Chủ Nhật, 12/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cạnh tranh dịch vụ truyền hình trả tiền 2021: có công bằng nhưng đầy thách thức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cạnh tranh dịch vụ truyền hình trả tiền 2021: có công bằng nhưng đầy thách thức

Vân Ly

(TBKTSG Online) - Với việc sửa đổi, bổ sung những chính sách quản lý trong lĩnh vực truyền hình trả tiền theo kiến nghị của các doanh nghiệp, chuyên gia, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), cho rằng năm 2021 các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ được cạnh tranh công bằng. Dưới đây là cuộc phỏng vấn của TBKTSG Online với ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNPayTV về nội dung trên.

Cạnh tranh dịch vụ truyền hình trả tiền 2021: có công bằng nhưng đầy thách thức
Ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNPayTV. Ảnh: Vân Ly

Theo ông, hiện nay cạnh tranh trên thị trường truyền hình trả tiền đang diễn ra như thế nào? Việc các nền tảng truyền hình trả tiền trực tuyến nước ngoài ngày càng hút khách Việt sẽ có tác động thế nào đối với doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước, thưa ông?

Ông Lê Đình Cường: Thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam hình thành đã được 20 năm. Từ năm 2002 đến 2017 thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam đã đạt đến đỉnh về số lượng người dùng, đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước, kể cả những vùng sâu vùng xa.

Nhưng từ cuối năm 2016 xuất hiện công nghệ truyền hình qua Internet và các hãng truyền thông, truyền hình phát thanh của nước ngoài thông qua công nghệ truyền dẫn OTT cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Vì đây là hình thức cung cấp dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới nên các hãng nước ngoài vào Việt Nam không xin cấp phép theo quy định quản lý của Việt Nam. Dịch vụ OTT xuyên biên giới có khối lượng nội dung rất lớn, họ lại không bị giới hạn nội dung nên đưa vào Việt Nam tất cả các lĩnh vực văn hóa, xã hội, phim ảnh, thể thao, giải trí...

Trong khi đó, truyền hình trả tiền truyền thống trong nước hoạt động tốt trong vòng 20 năm qua nhưng đến lúc này công nghệ lại chưa theo kịp được, chưa làm thỏa mãn được nhu cầu của người dùng. Bởi vì công nghệ OTT ưu việt hơn hẳn truyền hình cáp, vệ tinh hay truyền hình qua giao thức internet IPTV ở chỗ: ở đâu có Internet thì họ có thể xem truyền hình.

Ông có thể cho biết vì sao VNPayTV kiến nghị lên Chính phủ “kêu” về sự bất bình đẳng về cạnh tranh truyền hình trả tiền?

Trong khi nội dung của các dịch vụ truyền hình trả tiền nước ngoài phong phú mà không phải thực hiện các quy định về kiểm duyệt, biên tập về nội dung. Thì theo quy định quản lý của Việt Nam, truyền hình trong nước giả sử muốn đăng ký cung cấp dịch vụ có 72 kênh thì phải được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép, trong số đó có kênh nước ngoài là phải được kiểm duyệt nội dung. Như vậy tạo ra một sự bất bình đẳng rất lớn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Điểm bất bình đẳng đầu tiên là họ không xin cấp phép và cung cấp vô số các chương trình vào Việt Nam mà không bị kiểm duyệt nội dung, trong khi truyền hình trả tiền truyền thống trong nước gặp rất nhiều khó khăn để vượt qua hai quy định này. Thứ hai là lĩnh vực công nghệ OTT nước ngoài truyền dẫn qua Internet, chỉ sau khoảng 1 phút hoặc 30 giây thì truyền hình trực tiếp tận bên Mỹ đã có mặt ở Việt Nam rồi. Họ cũng mạnh về mặt nội dung chương trình với kho nội dung rất lớn và dùng công nghệ tiên tiến hơn hẳn.

Điều đáng lo ngại nhất là họ đã không xin cấp phép nên không phải đóng thuế, phí cho Nhà nước Việt Nam. Các doanh nghiệp OTT nước ngoài đã chiếm một lượng lớn khách hàng truyền thống của Việt Nam mà chủ yếu là khách hàng trẻ ở đô thị. Đây là phân khúc khách hàng sẵn sàng chi tiêu để xem các kênh, chương trình nội dung trực tiếp một cách nhanh nhất. Nhất là trong mảng nội dung giải trí thể thao thì các OTT nước ngoài có thế mạnh hơn nhiều cho nên họ chiếm được tỷ lệ khách hàng trẻ ở khoảng độ tuổi 35 trở xuống.

Các OTT nước ngoài có thể chiếm lĩnh tới 30% lượng khách hàng trẻ của truyền hình truyền thống. Còn với phân khúc khách hàng trung tuổi hay xem các kênh thời sự của Việt Nam thì truyền hình OTT xuyên biên giới của nước ngoài không chiếm được.

Trong khi đó nội dung truyền hình trả tiền trong nước dù các doanh nghiệp có cải tiến bao nhiêu, đầu tư bao nhiêu chăng nữa cũng khó cạnh tranh nổi. Ví dụ, 5 năm trở lại đây, Đài Truyền hình Việt Nam là đơn vị sản xuất nội dung truyền hình OTT rất nhiều, nhưng cũng không thể nào so sánh được với những kho tư liệu khổng lồ như là Netflix hay Facebook... Đấy là những khó khăn rất lớn khiến các doanh nghiệp trong nước chịu thua trên sân nhà.

Trong thực tế không ít các OTT nước ngoài vi phạm các quy định quản lý nội dung của Việt Nam. Ví dụ, năm 2020 Netflix chiếu những bộ phim có nội dung xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, như là đưa lên phim bản đồ có đường lưỡi bò yêu sách của Trung Quốc chẳng hạn. Hoặc đưa những bộ phim chiến tranh Việt Nam có nội dung sai sự thật về cách mạng Việt Nam. Rồi những bộ phim có nội dung sex, hay kích động bạo lực đều là những nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam một cách trắng trợn. Nhưng khi phát hiện các sai phạm này, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ có quyền yêu cầu họ gỡ và phạt hành chính, bởi vì chưa có chế tài nào để có thể cấm họ.

Việc quản lý đã tạo ra bất bình đẳng lớn giữa truyền hình trong nước và OTT xuyên biên giới. Kênh truyền hình trả tiền truyền thống đóng góp vào việc tuyên truyền tới vùng sâu vùng xa, tuyên truyền, đường lối chủ trương pháp luật của nhà nước, đóng thuế đầy đủ, chấp hành quy định của nhà nước về giấy phép, lệ phí, thực hiện các chương trình an sinh xã hội.

Trong khi đó OTT xuyên biên giới không phải thực hiện các quy định đấy. Có thể nói, OTT xuyên biên giới đang xâm phạm về mặt chủ quyền lãnh thổ, vi phạm luật pháp Việt Nam. Trong vòng 2 năm nay gây ra rất nhiều cản trở cho việc quản lý của nhà nước. Không những kinh doanh cạnh tranh bất bình đẳng mà họ lại chống đối đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước thì rõ ràng là không được phép.

Vậy chính sách sẽ góp phần như thế nào trong việc giúp doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong và ngoài nước cạnh tranh công bằng hơn?

Từ năm 2018 đến nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã có rất nhiều cuộc hội thảo bàn về việc sửa Nghị định 06 năm 2016 của Chính phủ. Việc sửa đổi nhằm bổ sung những nội dung mà trước đây khi ban hành nghị định chưa có mà hiện giờ có nhiều bất cập. Tức là chưa có nội dung quản lý về nội dung, chương trình, giấy phép đối với truyền hình xuyên biên giới. Nghị định 06 trước đây không đề cập đến quản lý truyền hình xuyên biên giới là bởi vì thời điểm ấy chưa có công nghệ phát triển truyền hình trực tuyến như bây giờ. Nhu cầu bức thiết là nhằm tạo ra một sân chơi công bằng hơn, phải có những quy định phù hợp cho các doanh nghiệp truyền hình xuyên biên giới.

Cho nên cần thiết phải sửa đổi bổ sung Nghị định 06 để có những chế tài kịp thời thì chúng ta mới có thể quản lý được thị trường truyền hình và tạo ra được một sân chơi bình đẳng hơn. Hiện có hơn 30 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước được cấp phép đều có chung một nguyện vọng là: không phải cấm OTT xuyên biên giới nhưng yêu cầu họ phải thực hiện giống như các đơn vị truyền hình trả tiền trong nước. Hiện các OTT xuyên biên giới cung cấp dịch vụ bất hợp pháp ở Việt Nam và giá cước dịch vụ của họ thu rất cao.

Họ có nhiều khán giả xem các chương trình chưa được kiểm duyệt trong khi giới trẻ lại xem rất nhiều. Như thế có thể thấy sự ảnh hưởng và tác động của việc không quản lý được dịch vụ xuyên biên giới rất lớn.

Đấy là điều mà Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị suốt từ cuối năm 2018 đến nay. Hiệp hội đã gửi ít nhất khoảng 10 văn bản kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan quản lý và các cơ quan pháp luật...

Gần đây nhất thì Hiệp hội đã có văn bản chính thức gửi trực tiếp Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương để kiến nghị, bởi vì việc quản lý dịch vụ OTT xuyên biên giới có liên quan đến vấn đề Hiệp ước WTO.

Bên phía Mỹ và đặc biệt là các hãng truyền hình của nước ngoài từ Mỹ vào Việt Nam cho rằng: “Đây là dịch vụ thương mại chứ không liên quan đến quản lý về mặt chương trình, còn nếu cần thì Bộ Tài chính đã có những quy định cho đóng thuế từ nước ngoài về, nghĩa là các OTT xuyên biên giới sẽ thực hiện đóng thuế nhưng họ không thực hiện các quy định kiểm soát khác”. Nhưng quan điểm Hiệp hội cho rằng, OTT xuyên biên giới không chịu sự kiểm soát như doanh nghiệp trong nước thì không được.

Trong kỳ họp Quốc hội diễn ra gần đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc cần phải thay đổi hành lang pháp lý sao cho quản lý được dịch vụ truyền hình xuyên biên giới, bảo đảm sự cạnh tranh và tránh thất thu thuế. Theo ông, kiến nghị của Hiệp hội đã được ghi nhận ra sao qua nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Thực ra trước khi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời trên diễn đàn của Quốc hội thì đã có cuộc họp với tất cả các Cục, các hiệp hội liên quan đến Nghị định 06 sửa đổi. Sau đó, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã có buổi đối thoại với các doanh nghiệp truyền hình của nước ngoài trước khi trình Chính phủ ban hành Nghị định 06 sửa đổi bổ sung. Đây là cách làm luật rất bình đẳng với các tổ chức truyền hình trả tiền trong nước và đặc biệt là đối với truyền hình nước ngoài.

Với nội dung mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng đã tiếp thu rất đầy đủ và rất trách nhiệm trước dư luận của xã hội, đặc biệt là trước các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình phát thanh trả tiền trong nước. Nội dung mà Bộ trưởng đã nêu tại Quốc hội là nội dung cuối cùng đã được thông tin toàn bộ đến các đơn vị dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước, nước ngoài và những đơn vị quản lý nhà nước góp ý cuối cùng trước khi Ban soạn thảo trình lên Chính phủ.

Nội dung bản dự thảo Nghị định 06 trình Chính phủ hoàn toàn phù hợp và thỏa mãn những kiến nghị của các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước, chắc chắn sẽ có hiệu ứng tích cực khi mà Nghị định 06 sửa đổi, bổ sung được Chính phủ ban hành. Bởi vì, Nghị định mới sẽ đảm bảo tính công bằng và phù hợp với chủ trương mở cửa của Việt Nam đối với các chương trình về mặt giải trí, phim ảnh, kể cả chương trình tin tức thông tin từ nước ngoài. Đảm bảo cho người xem được thụ hưởng những thông tin kịp thời, mà vẫn đảm bảo nội dung thông tin truyền tải đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo ông, nếu nghị định mới tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng rồi, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước cần phải làm gì để gia tăng sức cạnh tranh với các đối thủ ngoại trên sân nhà? 

VNPayTV đã nói rất nhiều lần đến các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước từ năm 2018 đến nay về việc cần phải thay đổi để cạnh tranh. Từ đó đến nay các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước (VTVcab, SCTV...) đã có nhiều cố gắng trong cải tiến nội dung, nâng cao chất lượng truyền dẫn, hạ tầng công nghệ. Dịch vụ truyền hình trong nước đã có những tiến bộ tích cực. Nhưng dù sao so với năng lực tài chính, tiềm lực về nội dung chương trình, đặc biệt là kỹ thuật công nghệ truyền dẫn của các doanh nghiệp nước ngoài thì chúng ta vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Các đơn vị trong nước phải tự vươn lên, truyền hình trả tiền trong nước phải rất cố gắng, đặc biệt là về nội dung.

Tôi cho rằng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trong nước phải đặc biệt quan tâm về nội dung, kể cái nội dung sản xuất trong nước và nội dung mua từ nước ngoài về, đây là vấn đề rất lớn trong cạnh tranh. 

Tôi hy vọng sau bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trước Quốc hội chậm nhất là đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký và ban hành Nghị định 06 sửa đổi, bổ sung, đây là một bước rất tích cực, một bước tiến bộ với dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới