Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Còn nhiều lỗ hổng trong nỗ lực xóa ‘thẻ vàng’ của EU

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Còn nhiều lỗ hổng trong nỗ lực xóa ‘thẻ vàng’ của EU

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Để được Ủy ban châu Âu (EC) thuộc Liên minh châu Âu (EU) xóa “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam, thì cần phải thực hiện tốt các khuyến nghị được đơn vị này đưa ra. Thế nhưng, qua buổi làm việc của đoàn công tác ngành nông nghiệp với UBND tỉnh Tiền Giang cho thấy, vẫn còn nhiều lỗ hổng cần phải khắc phục để đạt được mục tiêu xóa “thẻ vàng” hải sản.

‘Thẻ vàng’ khiến hải sản xuất sang EU bị tổn thất 10.000 euro mỗi container?

“Thẻ vàng” EU đẩy xuất khẩu hải sản Việt Nam vào thế khó

 

Còn nhiều lỗ hổng trong nỗ lực xóa ‘thẻ vàng’ của EU
Trong nỗ lực để được EU xóa "thẻ vàng" đối với hải sản xuất khẩu, trong thời gian qua các bộ ngành, địa phương đã rất quyết liệt tập trung khắc phục 4 nhóm khuyến nghị được EC đưa ra. Ảnh minh họa: TTXVN

Báo cáo tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với UBND tỉnh Tiền Giang về việc khắc phục “thẻ vàng” hải sản diễn ra ở địa phương này vào hôm nay, 29-10, ông Trịnh Công Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.456 tàu cá, trong đó, tàu từ 24 mét trở lên có 139 chiếc, tàu từ 15 đến dưới 24 mét có 950 chiếc và còn lại là tàu dưới 15 mét.

Theo ông Minh, việc lắp đặt, vận hành và quản lý thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, hiện đã có 874 tàu đã được lắp đặt, đạt 81,5% trên tổng số tàu cá thuộc diện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Ông Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh Tiền Giang có 1 tàu cá mang số đăng ký TG-92662-TS đã bị Thái Lan bắt giữ do xâm phạm vùng biển của quốc gia này.

Việc vi phạm vùng biển của nước ngoài trong quá trình khai thác hải sản là điều cấm, nếu không khắc phục thì nguy cơ bị EC rút “thẻ đỏ” đối với hải sản Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra.

Để giải quyết các tồn tại nhằm tiến đến tháo gỡ “thẻ vàng”, thời gian qua, các bộ ngành, địa phương đã rất quyết liệt tập trung khắc phục 4 nhóm khuyến nghị được EC đưa ra, bao gồm hoàn thiện khung pháp lý xây dựng một hệ thống kiểm soát toàn diện cho việc chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU); tăng cường công tác quản lý tàu (lắp thiết bị giám sát hành trình - PV); tăng cường các giải pháp giải quyết tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.

Ngày 23-10-2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức rút thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam.

Tại buổi làm việc, tuy đánh giá cao những nỗ lực khắc phục theo khuyến nghị của EC nhằm tháo gỡ  “thẻ vàng”, nhưng các đơn vị liên quan đã chỉ ra rất nhiều lỗ hổng cần tiếp tục khắc phục, nếu muốn EC gỡ “thẻ vàng” hải sản Việt Nam.   

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế thuộc Tổng cục Thủy sản cho biết, đối với công tác giám sát sản lượng, khi bà kiểm tra thực tế ở cảng cá tại tỉnh Tiền Giang, thì có cán bộ giám sát. “Tuy nhiên, việc giám sát tại cảng, cán bộ của chúng ta còn phụ thuộc vào số liệu của các vựa, tức vựa cung cấp như thế nào, thì cán bộ giám sát tại cảng mới nắm được”, bà Nhung nêu thực trạng.

Theo bà Nhung, cán bộ giám sát phải chứng minh được cách làm để giám sát được số lượng, chứ không phải nắm số liệu thông qua chủ vựa. “Đến thời điểm kiểm tra, chẳng hạn cán bộ EC đặt ra câu hỏi là đã giám sát được bao nhiêu tấn, thì cán bộ giám sát phải trả lời được, chứ không phải đi hỏi vựa bao nhiêu rồi mới đi báo cho đoàn kiểm tra biết là không được”, bà cho biết và nói rằng: “Phải có bằng chứng chứng minh được tại thời điểm đấy chúng tôi giám sát được đúng từng đấy”.

Về công tác xác nhận hồ sơ và công tác cấp chứng nhận và xác nhận bà Nhung yêu cầu phía tỉnh Tiền Giang cần điều chỉnh thực hiện theo các quy định cũng như khuyến nghị của EC. Bởi, chẳng hạn, với việc xác nhận hồ sơ tại cảng cá của Tiền Giang khi bà kiểm tra thực tế là chưa chính xác.  “Ví dụ, khi chúng tôi kiểm tra hồ sơ xác nhận số 0042 năm 2020, thì tàu cá này cập cảng ngày 27-7-2020 và được thực hiện công tác giám sát sản lượng ngày 28-7. Thế nhưng, giữa việc thực hiện giấy ghi nhận sản lượng qua cảng để phục vụ cho công tác xác nhận với phiếu giám sát có sự chênh lệch nhau về ngày”, bà Nhung dẫn chứng.

 

Hoạt động chế biến cá tra xuất khẩu tại một nhà máy ở An Giang. Ảnh: TTXVN

Bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra thuộc Tổng cục Thủy sản cho biết: “Qua các hồ sơ chúng tôi thấy rằng, công tác kiểm tra thực tế tại các tàu vẫn còn hạn chế, chủ yếu đang tập trung kiểm tra hồ sơ, còn việc lấy thông tin, thì lấy của chủ vựa; hoặc văn phòng, thì lấy lại thông tin của ban quản lý cảng cá để điền thông tin vào các biểu mẫu của văn phòng”.

Từ thực trạng nêu trên, bà Huệ yêu cầu các đơn vị liên quan trong thời gian tới cần phải tăng cường công tác kiểm tra trên thực tế.

Còn về nội dung liên quan việc theo dõi giám sát, theo bà Huệ, đối với thiết bị giám sát hành trình của các tàu trên 24 mét, thì thời gian vừa qua, Tổng cục Thủy sản đã gửi nhiều thông báo cho địa phương về việc tàu cá có chiều dài trên 24 mét “mất kết nối trên 10 ngày”.

“Tuy nhiên, qua theo dõi, chúng tôi thấy những tàu này đã cập cảng, nhưng địa phương lại không gửi thông tin về Tổng cục, cho nên, trong hồ sơ của Tổng cục không khép lại được”, bà nêu thực trạng và yêu cầu, thời gian tới địa phương cần tăng cường phối hợp với Tổng cục Thủy sản để hồ sơ của Trung ương và địa phương khớp nhau khi EC sang kiểm tra.

Với những sai lỗi còn tồn tại như nêu trên, rõ ràng để được EC tháo gỡ “thẻ vàng” hải sản, thì Tiền Giang nói riêng và các địa phương khác nói chung cần phải nổ lực hơn nữa trong khắc phục các khuyến nghị được EC đưa ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới