Các đối thủ trong nước ‘xâu xé’ thị phần smartphone của Huawei
Khánh Lan
(TBKTSG Online) - Tận dụng việc Huawei đang bị tổn thương vì các đòn trừng phạt của Mỹ, các đối thủ tại Trung Quốc gồm Xiaomi, Oppo và Vivo đang chạy đua giành thêm thị phần từ "ông lớn" smartphone (điện thoại thông minh) này ở thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Một cửa hàng của Huawei ở TP Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Chộp cơ hội khi Huawei thất thế
Tuần trước, Huawei thông báo bán tất cả tài sản của thương hiệu smartphone bình dân Honor cho Công ty Shenzen Zhixin New Information Technology, nơi tập hợp 33 đại lý và nhà phân phối của Honor, với mức giá không tiết lộ nhằm giúp chuỗi cung ứng của Honor né được các đòn trừng phạt của Mỹ, vốn đang cản trở Huawei thuê gia công các linh kiện thiết yếu.
Cùng lúc đó, tất cả đối thủ của Huawei tại Trung Quốc đều cảm nhận được cơ hội ngoi lên trên thị trường smartphone từ phân khúc tầm trung cho đến tầm cao khi Huawei bị tổn thương. Hồi tháng 8, một lãnh đạo của Huawei thừa nhận hãng này sẽ không còn khả năng sản xuất được các bộ vi xử lý tân tiến nhất để vận hành các dòng smartphone cao cấp sau đòn trừng phạt mới nhất của Mỹ.
“Những gì chúng tôi có thể nhận thấy hiện nay là dù là ai, Xiaomi, Oppo hay Vivo, tất cả đều nâng dự báo triển vọng doanh số của họ vào năm tới. Họ tin rằng các đòn trừng phạt của Mỹ nhằm vào Huawei sẽ ít nhiều gây tổn thất cho hãng này trên thị trường quốc tế, vì thế, họ muốn thâu tóm thị phần từ Huawei”, Derek Wang, một lãnh đạo phụ trách bộ phận sản xuất của hãng điện thoại Realme (Trung Quốc), công ty sử dụng chung chuỗi cung ứng với Oppo, nói. |
Trước đó, hồi tháng 8 năm nay, lấy lý do bảo vệ an ninh quốc gia, Bộ Thương mại Mỹ ra lệnh cấm bất kỳ công ty nào trên thế giới sử dụng phần mềm hay thiết bị của Mỹ để thiết kế, sản xuất các sản phẩm chip và bán chúng cho Huawei nếu hãng này tham gia bất cứ giai đoạn nào trong quá trình giao dịch với tư cách là người mua, người nhận hàng trung gian hay người dùng cuối.
Ông Derek Wang của hãng Realme cho hay hãng điện thoại này đang hướng đến đến mục tiêu nâng gấp đôi doanh số smartphone lên 50 triệu trong năm nay. Dựa vào các dòng smartphone giá rẻ, Realme đã xây dựng được một nền tảng khách hàng rộng lớn ở Đông Nam Á và Ấn Độ.
Hãng này đang lên kế hoạch mở rộng thị trường tại châu Âu và Trung Quốc vào năm tới đồng thời thâm nhập sâu hơn vào phân khúc cao cấp của thị trường smartphone bất luận tình hình của Huawei ra sao.
Huawei đã soán ngôi vị nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới của Samsung trong thời gian ngắn ngủi vào nửa đầu năm nay trước khi chứng kiến doanh số smartphone giảm 23%, xuống còn 51,7 triệu đơn vị trong quí 3, theo hãng nghiên cứu thị trường Canalys.
Tại Trung Quốc, Huawei vẫn là nhà sản xuất smartphone số một với mức thị phần 41,2% trong quí 3, giảm so với mức 44,3% vào cùng kỳ năm ngoái. Đứng sau đó là Vivo (18,4%), Oppo (16,8%) và Xiaomi (12,6%). Thị phần của ba đối thủ này đều nhích lên trong quí vừa qua.
Canalys cho biết Apple có mức thị phần thấp hơn tại Trung Quốc, khoảng 6,2% nhưng đang thu hút nhu cầu mạnh mẽ nhờ các mẫu iPhone 12 5G mới ra mắt. Báo cáo của Canalys nhận định: “Các đối thủ của Huawei sẽ tăng tốc trong quí 4 và tìm cách lấp khoảng trống ở các phân khúc smartphone mà Huawei để lại”.
Dù vẫn dẫn đầu nhưng thị phần smartphone của Huawei ở Trung Quốc suy giảm trong quí 3 và dự kiến tiếp tục giảm thêm trong quí 4. Ảnh: Canalys |
Các đối thủ tăng tốc mua linh kiện
Giới quan sát thị trường smartphone xác nhận các nhà cung cấp đang nhận được số lượng đơn hàng mua linh kiện lớn từ các đối thủ của Huawei. Theo Công ty tư vấn Isaiah Research, Xiaomi hành động quyết liệt nhất, đang đặt số lượng đơn hàng đủ để sản xuất 100 triệu smartphone trong giai đoạn từ quí 4-2020 cho đến quí 1-2021, tăng 50% so với các dự báo trước khi Huawei hứng thêm đòn trừng phạt từ Mỹ hồi tháng 8.
Các dự báo về công suất smartphone của Oppo và Vivo cũng đã tăng 8% kể từ tháng 8. Dữ liệu của Isaiah Research cho thấy Oppo đang đặt các đơn hàng để sản xuất 90 triệu smartphone và con số này ở Vivo là 70 triệu smartphone.
Trong khi đó, đơn hàng của Huawei giảm 55%, chỉ đủ sản xuất 42 triệu smartphone cho quí cuối năm nay và quí đầu năm tới.
Các nguồn tin từ các chuỗi cung ứng smartphone cho biết họ chứng kiến lượng đơn hàng tăng vọt từ Xiaomi, Oppo và Vivo. Xiaomi cũng đang ra sức chèo kéo các nhà phân phối của Huawei ở Đông Nam Á và châu Âu với hy vọng sẽ giành được các thương vụ phân phối độc quyền. Một nguồn tin của Xiaomi xác nhận hãng này cũng tích cực đáng chiếm thị phần của Huawei ở phân khúc smartphone cao cấp tại Trung Quốc.
Một số nhà phân tích cho rằng ba hãng smartphone này có lẽ đã quá lạc quan về mục tiêu của họ. Tuy nhiên, Derek Wang nói rằng hoạt động mua tích trữ linh kiện bắt đầu gia tăng kể từ hồi đầu năm nay do các lo ngại nguồn cung bị gián đoạn vì tác động của đại dịch Covid-19 và do Huawei đẩy mạnh mua bổ sung cho kho linh kiện.
Cuộc chạy đua giành giật nguồn cung đang gây tác động lan rộng khắp chuỗi cung ứng điện tử. Paul Weedman, một quản lý dự án chuỗi cung ứng, nói: “Gần đây, giá cả linh kiện điện đang tăng chóng mặt”. Ông cho hay hiện nay, rất khó để đặt mua màn hình LCD, ngay cả màn hình LCD cho máy tính bảng.
Giới phân tích nhận định việc Huawei bán thương hiệu Honor có thể một phần là do hãng này muốn ngăn chặn các đối thủ thâm nhập sâu hơn vào phân khúc smartphone bình dân nếu sau khi rời khỏi Huawei, Honor có thể nối lại việc mua công nghệ và thiết bị từ các công ty Mỹ như Qualcomm, Google.
Flora Tang, nhà phân tích ở hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint, nói: “Chúng tôi vẫn kỳ vọng các đối thủ của Huawei và Honor tăng trưởng rõ rệt trong năm 2021 nhưng có thể ở mức thấp hơn so với dự báo của họ”
Theo Reuters