Thứ Sáu, 16/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cuộc chạy đua chiếm thị trường nhiên liệu sạch hydrogen giá trị 700 tỉ đô

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cuộc chạy đua chiếm thị trường nhiên liệu sạch hydrogen giá trị 700 tỉ đô

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Châu Âu và Trung Quốc đang tăng tốc các kế hoạch thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sạch hydrogen để giành quyền kiểm soát một thị trường có giá trị lên đến 700 tỉ đô la Mỹ vào năm 2050.

Sức ép khí hậu khiến nhu cầu hydrogen tăng mạnh

Niels-Arne Baden, Giám đốc điều hành Công ty Green Hydrogen Systems, đã đánh giá sai nhu cầu khi lên kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp máy điện phân sản xuất khí hydrogen (H2) tại Đan Mạch cách đây một năm.
Nhu cầu máy điện phân nước (để phân hủy nước thành oxygen và H2) tăng quá nhanh đến mức giờ đây ông dự định nâng gấp đôi quy mô của nhà máy này.

Ông nói: “Khi tôi gia nhập Green Hydrogen Systems vào năm 2014, hầu như không có thị trường cho máy điện phân nước. Thế rồi năm ngoái, nhu cầu bùng nổ”.

Tình hình bắt đầu thay đổi rõ rệt vào năm ngoái. Tại một hội chợ triển lãm công nghiệp ở Hanover (Đức), nhiều lãnh đạo của các hãng xe và các công ty sản xuất tuốc-bin gió muốn tìm hiểu cách mà máy điện phân nước có thể hỗ trợ họ lưu trữ một số sản lượng năng lượng tái tạo giá rẻ. Và rồi, Green Hydrogen Systems chứng kiến đơn hàng đến dồn dập.

Baden nói: “Chúng tôi không có khả năng cung cấp lượng hàng mà khách đang đặt mua liên tục”. Green Hydrogen Systems đã huy động nguốn vốn vào năm ngoái từ Quỹ đầu tư vốn mạo hiểm Nordic Alpha Partners để nâng công suất sản xuất máy điện phân nước.

Cuộc chạy đua chiếm thị trường nhiên liệu sạch hydrogen giá trị 700 tỉ đô
Niels-Arne Baden, Giám đốc điều hành Công ty Green Hydrogen Systems. Ảnh: Bloomberg

Không chỉ Green Hydrogen Systems mà các chính phủ, các tập đoàn năng lượng khổng lồ, các hãng xe và các tổ chức vận động hành lang cũng cho rằng thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sạch hydrogen đóng vai trò then chốt, giúp giảm khí thải nhà kính đủ nhanh để ngăn ngừa các hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Triển vọng đó đã châm ngòi một cuộc chạy đua trên toàn cầu, để giành thị phần trong một mảng kinh doanh có thể có giá trị lên tối 700 tỉ đô la Mỹ vào năm 2050, theo dự báo của  Công ty BloombergNEF.

Liên minh châu Âu (EU) đang đặt mục tiêu đầu tư 470 tỉ euro vào hạ tầng hydrogen. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể sẽ sử dụng hydrogen để đạt các cam kết gần đây của họ về mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính. Saudi Arabia có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu ammonia (NH3), một hợp chất vô cơ có công thức phân tử là NH3 (nitrogen + hydrogen), từ nguồn năng lượng tái tạo.

“Nước nào cũng đều muốn kiểm soát thị phần. Chúng tôi gọi đó là cuộc chiến hydrogen vì các chính phủ đang chạy đua để trợ cấp cho các dự án hydrogen để trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực này” Gero Farruggio, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường năng lượng tái tạo ở hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, nói.

Farruggio và các cộng sự của ông ước tính các dự án sản xuất hydrogen từ năng lượng tái tạo trên toàn cầu có công suất tổng cộng 60 GW, phần lớn mới được công bố trong năm nay.

Châu Âu dẫn đầu cuộc đua

Cho đến nay, châu Âu đi đầu trong các nỗ lực thúc đẩy sử dụng hydrogen. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen, đã đặt Thỏa thuận xanh (Green Deal) của EU vào trọng tâm của kế hoạch chi tiêu 750 tỉ euro để hỗ trợ nền kinh tế của khu vực phục hồi từ đại dịch Covid-19.

Kế hoạch này bao gồm mục tiêu xây thiết lập năng lực sản xuất hydrogen với công suất 40 GW từ các nguồn năng lượng tái tạo trong thập kỷ này. Các nước thành viên EU cũng đang xây dựng các kế hoạch của riêng họ và Anh sẽ công bố chiến lược hydrogen trong vài tháng tới.

Tập đoàn dầu khí Shell (Anh-Hà Lan) đang lên kế hoạch sản xuất hydrogen ở các nhà máy hóa dầu tại Hà Lan. Hãng sản xuất máy bay Airbus muốn sản xuất máy bay vận hàng bằng nhiên liệu hydrogen. Tập đoàn thép khổng lồ ArcelorMittal (Luxembourg) đang triển khai một dự án thí điểm để sử dụng hydrogen thay thế cho nhiên liệu hóa thạch tại một nhà máy sản xuất thép ở Hamburg, Đức.

Green Hydrogen Systems, ITM Power (Anh) và Nel ASA (Na Uy), đang có kế hoạch mở các nhà máy mới trong vòng một năm tới để sản xuất máy điện phân nước có tổng cộng công suất 830 MW, lớn gấp sáu lần doanh số máy điện phân trên toàn cầu vào năm 2018.

Tập đoàn công nghiệp Thyssenkrupp (Đức) cho biết công suất sản xuất máy điện phân nước của tập đoàn này đang ở mức 1.000 MW.

Sản lượng máy điện phân của tập đoàn năng lượng Siemens Energy (Đức) đã tăng 10 lần trong vài năm qua.
David Hart, Giám đốc Công ty tư vấn E4tech (Thụy Sĩ) cho biết dù sự quan tâm đối với hydrogen lên xuống thất thường trong nhiều năm, nhưng hiện nay đã khác. Các tập đoàn dầu khí khổng lồ như Shell, BP, Exxon Mobil, chính phủ Anh và hai hãng xe Toyota, Hyundai đã tìm đến công ty của Hart để xin tư vấn. Ông đã khuyên các khách hàng phải hành động nhanh chóng để giành thị phần hydrogen.

Trung Quốc tăng tốc bám đuổi

Châu Âu đang có hệ thống mua bán phát thải carbon rộng lớn và đang dẫn đầu thế giới về các mục tiêu cắt giảm khí thải carbon nhưng Trung Quốc cũng đang bám đuổi rất nhanh. Gần đây, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình gây bất ngờ khi thông báo rằng Trung Quốc sẽ hướng đến mục tiêu đạt mức zero ròng về khí thải carbon vào năm 2060. Nước này cũng đang xây dựng một trang trại điện mặt trời và điện gió khổng lồ ở vùng Nội Mông để sản xuất hydrogen.

Hôm 29-10, Tập đoàn Sinopec, nhà lọc dầu lớn nhất Trung Quốc, cho biết đang đầu tư vào chuỗi cung ứng hydrogen để trở thành một "tay chơi lớn" trên toàn cầu.

Năng lưới tái tạo giá rẻ như điện gió và điện mặt trời có thể được sử dụng để sản xuất hydrogen mà không phát ra khí thải carbon. Ảnh: sciencemeetsbusiness.com.au

Trung Quốc cũng đang là nhà sản xuất máy điện phân nước lớn nhất thế giới với chi phí rẻ nhất nhờ tận dụng được nhân công và vật liệu thô giá rẻ.

Công ty Cockerill Jingli Hydrogen, một liên doanh giữa Công ty thiết bị sản xuất hydrogen Suzhou Jingli và Tập đoàn John Cockerill (Bỉ), đã khai trương một nhà máy có diện tích 18.000 mét vuông ở Trung Quốc vào năm ngoái, có thể sản xuất 350 MW công suất máy điện phân mỗi năm và sau đó sẽ nâng lên 500 MW mỗi năm.

“Người Trung Quốc luôn có lợi thế giúp họ chuyển động rất nhanh. Và chừng nào tự cung cấp đủ hydrogen cho thị trường trong nước, họ có thể xuất khẩu nhiên liệu này”, Edgare Kerkwijk, Giám đốc công ty đầu tư và tư vấn Asia Green Capital Partners (Singapore), nhận định.

Trung Quốc chưa thâm nhập vào thị trường hydrogen của châu Âu nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian, theo nhận định của Andre Lokke Giám đốc điều hành Nel ASA.

Ông nói: “Cho đến nay, chúng ta đang đi trước trong cuộc chơi này. Nhưng chúng ta cần phải chạy rất nhanh”.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang tập trung vào các nỗ lực thúc đẩy sử dụng nhiên liệu hydrogen. Công nghệ pin nhiên liệu (sử dụng nhiên liệu hydrogen) đang hứa hẹn mở ra một bước phát triển cho xe hơi điện. Ngoài ra, hydrogen cũng có thể sử dụng để vận hành xe tải, tàu hỏa và máy bay. Hãng xe Hyundai đã lên kế hoạch xuất khẩu 64.000 xe tải vận hành bằng hydrogen vào năm 2030.

Tuy nhiên, Mỹ dường như đứng ngoài cuộc đua. Cho đến nay, chính phủ Mỹ chưa công bố lộ trình xây dựng một nền kinh tế hydrogen, thậm chí còn giảm các tiêu chuẩn khí thải đối với các hãng xe, các nhà máy sản xuất điện và ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.

Theo Bloomberg

Sản xuất hydrogen thân thiện với môi trường còn tốn kém

Có rất nhiều ngành công nghiệp, chủ yếu là ngành hóa dầu, đã sản xuất hydrogen. Nhưng họ thường sử dụng các nhiên liệu hóa thạch để sản xuất nó, vì vậy, phát ra rất nhiều khí thải carbon.

Hydrogen có thể được sản xuất mà không phát thải khí carbon bằng cách sử dụng máy điện phân nước sử dụng năng lượng tái tạo hoặc bằng cách hút khí ô nhiễm từ khí quyển rồi dùng các chất xúc tác làm sạch và chuyển nó thành hydrogen.

Các phương pháp này giúp giảm thiểu dấu ấn carbon vì hydrogen chủ yếu thải nước khi bốc cháy. Chúng đang nhận được sự quan tâm ngày càng lớn từ hội đồng quản trị khi cổ đông ở các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu đang gây sức ép buộc công ty của họ phải theo đuổi các mục tiêu xanh trong kinh doanh.

Nhưng các quy trình sản xuất hydrogen thân thiện với môi trường rất tốn kém. Cho dù nếu giá bán của hydrogen được sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường, giảm về mức 1 đô la Mỹ/kg, nó vẫn cần chính sách trợ cấp của các chính phủ để cạnh tranh với các nhiêu liệu hóa thạch. Sự phổ cập của của nhiên liêu hydrogen có thể phụ thuộc vào chính sách của các chính phủ đặt ra mức xử phạt nặng về các vi phạm hạn mức khí thải nhà kính.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới