Dược Hậu Giang: Lúc ra đời chẳng có gì, nay đã là doanh nghiệp dược hàng đầu
Huỳnh Kim thực hiện
(TBKTSG) - LTS: Đầu năm 2021 tới đây, TBKTSG tròn 30 năm kể từ khi thành lập (4-1-1991 - 4-1-2021). Suốt gần 30 năm qua nhóm TBKTSG luôn kiên trì với tôn chỉ mục đích được xác lập từ ngày đầu thành lập, đó là Ủng hộ và đóng góp vào tiến trình đổi mới của đất nước; Ủng hộ vô điều kiện các doanh nghiệp làm ăn chân chính và góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân của thời kỳ đổi mới. Nhân dịp 30 năm nhìn lại, TBKTSG thực hiện loạt bài viết về một số trong những doanh nghiệp đã trưởng thành trong thời kỳ đổi mới và sự thành công đó mang dấu ấn đậm nét của một thế hệ các doanh nhân tài năng - những doanh nhân của thời kỳ đổi mới. Đây cũng là những doanh nhân đã đồng hành và là độc giả của TBKTSG từ những ngày đầu.
Ông Đoàn Đình Duy Khương (trái) tiếp lãnh đạo cấp cao tập đoàn Taisho. Ảnh: Phương Trang |
Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại DHG. Ảnh: Phương Trang |
“Có rất nhiều trầm và thăng”, đó là cách ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG), nhận xét về quá trình hoạt động 46 năm qua của doanh nghiệp mình. DHG ra đời trong kháng chiến, hầu như chẳng có gì, nhưng nay đã là một doanh nghiệp hàng đầu của ngành dược Việt Nam.
TBKTSG: Ông có thể phác họa một tương lai mười năm tới khi DHG đã bắt đầu “chơi” với tập đoàn Taisho của Nhật từ năm ngoái?
- Ông Đoàn Đình Duy Khương: DHG đặt ra ba mục tiêu trong phát triển giai đoạn mới. Thứ nhất, phải hội nhập để có thêm kiến thức, thêm cơ hội, thêm học tập. Thứ hai, phát triển khoa học - Taisho sẽ chuyển giao công nghệ để phát triển sản phẩm theo xu hướng của thế giới. Thứ ba, phát triển bền vững trên nền tảng quản trị được hỗ trợ bởi một tập đoàn lớn như Taisho.
Đó là ba mục tiêu chính trong 10-20 năm tới.
TBKTSG: Cơ duyên nào để DHG và Taisho gặp nhau?
- DHG đã sẵn sàng hội nhập từ năm năm trước, đã đi tìm các đối tác quốc tế để cùng nhau phát triển. DHG chủ động chọn Nhật Bản, vì Nhật Bản đang có hợp tác phát triển toàn diện với Việt Nam. Văn hóa của Nhật Bản nói chung hay văn hóa của doanh nghiệp, của tập đoàn Taisho cũng có những nét tương đồng với văn hóa của DHG. Từ đó, cộng với nền tảng phát triển khoa học và trình độ tầm thế giới của tập đoàn Taisho đã tạo điều kiện cho hai bên gặp nhau.
TBKTSG: Tới đây sản phẩm thương hiệu DHG sẽ đi xa hơn ra sao?
- Thị trường trong nước của DHG chiếm 90%, còn lại xuất khẩu đến Moldova, Ukraine, Nga, Rumania, Singapore, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Lào, Campuchia, Thái Lan... Sắp tới, nhờ hợp tác với Taisho thì thương hiệu DHG sẽ vươn rộng hơn tới các nước phát triển mà Taisho đang có mặt, bao gồm cả Nhật Bản.
“Đặc biệt cảm ơn nhóm báo TBKTSG vì TBKTSG là người bạn đã đồng hành với Dược Hậu Giang gần 30 năm qua. Còn nhớ mười năm trước, TBKTSG đã cùng với Dược Hậu Giang và Đài Truyền hình Cần Thơ tổ chức hai chương trình hội thảo và giao lưu lớn tại trường Đại học Cần Thơ. Nhờ sự góp sức đó, sinh viên vùng đồng bằng sông Cửu Long đã biết nhiều hơn về thương hiệu DHG”.
Ông Đoàn Đình Duy Khương, |
TBKTSG: Nhìn lại 46 năm qua, ông nói gì về chặng đường hình thành và phát triển của DHG gắn với chính sách đổi mới của đất nước?
- Tôi gắn bó với DHG hơn 20 năm sau của chặng đường 46 năm. 46 năm qua là một sự nỗ lực rất lớn, vì DHG đi từ một doanh nghiệp trong kháng chiến. Ngày xưa chỉ có phục vụ theo nghĩa thị trường cần gì thì mình làm cái đó.
Ngày trước không có những biểu mẫu, những phương pháp, những bài học kinh nghiệm thì mình quản lý dựa trên nền tảng tin tưởng, tình cảm, kết quả vẫn mang lại một giá trị rất tốt.
Tuy nhiên, khi đất nước hội nhập, phát triển thì phương pháp quản trị phải thay đổi, phải dựa trên các nền tảng khoa học. Và mỗi năm DHG vẫn miệt mài cải tiến để được hoàn thiện hơn. Cải tiến đầu tiên từ nguồn lực sản xuất, từ nền tảng sản xuất máy móc, thiết bị, nâng cấp con người, dài dài cho đến bây giờ.
TBKTSG: Trong chặng đường thăng trầm đó, DHG vẫn luôn chú trọng xây dựng thương hiệu?
- Có rất nhiều trầm và thăng. Thứ nhất là giai đoạn mà DHG chưa có thương hiệu gì hết. Buôn bán rất khó nên đành phải bán kèm với các sản phẩm khác để có thể đưa sản phẩm DHG đến với người tiêu dùng; đó là giai đoạn khó nhất. Tất cả những con người của DHG phải nỗ lực hết mức; nhờ đó sản phẩm DHG dần có mặt ở các điểm bán, cả ở những nhà thuốc tại Hà Nội, TPHCM.
Tiếp đến là giai đoạn xây dựng thương hiệu. Khi nền kinh tế thị trường phát triển, DHG mới biết cần phải tiếp thị, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng, đến khách hàng. DHG lựa chọn tập trung đúng những gì cần giới thiệu và cuối cùng được người tiêu dùng đón nhận sản phẩm. Bản chất thuốc vẫn là thuốc nhưng được cải tiến lại mùi vị, màu sắc, hình thức, đóng gói, chất lượng của nguyên liệu, cân đối lại giá cả sao cho phù hợp, cải tiến hết toàn bộ.
Sau đó là giai đoạn cổ phần hóa, thay đổi mô hình quản trị để giúp DHG tiếp cận với vốn đầu tư nước ngoài. Nhờ cổ phần hóa, DHG được tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài với sự hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm của họ trong quản trị. Nền tảng quản trị này đã giúp DHG minh bạch, rõ ràng hơn nhờ đi theo các phương pháp quản lý sản xuất, con người, thu nhập, tài chính... minh bạch.
Hiện DHG có ba nhóm sản phẩm là thuốc về điều trị, thực phẩm chức năng và nhóm dược - mỹ phẩm. DHG đang có hai nhà máy ở Cần Thơ và Hậu Giang gồm 35 chi nhánh, phủ sóng 26.000 điểm bán hàng trên cả 63 tỉnh, thành với tổng số cán bộ nhân viên 2.750 người.
TBKTSG: Ông có thể nói về vai trò của bà Phạm Thị Việt Nga, người đã khai sinh ra thương hiệu DHG?
- Tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga, nguyên Tổng giám đốc DHG, là cánh chim đầu đàn của DHG; đã để lại cho DHG nhiều nguồn lực, nhiều tài sản rất quý để các thế hệ tiếp theo gìn giữ và phát triển. Bà luôn có những bước cải tiến phù hợp với văn hóa và thị trường theo từng năm, từng giai đoạn, từng chiến lược khác nhau làm nền tảng để giúp DHG phát triển. Đó là một con người tình cảm, gần gũi nhưng giải quyết công việc rất quyết liệt.
Các thế hệ lãnh đạo mới sẽ theo những xu hướng mới mà điều hành. Không chỉ DHG mà ngành dược nói chung, những năm gần đây, hội nhập quốc tế là điều tất yếu. Vì chỉ có hội nhập quốc tế với các nước có nền khoa học phát triển về dược phẩm, về y học, về công nghiệp dược thì mới có thêm cơ hội để các doanh nghiệp dược Việt Nam vươn ra thế giới.
TBKTSG: Theo ông, vai trò của báo chí trong quá trình phát triển của DHG ra sao?
- Nói về vai trò của báo chí thì quá tuyệt vời đối với DHG, vì DHG đi lên từ con số 0, chẳng ai biết DHG. May là DHG gần gũi, chân thật, tình cảm nên hầu như báo nào cũng thương. Các anh chị em báo chí còn đồng hành với DHG trong nhiều chương trình xã hội. Báo chí đã nhận ra một doanh nghiệp có những con người chân chất, tình cảm, nói thật làm thật nên đã tiếp sức trong việc chia sẻ, giới thiệu hình ảnh của DHG đến khắp nơi, đến người tiêu dùng, đến bạn đọc, đến nhà thuốc, đến bệnh viện, đến tất cả mọi người.
Chính nhờ sự giúp sức của báo chí, DHG ngày hôm nay được nhiều người biết đến, nhiều người ủng hộ và nhiều người nhận được nhiều thông tin một cách chân thật.
Cảm ơn anh chị em báo chí đã góp sức cho doanh nghiệp, đặc biệt là DHG. Trên nền tảng đó, DHG cảm thấy không bị lẻ loi, lúc nào cũng có anh chị em báo chí, sẵn sàng chia sẻ, đưa những tấm gương, những hình ảnh, những hoạt động khoa học có giá trị về cuộc sống của DHG đến với cộng đồng.