Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Năng lực quản trị doanh nghiệp của Singapore bị hoài nghi vì ít minh bạch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Năng lực quản trị doanh nghiệp của Singapore bị hoài nghi vì ít minh bạch

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) - Các công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore có mức độ minh bạch trong quản trị doanh nghiệp kém hơn các doanh nghiệp Thái Lan và Malaysia – theo bản báo cáo của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Hiệp hội các nhà đầu tư chứng khoán Singapore công bố.

Năng lực quản trị doanh nghiệp của Singapore bị hoài nghi vì ít minh bạch
Phần lớn các doanh nghiệp Singapore xem nhẹ việc công bố thông tin doanh nghiệp, khiến tính minh bạch thông tin của doanh nghiệp của đảo quốc bị xếp sau Malaysia và Thái Lan. Ảnh: Ricky Hồ

Sự thiếu minh bạch thông tin khiến các nhà phân tích nước hoài nghi danh tiếng và cả sự liêm chính của văn hóa doanh nghiệp Singapore, khi vụ sụp đổ ngân hàng lâu đời Barings Bank và các vụ bê bối khác được nhắc lại.

Tại sao Singapore đứng thứ ba?

Trung tâm nghiên cứu quản trị chính quyền, các định chế và tổ chức (CGIO) trực thuộc Trường kinh doanh NUS thực hiện cuộc nghiên cứu này. Cuộc nghiên cứu của NUS thu thập thông tin đến cuối tháng 6 vừa rồi và nghiên cứu các bản báo cáo thường niên, báo cáo quản trị doanh nghiệp và trang mạng của 50 công ty lớn nhất tính theo mức độ vốn hóa trên sàn chứng khoán của mỗi nước trong năm nền kinh tế chính ở Đông Nam Á – thường được các nhà kinh tế gọi là ASEAN5.

Với tỷ lệ cáo bạch thông tin doanh nghiệp ở mức 64%, Singapore xếp hạng ba sau Malaysia với 74% và Thái Lan với 71%. Trong khi đó, Philippines có tỷ lệ này là 53% và Indonesia 52%.

Bản nghiên cứu này được NUS công bố hai năm mỗi lần với mục tiêu chỉ ra mức độ minh bạch hóa thông tin về độ liêm chính của doanh nghiệp, chiến lược và chính sách chống tham nhũng của các công ty đứng đầu trong khu vực. Nghiên cứu đánh giá năng lực quản trị doanh nghiệp trong các lĩnh vực như đạo đức kinh doanh, bao gồm các cam kết nội bộ và đối ngoại đối với nạn hối lộ và tham nhũng, cũng như việc giám sát và báo cáo các vụ việc.

Trong các bản báo cáo năm 2016 và 2018, Singapore xếp hạng thứ hai, sau Thái Lan. Malaysia không ngừng cải thiện thành tích của mình, từ hạng tư trong năm 2016 lên hạng ba – đồng hạng với Philippines trong năm 2018, để rồi vượt qua Singapore và Thái Lan trong năm nay để giành vị trí quán quân.

“Ở các công ty Singapore, tôi không biết nói thế nào, dường như có sự dè dặt, ngần ngại trong việc công bố thông tin”, Giáo sư Lawrence Loh, Giám đốc trung tâm CGIO, phát biểu. Vị giáo sư nói rằng sự ngần ngại này có thể là kết quả của việc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở đảo quốc này luôn e ngại hậu quả của việc tiết lộ thông tin của công ty.

“Rất nhiều lãnh đạo cấp cao hay các công ty luôn cố gắng kín tiếng càng nhiều càng tốt bởi nếu điều gì đó xảy ra có thể tấn công ngược lại và họ ở trong tình trạng dở khóc dở cười”, giáo sư Loh nói.

Nhà môi giới “thiên tài” Nick Leeson bị dẫn độ từ Frankfurt, Đức về sân bay Changi năm 1995 - Ảnh: Straits Times

“Khủng hoảng Nick Leeson” và danh tiếng bị vẩn đục

Singapore được xem là một trung tâm tài chính quốc tế của khu vực, nhưng danh tiếng này từng nhiều lần bị vấy bẩn với những vụ tai tiếng hay đổ bể lớn do quản trị kém hay thiếu trách nhiệm của nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Điều này khiến quốc tế đôi lúc e ngại các chuẩn mực quản trị của các công ty Singapore.

Nổi bật nhất là vụ sụp đổ ngân hàng Barings Bank – một ngân hàng có lịch sử lâu đời thành lập năm 1762 và ngay cả Nữ hoàng Anh cũng từng là khách hàng của họ. Năm 1990, Barings cử nhà môi giới trẻ Nick Leeson sang làm việc tại chi nhánh của họ ở Singapore.

Gia nhập Barings, Leeson tạo được ấn tượng mạnh với giới lãnh đạo và được đưa sang Singapore làm quản lý chi nhánh. Tại đây, Leeson điều hành các giao dịch hợp đồng tương lai trên sàn giao dịch ngoại tệ SIMEX của Singapore. Leeson nhanh chóng trở thành ngôi sao trên SIMEX với các sản phẩm phái sinh và có sức ảnh hưởng lớn với Barings và ở Singapore.

Năm 1992, Leeson đã bắt đầu thực hiện những giao dịch đầu cơ bất hợp pháp và đem lại cho Barings những khoản lợi nhuận khổng lồ. Năm 1993, khoản lợi nhuận từ thị trường SIMEX chiếm 10% tổng lợi nhuận toàn cầu của Barings.

Leeson được sự tin tưởng tuyệt đối của ban lãnh đạo Barings và qua mặt các nhà chức trách Singapore với hệ thống kế toán giả - với tài khoản 88888, một con số được xem là may mắn tuyệt đối với giới quản lý châu Á. Cuối năm 1994, tổng các khoản lỗ do Leeson đầu cơ lên đến 208 triệu bảng Anh, gần bằng 50% vốn của Barings. Ngày 16-1-1995, với mục đích gỡ gạc các khoản thua lỗ, Leeson mở hợp đồng chứng khoán hai chiều trên sàn chứng khoán Singapore và Nhật Bản với kỳ vọng thị trường Nhật sẽ không thay đổi nhiều trong ngắn hạn.

Trận động đất ở Kobe, Nhật Bản ngày hôm sau đã hủy hoại giấc mơ của Leeson. Khoản thua cược và các khoản lỗ do Leeson gây ra lên đến 1,4 tỉ đô la – gấp đôi vốn điều lệ của Barings. Ngôi sao Leeson đi tù với án tù ở sáu năm rưỡi ở tuổi 28. Còn ngân hàng Barings bị xóa sổ ở tuổi 233, và sau đó được bán lại với giá 1 bảng tượng trưng cho tập đoàn tài chính ING của Hà Lan. Có lẽ bài học Nick Leeson được nhà chức trách Singapore thuộc kỹ.

Năm 2016, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) đã rút giấy phép hoạt động và phạt tiền nhiều ngân hàng vì dính líu vào vụ rửa tiền nhiều tỉ đô la của quỹ đầu tư 1MDB của Malaysia. Cụ thể, hai ngân hàng BSI và Falcon của Thụy Sỹ bị rút giấy phép và phạt gần 13 triệu đô la. Ngân hàng DBS của Singapore và UBS của Thụy Sỹ bị phạt 1,7 triệu đô la.

Ngân hàng Standard Chartered Bank và Coutts của Anh bị phạt trên 5,3 triệu đô la. Chính phủ Singapore cũng phong tỏa “số lượng lớn” các tài khoản ngân hàng trong vụ rửa tiền của quỹ 1MDB và cấm ba cá nhân là quản lý ngân hàng cấp cao không được thực hiện bất cứ công việc gì liên quan đến ngân hàng và chứng khoán ở Singapore trong thời gian 15 năm đến suốt đời.

Nhưng bài học Nick Leeson dường như bị các doanh nghiệp Singapore ngó lơ. Trong các năm qua, các vụ bê bối đã gây họa cho nhiều công ty đã lên sàn và chưa lên sàn ở Singapore. Chẳng hạn, công ty xử lý nước Hyflux lâm vào nợ nần và đang tìm cách tái cấu trúc để ra khỏi khủng hoảng.

Tập đoàn thương mại Nobel Group đã bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore. Trước đó, các vụ gian lận sổ sách của tập đoàn bị đưa ra ánh sáng sau khi các nhà điều tra phát hiện công ty cố tình “đẻ” ra các chuẩn mực kế toán đầy phức tạp.

Tháng 5-2020, tập đoàn thương mại dầu lửa khổng lồ Hin Leong bị cảnh sát Singapore điều tra. Nhà sáng lập – tỉ phú Lim Oon Kuin – thừa nhận rằng ông đã chỉ đạo bộ phận kế toán của công ty không được báo cáo khoản thua lỗ 800 triệu đô la. Tập đoàn đang phải chịu áp lực của các chủ nợ và hiện do tòa án Singapore quản lý và kiểm soát.

Quản trị tốt cần có liêm chính

“Vì thế, tôi nghĩ rằng điều các công ty Singapore cần làm có lẽ là có kỷ luật mạnh mẽ hơn nữa trong việc công bố thông tin. Khi bị nghi ngờ, cần phải công bố, công bố và công bố liên tục. Tôi nghĩ đây là khoảng trống chưa được thực hiện nghiêm túc”, ông Loh nói.

Về tổng quát, vị giáo sư chỉ ra rằng minh bạch hóa thông tin cho ASEAN5 đã cải thiện và đạt 63% trong năm nay, từ mức 56% trong cuộc nghiên cứu năm 2018. Khoảng 97% các công ty được khảo sát đều công bố công khai sẽ tuân thủ luật chống tham nhũng.

Tuy nhiên, ông Loh cũng nhận ra khoảng cách giữa Singapore và các nước trong việc cam kết chống tham nhũng trên toàn cầu. Trong bảng xếp hạng chỉ số chống tham nhũng 2019 của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), Singapore được xếp hạng tư trong cuộc khảo sát 180 nước trên thế giới. Singapore cũng là quốc gia châu Á duy nhất lọt vào top 10 danh sách này.

Nhưng dù sao bản báo cáo của NUS cũng giảm đi phần nào danh tiếng của Singapore, nếu như không nói là “cái tát vào mặt” – theo lời một nhà phân tích. “Trong cuộc tranh đua trở thành trung tâm tài chính quốc tế thay thế cho Hồng Kông, kết quả này như tạt gáo nước lạnh”, ông nói.

Báo cáo từ NUS đưa ra một số giải pháp: “Cần có nhiều hơn nữa các công ty Singapore thực hiện cơ chế giám sát thường xuyên tệ hối lộ và chống tham nhũng.  Thay vì đưa ra những hứa hẹn mơ hồ trong các bản cáo bạch thông tin, các công ty cần thúc đẩy thực hiện các tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh và công bố với công chúng”.

David Gerald, chủ tịch của Hiệp hội các nhà đầu tư chứng khoán Singapore, đồng ý rằng các công ty trên đảo quốc này cần làm nhiều hơn nữa để cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp. “Văn hóa công ty rất, rất quan trọng. Và thường xuyên, văn hóa này chỉ xoay quanh việc kiếm tiền. Đúng, doanh nghiệp cần phải kiếm tiền, nhưng chúng ta phải bảo đảm rằng mọi thứ không được sai lệch”, ông nói.

Hiệp hội này ủng hộ quyền được biết của các cổ đông nhỏ lẻ của các công ty lên sàn – những người thường mất trắng khi đặt cược vào các công ty có vấn đề. Hiệp hội đã kêu gọi các công ty cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc giải trình và hành động vì lợi ích của một doanh nghiệp có trách nhiệm.

Ông Gerald ghi nhận rằng một vài công ty ở Singapore chỉ làm có lệ và thực hiện mức công bố thông tin ở mức tối thiểu trong các báo cáo thường niên. Ông cũng kêu gọi cần có thay đổi để bảo vệ mức độ liêm chính của doanh nghiệp lên sàn chứng khoán. “Quản trị mà không có sự liêm chính thì không phải là quản trị tốt”, ông Gerald kết luận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới