Trung Quốc sửa Luật Bản quyền theo hướng thực dụng
Lê Thị Thiên Hương (*)
(TBKTSG) - Ngày 11-11-2020, Trung Quốc đã thông qua Luật Bản quyền sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1-6-2021. Đây là lần sửa đổi thứ ba, sau các năm 2001 và 2010. Với nhiều chuyên gia, lần sửa đổi này không có gì bất ngờ. Ngược lại, nó được chờ đợi từ nhiều năm nay và thể hiện rất rõ chiến lược của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Nền văn hóa truyền thống của Trung Quốc chứa đựng nhiều yếu tố khó có thể dung hòa với tư tưởng nền tảng của luật bản quyền, vốn có nguồn gốc ở châu Âu và mang đậm tư tưởng triết học châu Âu. Luật Bản quyền, về cơ bản là công nhận cho tác giả một quyền sở hữu đặc biệt, có tác dụng gần với quyền sở hữu truyền thống. Quyền sở hữu của tác giả tạo ra một “hàng rào vô hình” ngăn cản việc sử dụng tác phẩm mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả.
Rõ ràng là, việc “chia sẻ kiến thức” chung trong cộng đồng không được coi là nền tảng căn bản của Luật Bản quyền. Trong khi đó, nền văn hóa Trung Quốc luôn đề cao tính giáo dục của tư tưởng không có tác phẩm văn dĩ tải đạo: “Văn dĩ tải đạo” của Nho giáo - là một tư tưởng chủ chốt trong văn hóa truyền thống đất nước này.
Chính vì thế, truyền bá kiến thức qua việc cho phép sử dụng tự do tác phẩm trở thành mục đích chính, cao cả nhất của tác giả. Không chỉ thế, sao chép tranh hay làm tác phẩm phái sinh lại là một hình thức thể hiện lòng tôn kính đến tác giả, chứ không bị “kỳ thị” như trong văn hóa châu Âu, vốn coi trọng tính sáng tạo độc đáo của cá nhân tác giả.
Thực tế, cho dù luật được thông qua nhưng chính quyền vẫn “nhắm mắt làm ngơ” trước những hoạt động kinh doanh vi phạm quyền tác giả, đơn giản vì đây là một nguồn lợi nhuận béo bở của các doanh nghiệp Trung Quốc. |
Cho dù tồn tại những khác biệt văn hóa nói trên, Trung Quốc cũng sớm nhận thấy sự cần thiết của việc công nhận quyền tác giả. Khái niệm pháp lý mới mẻ này được đưa vào điều 94 về “Các nguyên tắc dân sự căn bản” năm 1986, trong đó tác giả được công nhận quyền công bố tác phẩm và quyền được nhận “thanh toán” từ việc xuất bản này. Không lâu sau đó, vào năm 1990, Luật Bản quyền đầu tiên của Trung Quốc đã được thông qua.
Tất nhiên, đây là một động thái tính toán vô cùng thực tế, chứ không hẳn là vì đất nước này thực sự thấy tôn trọng quyền tác giả là điều cần thiết. Có thể nói, việc Trung Quốc thông qua Luật Bản quyền là kết quả của tác động từ bên ngoài. Cụ thể, đây là điều kiện để Trung Quốc trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), và để tránh những trừng phạt thương mại nặng nề từ Mỹ, quốc gia xuất khẩu sản phẩm văn hóa hàng đầu thế giới, nạn nhân lớn nhất của hàng nhái Trung Quốc.
Khi nhìn bản chất của Luật Bản quyền Trung Quốc năm 1990, không khó để thấy tính “thực dụng” của nó. Cho dù có bị áp lực từ nước ngoài, đây vẫn là một luật rất... Trung Quốc. Đặc điểm lớn của nó là sự vay mượn, trộn lẫn từ hai trường phái khác nhau, trường phái Copyright phổ biến ở các nước Anglo-Saxon, và trường phái Droit D’auteur phổ biến ở Pháp, Đức và các nước Francophone.
Thay vì chọn một trường phái, Trung Quốc chọn lựa những yếu tố phù hợp nhất ở cả hai trường phái nói trên, thêm vào vài đặc điểm của Luật Bản quyền Liên Xô cũ, để xây dựng Luật Bản quyền Trung Quốc, vốn chẳng giống trường phái nào cả (chiến lược “trộn lẫn” này khá phổ biến ở một số nước đang phát triển).
Luật Bản quyền năm 1990 đề cao lợi ích công, áp dụng xử phạt hành chính (vốn không tồn tại ở các nước phương Tây), và mức bảo vệ “thấp” quyền tác giả. Đó là về lý thuyết, còn trên mặt thực tế, cho dù luật được thông qua nhưng chính quyền vẫn “nhắm mắt làm ngơ” trước những hoạt động kinh doanh vi phạm quyền tác giả, đơn giản vì đây là một nguồn lợi nhuận béo bở của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Để che mắt, chứng tỏ cho các nước khác thấy nỗ lực cải thiện tình hình, chính quyền Trung Quốc cũng đưa ra xét xử một số vụ hàng lậu hàng nhái nổi bật. Đây chính là giai đoạn Trung Quốc đang ra sức thu hút đầu tư nước ngoài, nên những động thái tích cực trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng góp phần làm an lòng các nhà đầu tư được chính quyền đặc biệt ưu tiên.
Sau khi thu lợi lớn từ việc nhắm mắt làm ngơ của chính quyền và sự lỏng lẻo của luật đối với hàng nhái, giờ đây các doanh nghiệp Trung Quốc cần luật bản quyền để bảo vệ kết quả sáng tạo của doanh nghiệp, và vì thế cần mức bảo vệ cao hơn. |
Tất nhiên, mức độ bảo vệ thấp áp dụng ở Trung Quốc không làm các đối tác nước ngoài thỏa mãn, đặc biệt là Mỹ và các quốc gia châu Âu. Đưa luật của Trung Quốc phù hợp hơn với Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) trở thành một trong các điểm quyết định trong đàm phán liên quan tới việc Trung Quốc trở thành thành viên của WTO.
Dưới sức ép này, Trung Quốc sửa đổi Luật Bản quyền lần đầu tiên vào năm 2001, nâng cao hơn mức độ bảo vệ như mở rộng phạm vi các đối tượng bảo vệ, mở rộng các quyền khai thác của tác giả, nâng cao các quy định ngăn chặn vi phạm luật bản quyền trong môi trường mạng và đặc biệt là áp dụng xử phạt hình sự lần đầu tiên trong lĩnh vực này.
Cũng trong giai đoạn này, tòa án “đặc biệt” về sở hữu trí tuệ được thành lập ở Trung Quốc, nhằm giải quyết chuyên nghiệp và nhanh gọn hơn các vụ tranh chấp. Các bản án trong lĩnh vực này cũng bắt đầu được công bố trong công chúng, và số lượng tranh chấp trước tòa tăng rất nhanh.
Có thể nói, các cá nhân, doanh nghiệp chủ sở hữu quyền tác giả bắt đầu ý thức hơn về quyền lợi của bản thân và không ngại đưa vấn đề ra tòa án như trước đây. Nhu cầu phát triển kinh tế sáng tạo đi cùng với nhu cầu đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, và giờ đây các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu ý thức được vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.
Gần mười năm sau lần cải cách thứ nhất, Trung Quốc thực hiện lần sửa luật thứ hai vào năm 2010, cũng từ áp lực của WTO. Trở thành thành viên vào năm 2001, Trung Quốc bị một số quốc gia, trong đó có Mỹ và châu Âu kiện ra cơ chế giải quyết tranh chấp WTO, vì lý do Luật Bản quyền Trung Quốc không bảo vệ các tác phẩm bị kiểm duyệt bởi chính quyền.
Rốt cục, Luật Bản quyền Trung Quốc đã được sửa đổi nhằm loại bỏ điều khoản này, một điều khoản vay mượn từ Luật Bản quyền của Liên Xô cũ. Tất nhiên, sửa đổi này không làm thay đổi thực tế kiểm duyện ở Trung Quốc.
Hai mươi năm sau khi Luật Bản quyền ra đời, lần cải cách thứ ba đã diễn ra sau nhiều năm lấy ý kiến chuyên gia. Xin nhấn mạnh rằng hiện nay, Trung Quốc đang hướng tới phát triển một nền kinh tế sáng tạo, lấy tri thức làm sức mạnh, nên bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ đang trở nên cần thiết hơn.
Trung Quốc đang dần trở thành một nhà xuất khẩu quan trọng các sản phẩm văn hóa ra thế giới, nên nhu cầu nâng cao mức độ bảo vệ sở hữu trí tuệ trở nên rõ rệt hơn. Vì thế, không ngạc nhiên gì khi cải cách Luật Bản quyền năm 2020 đi theo hướng siết chặt hơn, nâng cao mức độ bảo vệ quyền tác giả.
Cụ thể, Trung Quốc đưa vào luật khái niệm “punitive damage” (tạm dịch “bồi thường trừng phạt”) vốn rất phổ biến trong hệ thống copyright ở Mỹ, Anh. Đồng thời mức phạt theo luật cũng tăng cao hơn, mang tính răn đe cao hơn. Không chỉ thế, quy định về “bằng chứng” giờ đã đổi chiều, trở nên có lợi hơn cho nạn nhân bị vi phạm. Các quy định về bảo vệ tập thể quyền tác giả hay về phạm vi đối tượng bảo vệ cũng được sửa đổi nhằm đảm bảo tốt hơn quyền tác giả.
Sau khi thu lợi lớn từ việc nhắm mắt làm ngơ của chính quyền và sự lỏng lẻo của luật đối với hàng nhái, giờ đây các doanh nghiệp Trung Quốc cần luật bản quyền để bảo vệ kết quả sáng tạo của doanh nghiệp, và vì thế cần mức bảo vệ cao hơn. Đây cũng là chiến lược đã được Mỹ, Nhật hay Hàn thực hiện trước đây.
Quay lại trường hợp của Việt Nam, có thể thấy Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc. Trong lĩnh vực luật bản quyền, chúng ta cũng cần phải xây dựng được một chiến lược thực sự hiệu quả và “thực dụng”, phù hợp với nhu cầu phát triển quốc gia. Từ bài học Trung Quốc, chắc hẳn Việt Nam có thể rút ra vài kinh nghiệm cần thiết.
(*) TS. Luật Cộng hòa Pháp