Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khắc phục thiệt hại thiên tai: Vì sao bảo hiểm nhạt nhòa?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khắc phục thiệt hại thiên tai: Vì sao bảo hiểm nhạt nhòa?

TS. Võ Đình Trí (*)

(TBKTSG) - Ước tính mỗi năm Việt Nam bị thiệt hại về kinh tế khoảng 0,3-0,5% GDP, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, kể cả an ninh quốc phòng. Nhưng nguồn tài chính để khắc phục thiên tai hầu như chỉ dựa vào ngân sách nhà nước, trong khi công cụ tài chính phòng ngừa chia sẻ rủi ro như bảo hiểm thì quá nhạt nhòa.

 

Khắc phục thiệt hại thiên tai: Vì sao bảo hiểm nhạt nhòa?
Hình ảnh khu vực đại nội cố đô Huế bị nước lũ nhấn chìm được truyền thông trong nước và quốc tế chia sẻ.

Việt Nam là quốc gia bị xếp vào nhóm có nguy cơ cao về thảm họa thiên nhiên. Chỉ mới 10 tháng đầu năm 2020, thống kê ban đầu về thiệt hại tài sản do thiên tai gây ra đã lên đến 10.000 tỉ đồng.

Thiên tai xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn

Theo tập đoàn tái bảo hiểm Munich Re, thiệt hại kinh tế do thiên tai của cả thế giới ước tính trong sáu tháng đầu năm 2020 là 68 tỉ đô la Mỹ, trong số này có 27 tỉ đô la Mỹ thiệt hại được bảo hiểm - tương đương 39,7%. Như vậy có đến 60% thiệt hại về kinh tế không được bảo hiểm, đồng nghĩa với việc người dân, doanh nghiệp, hay chính phủ phải tự gánh chịu những mất mát này.

Những người cho rằng biến đổi khí hậu là không nghiêm trọng có lẽ sẽ suy nghĩ lại khi biết rằng số lượng thảm họa thiên nhiên hàng năm đã tăng đều và gấp 4 lần so với năm 1970, theo thống kê của tập đoàn tái bảo hiểm hàng đầu thế giới Swiss Re. Theo đó, số vụ thảm họa thiên nhiên tăng từ 48 vụ năm 1970 lên 202 vụ năm 2019, cao nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý hơn, từ năm 2010 đến nay, số lượng vụ thảm họa thiên nhiên đã vượt hẳn số lượng vụ thảm họa do con người gây ra.

Cũng theo Swiss Re, năm 2019 cả thế giới bị thiệt hại về kinh tế do thảm họa (cả do thiên nhiên và do con người)  là 146 tỉ đô la Mỹ, trong đó 60 tỉ đô la Mỹ được bảo hiểm - tương đương 36,6%. Tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm trên tổng thiệt hại có sự khác biệt lớn giữa các khu vực trên thế giới. Bắc Mỹ và châu Úc là khu vực có tỷ lệ thiệt hại được bảo hiểm cao nhất - 60,9%, tiếp đến là Mỹ Latinh và Caribe với 43,7%, châu Âu với 39,7%, châu Á với 27,7%, và thấp nhất châu Phi với 15%.

Số thiệt hại không được bảo hiểm được thể hiện qua nhu cầu cần được bảo hiểm (protection gap), con số này của năm 2019 là 86 tỉ đô la Mỹ. Nếu tính đường trung bình động 10 năm (10-year moving average), nhu cầu cần được bảo hiểm từ năm 1970 đến nay có xu hướng tăng đều về số tuyệt đối nhưng dần ổn định về tỷ lệ.

Việt Nam học gì từ kinh nghiệm quốc tế   

Chính phủ cần tạo điều kiện để thị trường bảo hiểm thiên tai phát triển như hỗ trợ phí bảo hiểm, tạo thị trường trái phiếu thiên tai, mở rộng quỹ bảo hiểm trong việc phối hợp với các quốc gia trong khu vực, đưa bảo hiểm nhà cửa thành một nghiệp vụ bảo hiểm quan trọng như nhiều nước đã và đang thực hiện.

Rất nhiều tổ chức quốc tế đã thừa nhận và cảnh báo biến đổi khí hậu là một vấn đề nghiêm trọng của toàn cầu. Ngành bảo hiểm hơn ai hết cũng thấy được điều này bởi vì chỉ cần một thảm họa thiên nhiên là có thể làm phá sản các công ty bảo hiểm và khiến cho nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh kiệt quệ.

Tuy vậy, các chính sách liên quan đến bảo hiểm thiên tai trên thế giới nói chung vẫn chưa thể trực diện với vấn đề vì lý do quan trọng nhất: sự thất bại của thị trường.

Các hộ gia đình sẽ không mua bảo hiểm thiên tai nếu như nhận thức của họ về rủi ro này không khớp với thực tế, tức đánh giá thấp rủi ro. Nhưng họ cũng có lý do khi tần suất xảy ra các biến cố là thấp mặc dù nếu quan sát trong dài dạn, tần suất đang tăng theo thời gian. Trong khi đó, về phía các công ty bảo hiểm, họ cũng không mặn mà phát triển sản phẩm và thị trường nếu chính bản thân họ cũng không được “bảo hiểm” trên thị trường tài chính.

Vì lý do đó, sự can thiệp của Chính phủ là tất yếu để thêm một tay vỗ cùng bàn tay vô hình của thị trường.

Các chính phủ thường ứng phó với thảm họa thiên nhiên thông qua kết hợp các biện pháp trước (ex-ante) và sau (ex-post) như đầu tư vào khả năng chống chịu của hạ tầng, tự bảo hiểm thông qua dồn tích quỹ phòng chống thiên tai qua các năm, hỗ trợ thị trường bảo hiểm thiên tai qua trái phiếu thiên tai (catastrophe bonds).

Liên quan đến thị trường bảo hiểm, can thiệp quan trọng đầu tiên là ở phí bảo hiểm, để có tỷ lệ phí trên số tiền bồi thường dự tính là thấp nhất (lowest insurance multiple) thỏa mãn cả bên cầu và bên cung. Tiếp đến là phát triển thị trường tài chính, cụ thể là thị trường trái phiếu thiên tai để các công ty bảo hiểm còn có tấm chắn cho chính bản thân mình.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, mỗi quốc gia với hoàn cảnh và mức độ rủi ro khác nhau cần có lựa chọn tối ưu riêng của mình. Muốn vậy, cần tính toán được mức độ rủi ro của thảm họa thiên nhiên: tần suất và mức độ nghiêm trọng. Không những thế, còn cần tính cả việc rủi ro có ảnh hưởng trên diện rộng của lãnh thổ hay chỉ một vùng, khu vực nhất định.

Đương đầu với thiệt hại do thiên tai gây ra cũng là sự đánh đổi giữa tăng trưởng và nợ công của chính phủ, khẩu vị rủi ro của chính phủ. Với các quốc gia có quy mô nền kinh tế nhỏ, khuyến nghị thường được đưa ra là giảm chi phí bảo hiểm cho người dân, đảm bảo cho các rủi ro ít nghiêm trọng nhưng thường xảy ra hơn.

Một khi đã có thị trường bảo hiểm thiên tai, việc chi trả bồi thường cần nhanh gọn nhất có thể cho các hộ gia đình hay doanh nghiệp bị thiệt hại. Một ví dụ có thể tham khảo là Chính phủ Pháp có quy định trường hợp bồi thường bảo hiểm khi chính phủ tuyên bố một biến cố nào đó là thảm họa thiên nhiên. Theo đó, khi chính phủ tuyên bố thảm họa thì các hợp đồng bảo hiểm tài sản trong vùng bị ảnh hưởng được tự động bồi thường trong vòng tối đa ba tháng.

Thiệt hại do thiên tai gây ra ở Việt Nam sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, và Chính phủ Việt Nam không nên chỉ dựa vào quỹ phòng, chống thiên tai quốc gia hay cứu trợ. Thay vào đó, cần tạo điều kiện để thị trường bảo hiểm thiên tai phát triển như hỗ trợ phí bảo hiểm, tạo thị trường trái phiếu thiên tai, mở rộng quỹ bảo hiểm trong việc phối hợp với các quốc gia trong khu vực, đưa bảo hiểm nhà cửa thành một nghiệp vụ bảo hiểm quan trọng như nhiều nước đã và đang thực hiện.

(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới