Nguyên tắc 'xuống tiền' thời nhượng quyền spa lên ngôi
Tâm An
(TBKTSG Online) - Trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế thời kỳ dịch bệnh, một trong những điểm đáng chú ý trong lĩnh vực dịch vụ đó là xu hướng dòng tiền đang đổ vào hoạt động nhượng quyền dịch vụ chăm sóc sắc đẹp - các trung tâm spa. Điều này đang trái ngược với sự ảm đạm ở mô hình F&B (ăn uống và giải khát) đình đám một thời. Thế nhưng, để đảm bảo cho tiền đầu tư của mình sinh lời bền vững, các nhà nhận quyền (Franchisee) cần nằm lòng những nguyên tắc “xuống tiền thời dịch”.
Dòng tiền đang đổ vào nhượng quyền ngành chăm sóc sức khỏe và làm đẹp trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19, trong đó spa là một phân nhánh đáng chú ý của ngành này. Ảnh: Lê Thu |
Tiền tỉ đổ vào ngành chăm sóc sức khỏe và làm đẹp
Một trong những biểu hiện dễ thấy nhất của việc tiền đang đổ vào nhượng quyền spa là đã có không ít hợp đồng đã được ký kết trong thời gian qua. Cuối tháng 10, chủ sở hữu của chuỗi Shynh Beauty Spa là Shynh Group vừa cùng lúc ký hợp đồng nhượng quyền với bốn nhà đầu tư để triển khai các chi nhánh mới ở quận Tân Phú (TPHCM), Mỹ Tho (Tiền Giang), Long Thành (Đồng Nai) và Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk). Trước đó, Shynh Beauty cũng đã có nhiều chi nhánh nhượng quyền nhưng với việc có thêm cổ đông, chủ sở hữu thương hiệu tự tin giới thiệu hai mô hình spa nhượng quyền mới và cam kết về mức đầu tư, lợi nhuận cũng như thời gian hoàn vốn hấp dẫn.
Hay tại chuỗi Star Home, mô hình spa dưỡng sinh tiện lợi, giữa tháng 10 cũng đã ký hợp đồng nhượng quyền với đối tác thứ bảy. Và chỉ sau gần nửa tháng, vào ngày 28-10, chi nhánh của đối tác nhận quyền này đã đi vào hoạt động và trở thành cửa hàng đầu tiên trong chuỗi theo mô hình thu nhỏ, đặt trong trung tâm thương mại Aeon Tân Phú và chỉ phục vụ các dịch vụ liên quan đến chân gồm chăm sóc, làm móng và massage chân.
Bà Hồ Kim Ngân, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Star Home Spa cho biết, chuỗi này đã ký bốn hợp đồng nhượng quyền với các nhà đầu tư trong năm 2020 và đều tập trung từ tháng 7 đến nay. Trong số này, đã có hai hợp đồng thành hình bằng chi nhánh cụ thể, hai hợp đồng đang trong giai đoạn triển khai, tìm kiếm mặt bằng phù hợp.
Tùy vào mô hình, quy mô, số tiền nhà đầu tư chi ra khi mua nhượng quyền spa dao động từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng. Số tiền này bao gồm phí nhượng quyền (trả cho chủ sở hữu thương hiệu), thi công nội ngoại thất, trang thiết bị, dụng cụ làm dịch vụ, sản phẩm mỹ phẩm đi kèm phí đào tạo nhân viên…
Như tại Star Home Spa, mô hình cửa hàng 50 mét vuông, nằm trong trung tâm thương mại, chi phí này chỉ khoảng 600 triệu đồng nhưng với mô hình 150 mét vuông với các dịch vụ tiêu chuẩn, cơ bản thì con số lên tới một tỉ đồng. Hay tại Shynh Beauty Spa, mô hình Elite (dành cho khách hàng có thu nhập trung bình) với quy mô 180 mét vuông có tổng mức đầu tư ban đầu là 2,5 tỉ đồng và Luxury (dành cho khách có thu nhập cao hơn) quy mô 300 mét vuông là 3,5 tỉ đồng.
Các doanh nghiệp phát triển chuỗi cho rằng, các mô hình spa được săn đón và lựa chọn như một phương án thay thế an toàn khi các nhà đầu tư cá nhân đang buộc phải ngừng rót tiền vào các lĩnh vực truyền thống như xuất nhập khẩu hàng hóa, bất động sản do sức mua suy giảm vì dịch Covid.
Bình luận về xu hướng này, chuyên gia nhượng quyền và bán lẻ quốc tế Nguyễn Phi Vân chia sẻ, đầu tư vào lĩnh vực nhượng quyền lại khởi sắc trong dịch Covid-19. Trong đó, các nhà đầu tư nhượng quyền đang đổ dồn về chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe dành cho cá nhân, bao gồm cả sức khỏe vật lý (tập thể dục - gym) để tăng cường thể lực lẫn sức khỏe tinh thần (yoga, spa...) nhằm thư giãn, giảm căng thẳng. Và xu hướng này diễn ra ở khắp thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Nhìn riêng dưới góc độ dòng tiền, bà Vân cho rằng, dịch bệnh nổ ra đã khiến nhiều nhà đầu tư mất tiền ở các khoản đầu tư theo cơ hội, “xuống tiền” nhanh và thu hồi nhanh như chứng khoán, bất động sản hay tiền điện tử… Vì vậy, nhiều người đang có xu hướng quay về, chọn kênh an toàn như gửi tiền ngân hàng hay đầu tư vào các mô hình đã có hệ thống, chấp nhận biên lợi nhuận vừa phải, cổ tức nhận theo theo tháng...
Để tránh những đổ vỡ sau “lễ cưới đầy hoa”
Sau hai năm vận hành một chi nhánh spa ở quận 2 (TPHCM), bà L. chia sẻ, nhượng quyền ở ngành spa mới nhìn tưởng dễ nhưng thực tế lại không hề đơn giản. Mâu thuẫn có thể phát sinh ngay từ lúc bắt đầu mở chi nhánh.
Dù bên bán nhượng quyền (Franchisor) đã tính chi phí đầu tư ban đầu cho khâu thiết kế nội thất, trang thiết bị… nhưng thực tế bao giờ cũng bị đội lên vài ba chục phần trăm. Khi đó, các nhà đầu tư dù bị phát sinh ngân sách nhưng vẫn phải chấp nhận vì đã lỡ “đâm lao” và phải tự an ủi là đầu tư cho chi nhánh của mình. Đi vào vận hành rồi thì không ít trường hợp hai bên không thống nhất được cả về nhân sự, chi phí tiếp thị, thậm chí tính toán lời lỗ… khiến mất rất nhiều thời gian lẫn tranh cãi.
Khi vận hành, Franchisee không bao giờ được quan niệm Franchisor sẽ làm hết cho mình mà phải luôn theo dõi, giám sát, dành tâm sức điều hành, phải có những ý tưởng để bán hàng tại chỗ, quản trị nhân sự sao cho nhân viên cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách hàng...
Đặc biệt, theo bà L., đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4 vừa qua và các spa buộc phải đóng cửa đã dạy cho bà thêm một bài học là phải lựa chọn nhà nhượng quyền có tâm, tử tế để chia sẻ lúc khó khăn. “Lúc đó, họ phải nghĩ cách để mình vẫn có doanh thu dù spa không mở cửa, duy trì thu nhập cho nhân viên. Muốn như vậy thì nhất định họ phải sáng tạo và biết xoay chuyển nhanh chóng. Tất nhiên là phải có chuẩn bị nền tảng để làm điều đó”, bà L. nói.
Có những nguyên tắc "xuống tiền" với các nhà đầu tư mùa dịch. Ảnh minh họa: Lê Thu. |
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân nhìn nhận, trong bối cảnh dịch Covid hoành hành như hiện nay, các chi nhánh spa có thể bị đóng cửa bất kỳ lúc nào theo yêu cầu giãn cách xã hội thì chuyện duy trì nguồn thu là vấn đề càng đặc biệt quan trọng với các Franchisee. Vì vậy, ngay khi tìm hiểu, nhà đầu tư cần đặt câu hỏi với chủ sở hữu thương hiệu về cách đa dạng nguồn thu. Chẳng hạn như có bán mỹ phẩm kèm theo hay không? tỷ lệ đóng góp doanh thu là bao nhiêu? có bán các liệu trình, dịch vụ trước với giá ưu đãi để thu tiền trước? có thể cung cấp dịch vụ tại nhà của khách hàng… Rộng hơn, đó sẽ là hàng loạt câu hỏi về nền tảng vận hành, nền tảng công nghệ để phát triển trong thời đại kinh tế số, hệ thống và chuỗi cung ứng và đào tạo nhân sự.
Cũng theo bà Vân, làm nhượng quyền ở ngành chăm sóc sắc đẹp, liên quan đến việc sử dụng mỹ phẩm lên da, lên cơ thể nên Franchisee cũng cần phải có quy trình kiểm soát về chất lượng sản phẩm để tránh những rủi ro pháp lý có thể xảy ra khi khách hàng gặp sự cố. Đặc biệt, phải có kinh nghiệm quản trị nhân sự, yếu tố quan trọng nhất với ngành dịch vụ, chấp nhận đầu tư cho con người, tránh “tận dụng” kiểu để người thân không có kỹ năng quản trị hoặc thuê nhân sự giá rẻ.
Bà Vân cũng lưu ý, khi cả ngành đang đi lên thì chắc chắn thị trường sẽ có “vàng thau lẫn lộn”, mọi người trong ngành sẽ hưởng lợi chung. Tuy nhiên, sẽ có những người chưa có nền tảng vững chắc nhưng vẫn nhượng quyền. Vì vậy, nhà đầu tư cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ càng trước khi “xuống tiền”.
Bà Lê Thị Xuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Shynh Group, chủ sở hữu chuỗi Shynh Beauty Spa nhận định, trong đại dịch, nhượng quyền trở thành hình thức đầu tư ít rủi ro và bền vững hơn. Bởi lẽ, đứng sau các nhà đầu tư là chủ sở hữu thương hiệu với các nền tảng về hệ thống, về công tác nghiên cứu phát triển (R&D) để tạo sản phẩm, dịch vụ mới cũng như các chương trình tiếp thị, quảng bá; tiềm lực tài chính để đầu tư ứng dụng công nghệ hay sử dụng sức mạnh chuỗi để giảm thiểu chi phí…Tất nhiên, mối quan hệ giữa Franchisee và Franchisor luôn có nhiều yếu tố tác động, rất dễ xảy ra mâu thuẫn nếu hai bên không chia sẻ, thấu hiểu.
Ở thời điểm hiện tại, Shynh Group đẩy mạnh nhượng quyền không đơn giản vì xu hướng, dịch chuyển của các nhà đầu tư mà bản thân tự tin vào việc mình đã xây dựng được những nền tảng nhất định có thể hỗ trợ đối tác. Trong đó, lợi thế lớn nhất là chuỗi cung ứng với việc sở hữu các dòng sản phẩm làm đẹp do công ty phát triển và phân phối, với phòng R&D và nhà máy sản xuất tại Hàn Quốc. Nhờ vậy, Shynh Group có khả năng cung cấp cho đối tác sản phẩm chính hiệu với giá tốt và chủ động. Đặc biệt, nhờ chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất đến bán lẻ và bây giờ là phát triển nhượng quyền spa, Shynh Beauty có lợi thế hiểu biết thị trường Việt Nam để đưa ra các dịch vụ và sản phẩm làm đẹp phù hợp.
Bà Xuân cũng nhấn mạnh, để lựa chọn một thương hiệu để nhượng quyền, nhà đầu tư nên lưu ý ba yếu tố là mô hình hiệu quả (đã được chứng minh thành công), phát triển bền vững, và doanh nghiệp nhượng quyền đủ tiềm lực.
Bà Hồ Kim Ngân chia sẻ, trong giai đoạn vừa qua, nhiều nhà đầu tư đã đặt câu hỏi về việc chi nhánh sẽ duy trì và hoạt động thế nào khi dịch bệnh phức tạp. Và Star Home Spa đưa ra bức tranh tương lai với các giải pháp cụ thể. Đó là Franchisor sẽ đi tìm mặt bằng và thương thảo, đàm phán các điều kiện, giá thuê; sẽ tăng doanh thu bằng dịch vụ tại nhà và bán sản phẩm về chăm sóc cơ thể để khách hàng sử dụng tại nhà. Bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ để quản trị, đặt dịch vụ trực tuyến, tương tác khách hàng…
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân cho rằng, với các Franchisor, khi thị trường thu hút được nhiều nhà đầu tư đổ về, rất dễ xảy ra tình trạng ngộ nhận rằng không cần đầu tư nền tảng vẫn có thể nhượng quyền. Nhưng, làm vậy thì chỉ “hớt sóng” và biến mất nhanh chóng. Vì vậy, điều cốt yếu vẫn phải là xây dựng nền tảng vững chắc rồi mới nhượng quyền. Có như vậy mới có đủ sức, đủ khả năng hỗ trợ Franchisee, đúng theo nghĩa đối tác, đồng hành.
Không chỉ như vậy, trong bối cảnh công nghệ phát triển và mô hình kinh doanh liên tục phải thay đổi như hiện nay (dưới tác động của dịch bệnh hay thói quen tiêu dùng của khách hàng) thì càng phải sáng tạo, đổi mới liên tục về mô hình, kênh doanh thu, ứng dụng nền tảng công nghệ để quản trị, tương tác với khách hàng…