỗi tháng, tức khoảng 22-33 triệu đồng mỗi tháng. “Vốn đầu tư ban đầu sẽ dưới 500.000 yen (khoảng 110 triệu đồng),  trong khi đó nếu bạn muốn mở nhà hàng thật sự số vốn cần lên đến 10 triệu yen, tăng 20 lần”, CEO Sentoen CEO Daisuke Yamaguchi phát biểu.

Theo số liệu của công ty tài chính Japan Finance Corp và Cơ quan phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản, trên 80% số người có ý định mở nhà hàng ở Nhật Bản không thể thực hiện ước mơ của mình. Lý do chính là vẫn là khả năng tài chính! Tỷ lệ thất bại hay đóng cửa nhà hàng cũng rất cao, với 55.000 nhà hàng rời bỏ sân chơi mỗi năm.

Vì thế, nhà bếp ảo là “chảo lửa”  trui rèn cho những ai muốn khởi nghiệp ở lĩnh vực ẩm thực ở những thành phố có tiền thuê mặt bằng đắt đỏ như Tokyo hay Singapore. Và điều này càng cần thiết sau đại dịch bởi đồng vốn đầu tư giống như “sinh mạng”.

“Cựa quậy” để tồn tại qua dịch

“Đầu tư vào nhà bếp trung tâm là một cơ hội để nhìn vào bất động sản từ một lăng kính khác và tạo ra doanh thu từ một không gian có thể không còn phù hợp nữa”, tỷ phú trẻ Kishin nói. Năm ngoái, cùng với ba người bạn, anh thành lập công ty giao đồ ăn TiffinLabs - đặt tên cho công ty theo hệ thống giao đồ ăn trưa của Ấn Độ.

Dịch Covid-19 khiến kinh tế Singapore suy thoái với tăng trưởng âm trong sáu tháng đầu năm. Khối tài sản ròng trị giá khoảng 3 tỉ đô la của gia đình Kishin cũng bị “teo” lại. Thâm nhập một thị trường đầy cạnh tranh đòi hỏi chiến lược làm việc bền bỉ và tiềm lực tài chính to lớn.

Panda Selected đang thống lĩnh thị trường Trung Quốc. Hãng Deliveroo của Anh lên kế hoạch mở rộng bếp trung tâm ở châu Âu. Zuul Inc và Kitchen United cạnh tranh để chiếm lĩnh thị phần ở Mỹ. Travis Kalanick, cựu CEO của Uber, đầu tư vào hệ thống điều hành các nhà bếp trung tâm City Storages System và đạt mức định giá “khủng” đến 5 tỉ đô la trong năm 2019.

Còn tại Đông Nam Á, các tập đoàn ẩm thực như Central Restaurants của Thái Lan hay Jolibee của Philippines cùng các siêu ứng dụng Grab và Gojek đều có kế hoạch đầu tư lên đến hơn 100 triệu đô la cho bếp ảo. Nhưng con số bếp ảo của họ cũng chỉ hơn 100.

Liệu con số 1.000 bếp ảo có quá tham vọng hay ảo tưởng không?

Cách TiffinLabs tiếp cận thị trường sẽ khác - anh Kishin nói với Bloomberg. Họ sẽ thuê bếp của các nhà hàng đơn lẻ và cả bếp của các công ty catering khác chưa sử dụng hết công suất theo thỏa thuận chia sẻ doanh thu. Sau đó, TiffinLabs tung ra các thương hiệu riêng của mình như quán mì pasta Publico Pasta Bar và gà rán Hàn Quốc Huraideu.

Theo trang mạng của công ty, nhà bếp đầu tiên sẽ khai trương trong quí 4 này và TiffinLabs đã lên kế hoạch thành lập hơn 30 bếp trung tâm với các món ăn của 15 nền ẩm thực tại ít nhất 10 nước trong năm tới.

Trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn sẽ được sử dụng để phân tích và dự đoán hành vi của người dùng, xu hướng ăn uống và tối đa hóa hiệu quả của chuỗi cung ứng địa phương để tăng lợi nhuận cho mạng lưới bếp ảo khổng lồ rải khắp các châu lục – Kishin trả lời đài truyền hình Channel News Asia.

“Ngành ẩm thực giờ phải đối mặt với áp lực số hóa, tương tự như những gì ngành công nghiệp âm nhạc phải đối diện trong những năm cuối thập niên trước. Ngành công nghệ thực phẩm - food tech - sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh trong và sau đại dịch Covid-19, cho dù nhiều người nói thị trường bếp ảo đã bảo hòa”, Kishin nói.

Tuy nhiên, Kishin sẽ không cạnh tranh trực tiếp mà sẽ hợp tác với các nền tảng như Grab, Uber Eats và Foodpanda. “Tôi sẽ không rời công việc kinh doanh bất động sản của mình. Tôi chỉ làm những gì cần thiết để sống còn và tồn tại qua cuộc khủng hoảng này”, nhà tỉ phú Singapore nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới