Thứ bảy, 9/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chỉ 4 công ty quản lý nợ của ngân hàng thực sự vận hành

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chỉ 4 công ty quản lý nợ của ngân hàng thực sự vận hành

Hoàng Thắng

(TBKTSG Online) - Chỉ có 4 trên tổng số 30 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc các ngân hàng thương mại (AMC) thực sự vận hành, theo Bộ Tài chính.

Chỉ 4 công ty quản lý nợ của ngân hàng thực sự vận hành
Chuẩn bị tiền mặt cho khách hàng vay vốn tại Vietcombank chi nhánh Hà Nội. (Ảnh: TTXVN).

Bộ Tài chính cho biết các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc các ngân hàng thương mại (AMCs) đang thực sự vận hành gồm AMCs thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank).

Theo đó, phần lớn AMC của các ngân hàng được thành lập với mục đích xử lý nợ xấu cho các ngân hàng mẹ và ít tham gia vào thị trường mua bán nợ, nếu có tham gia cũng chỉ giúp các ngân hàng mẹ hoán đổi nợ xấu cho nhau.

“Phần lớn hoạt động của các AMC hiện nay chỉ gồm thanh lý tài sản gán nợ, quản lý tài sản cầm cố, thu hồi nợ cho ngân hàng mẹ. Các AMC cũng có mua bán nợ với các ngân hàng khác nhưng không nhiều, việc mua nợ từ các tổ chức, cá nhân khác gần như chưa được thực hiện”, Bộ Tài chính nhận xét.

Lý giải nguyên nhân khiến các AMC hoạt động chưa hiệu quả, cơ quan này cho rằng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp này còn ít và thiếu kinh nghiệm. Bên cạnh đó là sự hạn chế về nguồn vốn.

Vì vậy, hoạt động mua bán nợ trên thị trường chủ yếu tập trung ở công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Cụ thể, DATC hỗ trợ quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, còn VAMC hỗ trợ trực tiếp cho việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng.

“Các khoản nợ xấu vẫn tồn tại trong nội bộ ngân hàng mà chưa được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi báo cáo tài chính hợp nhất, nợ xấu thực chất vẫn chưa được xử lý”, Bộ Tài chính nhận xét.

Nhưng việc thu hồi nợ của VAMC chủ yếu thực hiện qua hình thức uỷ quyền cho ngân hàng. Còn việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC chỉ là chuyển nợ tạm thời từ ngân hàng sang công ty này, vì vậy chưa phải là giải pháp căn bản và ổn định lâu dài, theo Bộ Tài chính.

"VAMC chưa thể xử lý nhanh nợ xấu theo cơ chế thị trường do thiếu pháp lý hay tổ chức xếp hạng tín nhiệm, nhà đầu tư chuyên nghiệp, nguồn lực tài chính cũng hạn chế", Bộ Tài chính cho biết.

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống ngân hàng so với tổng dư nợ cho vay và đầu tư cuối 2019 là 4,43%, giảm so với mức 5,85% cuối năm 2018.

Đề xuất giải pháp phát triển hoạt động mua bán nợ, Bộ Tài chính nêu ra ba nhiệm vụ trọng tâm gồm: Thúc đẩy phát triển các tổ chức mua bán nợ; Sửa đổi Luật dân sự phù hợp với vấn đề xử lý quyền thu giữ tài sản đảm bảo; Nghiên cứu khả năng chứng khoán hoá nợ xấu.

Tương tự, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico – cho biết, có ba nội dung quan trọng hỗ trợ việc xử lí nợ xấu là: quyền thu giữ tài sản thế chấp của tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo theo thủ tục rút gọn, mua bán nợ xấu. Nhưng hiện chỉ có nội dung đầu tiên được áp dụng, hai nội dung còn lại gần như không có chuyển biến.

Về quyền thu giữ tài sản thế chấp của tổ chức tín dụng, Luật sư Đức cũng lo ngại tổ chức tín dụng có thể vi phạm nguyên tắc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của “tổ chức, cá nhân có liên quan”, gồm cả bên có tài sản thế chấp, theo quy định tại khoản 1, điều 3 về của Nghị quyết số 42/2017, nếu tận dụng quyền thu giữ. 

Cụ thể, một trong năm điều kiện để thể thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm là “tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật” theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 7 về “Quyền thu giữ tài sản bảo đảm” của Nghị quyết số 42/2017

Nhưng hầu hết các hợp đồng bảo đảm được xử lý theo nghị quyết trên số 42/2017 không có thỏa thuận này.

Còn ông Đỗ Giang Nam – Phó giám đốc Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) – cho rằng cần hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ. Đồng thời xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện.

Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư – kể cả nhà đầu tư nước ngoài – tham gia thị trường mua bán nợ và thực hiện minh bạch thông tin về nợ xấu, tài sản bảo đảm.

“Biện pháp quan trọng nhất là sớm luật hóa Nghị quyết số 42/2017 của Quốc hội nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ và thống nhất, trên cơ sở kế thừa những quy định có tác động tích cực đến quá trình xử lý nợ tại Nghị quyết này trước ngày nó hết hiệu lực”, ông Giang chia sẻ tại Vietnam Banking Forum 2020.

Cuối cùng, vị này đề xuất cần xem xét sửa đổi một số luật chuyên ngành liên quan như Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự để đồng bộ với các quy định tại Nghị quyết số 42/2017.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới