Di dân ở ĐBSCL, nhiều vấn đề đặt ra
Võ Hùng Dũng
(TBKTSG) - Di cư ra khỏi vùng đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) không phải là hiện tượng mới mà đã có từ nhiều chục năm trước, và đây là phần đóng góp của ĐBSCL cho sự phát triển của TPHCM, các tỉnh miền Đông. Nó là một thành phần trong chuỗi liên kết vùng ít được đề cập.
Những ngôi nhà sàn bên bờ sông ở thành phố Hồng Ngự, Đồng Tháp. Ảnh: N.K |
Theo số liệu điều tra dân số, nếu như năm 2009 số dân di cư thuần ra khỏi vùng ĐBSCL là 664.000 người, thì đến năm 2019 con số này là 1,03 triệu người; trong đó di cư 1,31 triệu người, nhập cư 280.000 người.
Phần lớn người di cư trong độ tuổi lao động và có trình độ học vấn cao. Nguồn số liệu điều tra 2019 cho biết 73% số người di cư thuộc lực lượng lao động, trong đó, độ tuổi 15-19 chiếm 52,8%, độ tuổi 20-29 là 74,6%, độ tuổi 30-39 là 92,1%. Một nguồn khác cho biết phần lớn số sinh viên từ ĐBSCL theo học đại học ở TPHCM không trở về. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp từ tác trường đại học trong vùng chuyển đến làm việc ở TPHCM.
Các tỉnh đô thị hóa thấp có tỷ lệ di cư thuần cao. Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long có tỷ lệ di cư thuần lên đến trên 10‰ trong các năm 2009, 2010 cũng là những tỉnh có tỷ lệ dân số sống ở đô thị chỉ khoảng 10-15%. Các tỉnh mạnh về sản xuất lương thực, thủy sản cũng là những địa phương có nhiều người di cư. Cà Mau, Sóc Trăng là hai tỉnh có sản lượng và xuất khẩu tôm đứng đầu; An Giang, Đồng Tháp là hai tỉnh có sản lượng lúa gạo lớn, đồng thời nuôi và xuất khẩu cá tra nhiều nhất. Đây là những tỉnh có tỷ lệ dân di cư thuần rất cao nhiều năm. Tỷ lệ di cư thuần năm 2010 của Cà Mau lên đến 27,3‰, Sóc Trăng 10‰; An Giang duy trì con số 8-9‰ trong nhiều năm; Đồng Tháp cũng có tình hình tương tự.
Di cư cao làm suy giảm dân số và nguồn lực lao động. Tỷ lệ dân số của ĐBSCL trong cả nước đã từ 22,4% trong cuộc điều tra năm 1989, giảm xuống còn 17,9% của điều tra năm 2019. Trong 10 năm, từ 2009-2019, dân số của vùng chỉ tăng hơn 82.000 người, tỷ lệ tăng 0,05%. Trong khi thành thị tăng 0,98% thì khu vực nông thôn giảm 0,24%. Những tỉnh dân số giảm đều là những tỉnh mạnh về sản xuất lương thực thủy sản. An Giang, Sóc Trăng, Cà Mau có tỷ lệ tăng trưởng dân số âm lần lượt là 1,16%, 0,75% và 0,1%/năm. Những tỉnh tăng dân số là những tỉnh có công nghiệp, dịch vụ thu hút được nhiều đầu tư, gồm Long An, Tiền Giang, Cần Thơ có tỷ lệ tăng dân số là 1,625%, 0,54% và 0,39%/năm trong 10 năm.
Di dân đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số và thu hẹp quy mô nhân khẩu gia đình. Điều tra 2019 cho biết tổng số hộ gia đình cả nước là 26,87 triệu, tăng bình quân 1,8%/năm. ĐBSCL có 4,8 triệu hộ, trong đó thành thị 1,23 triệu hộ, nông thôn 3,57 triệu hộ. Quy mô hộ cũng đã giảm từ 4 còn 3,5 người/hộ và với xu hướng nhỏ dần. Số hộ có 4 người chiếm tỷ lệ 25,6%, 3 người chiếm 22,5% và 2 người là 17,5%, trong khi hộ 5 người chiếm 12,3%, chỉ hơn chút ít so với hộ 1 người (10,5%).
Số hộ chia tách tăng lên, quy mô đất đai trên mỗi hộ cũng theo đó thu hẹp dần. Tháp tuổi cho thấy cơ cấu dân số già tăng lên nhưng với cấu trúc di dân hiện nay số người còn ở khu vực nông thôn phần lớn là người già yếu, có học vấn thấp. Với nguồn lực đó, bất cứ chiến lược nào cho phát triển kinh tế của ĐBSCL đều đứng trước những thách thức lớn mà trước đây chưa tính đến.
Hạn mặn xâm nhập, thiếu nước ngọt, ảnh hưởng của các đập nước trên thượng nguồn đang là những yếu tố làm trầm trọng thêm sinh kế và thúc đẩy luồng di dân. Ở chiều khác, lực hút từ sự phát triển của TPHCM và khu vực miền Đông kéo dân cư ra khỏi vùng ĐBSCL. Trong hiện tại và tương lai gần, ĐBSCL chưa có trục đối xứng để có thể cân bằng làm giảm đà di chuyển dân cư ra khỏi vùng.
Các kịch bản về dân số của vùng các năm trước thường đi theo chiều hướng gia tăng(1). Tăng trưởng kinh tế, không gian đô thị, nhu cầu trường học, bệnh viện cũng theo hướng đó. Nhưng nếu 10 năm tới dân số suy giảm hay suy giảm sâu hơn sau năm 2030 sẽ là vấn đề hoàn toàn khác.
Sự thay đổi nhân khẩu học, nhiều gia đình không có các thế hệ kế tiếp cùng sinh sống trong khi mạng lưới y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn rất kém ở khu vực nông thôn.
Mặt khác, dòng di dân trở về là những thách thức trong tương lai nhưng cũng là những vấn đề đầy thú vị khi nghiên cứu. Nó có thể là yếu tố bổ sung vào các chiến lược phát triển dựa trên dân số và nhân khẩu học. Người già cần chăm sóc, người có tiền cần được chăm sóc. Nền kinh tế y tế chăm sóc sức khỏe, nghĩ dưỡng chẳng hạn, có thể phù hợp với ĐBSCL với mật độ dân số vừa phải, với thời tiết ôn hòa, khí hậu xanh mát quanh năm.
Điều ngạc nhiên là tỷ lệ hộ không có nhà ở (4,2/10.000), tỷ lệ hộ có nhà ở đơn sơ, thiếu kiên cố (19,2%) ở ĐBSCL là cao nhất trong cuộc điều tra năm 2019. Các con số này gấp 2,3 -2,8 lần so trung bình của cả nước. Những tỉnh có tỷ lệ cao trong số này cũng là những tỉnh có tỷ lệ di dân cao.
Giải quyết vấn đề di dân không đơn giản là thúc đẩy tăng trưởng có nhiều nhà máy nhắm vào công ăn việc làm cho dân cư địa phương. Luôn luôn có sự di chuyển dân số và sự dịch chuyển lao động. Với các vấn đề văn hóa, xã hội nhân khẩu học, cần có thêm các cuộc điều tra nghiên cứu hỗ trợ cho việc xây dựng các kịch bản phát triển.
Các kịch bản về dân số của vùng
● Dân số suy giảm sâu. Đến năm 2030 còn 16,5 triệu người và quá trình này tiếp tục đến năm 2050 có thể chỉ còn 15 triệu người. |
(1) Quy hoạch xây dựng năm 2009 (Quyết định 1581/QĐ-TTg), dự báo dân số vùng đến năm 2020 khoảng 20-21 triệu người, đến năm 2050 vào khoảng 30-32 triệu người thì đến nay đã sai lệch lớn. Quy hoạch xây dựng điều chỉnh (Quyết định 68/QĐ-TTg, ngày 15-1-2018), dự báo đến năm 2030 dân số vùng vào khoảng 18-19 triệu người, thì nhiều khả năng là không đạt tới. Nhiều chỉ tiêu liên quan theo đó sẽ phải điều chỉnh.