Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

P2P của Indonesia vượt bẫy tín dụng đen, trở thành bệ phóng cho doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

P2P của Indonesia vượt bẫy tín dụng đen, trở thành bệ phóng cho doanh nghiệp

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) - Sự sụp đổ của các sàn cho vay ngang hàng (P2P) ở Trung Quốc khiến các nhà đầu tư nước này tràn sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Indonesia và Việt Nam. Các nhà phân tích so sánh sự bùng nổ các sàn P2P ở Indonesia hiện tại với tình hình bát nháo ở Trung Quốc vài năm trước.

P2P của Indonesia vượt bẫy tín dụng đen, trở thành bệ phóng cho doanh nghiệp
Chủ cửa hàng thức ăn cho thú cưng chật vật đi vay số tiền chỉ 5 triệu rupiah, khoảng 7,5 triệu đồng VN. Sàn Modalku đang nhắm đến các doanh nghiệp siêu nhỏ ở Indonesia. Ảnh: Nikkei Asia

Hãng kiểm toán PwC nhận định rằng Indonesia sẽ tránh vết xe đổ của Trung Quốc bởi có sự khác biệt: Các sàn Indonesia đạt được sự cân bằng trong việc cho vay tiêu dùng và cho doanh nghiệp vay, trong khi các sàn Trung Quốc chỉ tập trung vào vay cá nhân.

Các sàn Indonesia đang bước vào làn sóng thứ ba. Theo báo cáo của PwC, làn sóng đầu diễn ra trong năm 2014-2016 khi các sàn mới đang thử vận hành mô hình kinh doanh khi chưa có khuôn khổ pháp lý. Làn sóng thứ hai là khi Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính quốc gia (OJK) vào cuộc để bảo vệ người tiêu dùng. Đợt sóng thứ ba bắt đầu với sự hình thành Hiệp hội cho vay công nghệ Indonesia vào tháng 10-2018 - người tham gia biết rõ luật chơi và nhà đầu tư lớn có niềm tin để châm vốn hay đầu tư vào công ty cho vay.

Có đến 164 sàn cho vay ngang hàng (P2P) đăng ký hợp pháp ở Indonesia trong năm 2020, tăng gần gấp đôi so với con số 88 cuối năm 2018. Đây là kết quả của chính sách sàng lọc quyết liệt của chính phủ Indonesia khi đánh sập hay rút phép mỗi năm khoảng 1.400 sàn bất hợp pháp trong ba năm qua.

Phát triển ấn tượng của Modalku

Modalku đã có một năm 2020 tốt đẹp khi thực hiện đến 3,5 triệu lượt giao dịch với số tiền được giải ngân hơn 20.000 tỉ rupiah, khoảng 1,42 tỉ đô la. Trong số này, hơn 80% tổng số giao dịch cho vay được thực hiện trực tuyến. Iwan Kurniawan, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Modalku, nói rằng thành tích này cao gấp đôi so với năm 2019. Iwan cũng nói rằng các sản phẩm thanh toán hộ hay trả tiền cho các hóa đơn dịch vụ mà người dân hay chủ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) gặp khó khăn chi trả trong mùa dịch vừa rồi.

Reynold Wijaya và Kelvin Teo - hai cựu sinh viên Đại học Harvard - nhận ra cơ hội phát triển thị trường vốn mới ngay từ khi còn đi học. Năm 2015, họ lập sàn cho vay Funding Societies ở Singapore.

Tháng 1-2016, chỉ vài tháng trước khi tốt nghiệp, họ thâm nhập thị trường quê nhà Indonesia dưới tên Modalku, tiếng Bahasa có nghĩa là “Nguồn vốn của tôi”.

Iwan tin rằng kinh tế Indonesia sẽ hồi phục trong năm 2021 và tác động tích cực đến sự phát triển của Modalku. "Dù đại dịch vẫn chưa kết thúc, nhưng mọi người đã bắt đầu quen với những cách thức huy động và sử dụng nguồn vốn mới từ các sàn cho vay ngang hàng để giúp trang trải chi tiêu hay giúp doanh nghiệp của họ thoát hiểm.

Sự thâm nhập kỹ thuật số ngày càng tăng cũng trở thành tiềm năng cho hoạt động kinh doanh của Modalku khi người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích của Fintech và P2P”, Iwan nói với trang Finansial Bisnis của Indonesia.

Ngay lập tức, Modalku nắm bắt được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp cần các khoản vay siêu nhỏ - những đối tượng thường bị ngân hàng truyền thống bỏ quên. Năm đầu tiên khởi nghiệp, số khách hàng của Modalku chỉ đạt 300.

Đến giờ số khoản cho vay của Modalku đã vượt con số 3,5 triệu, tức tăng trưởng hơn 10.000 lần trong 5 năm. Funding Societies được quỹ đầu tư Samsung Ventures rót vốn vào cuối tháng 12-2020,  sau vòng gọi vốn thành công vào tháng 9. Riêng Modalku gọi được 40 triệu trong vòng gọi vốn series C vào tháng 4-2020.

Theo DealStreetAsia, số vốn các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở châu Á cần vay tăng 9,1% mỗi năm và có thể đạt con số 23.000 tỉ đô la vào năm 2025. Ảnh: Reuters

Quyết tâm xóa tiếng xấu của P2P

Thị trường P2P ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này trước đây khá bát nháo. “Sáng đóng cửa thì buổi chiều họ đã hoạt động trở lại với tên khác”, Chủ tịch OJK Wimboh Santoso mô tả. Nhưng đối với nhà đồng sáng lập 32 tuổi Reynold Wijaya, Modalku có thể vượt qua các đối thủ, gạt bỏ tiếng xấu của P2P.

Người sáng lập Wijaya nói công ty của anh làm việc chặt chẽ với OJK nhằm đảo bảo tuân thủ luật lệ và thực hiện “cho vay có trách nhiệm”. Họ xem xét hồ sơ người vay thật kỹ, giảm thiểu rủi ro bằng cách tập trung vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, không chú trọng các khoản vay tiêu dùng. Các khoản nợ xấu của Modalku chỉ ở mức 1,23%.

Nhà đồng sáng lập nói anh luôn ủng hộ các nỗ lực của OJK nhằm loại bỏ các tay chơi xấu và Modalku rất tôn trọng luật cạnh tranh công bằng. “Thị trường khổng lồ, đủ chỗ cho nhiều người tham gia. Cạnh tranh làm chúng tôi phát triển tốt hơn”, Wijaya nói.

Modalku hoạt động như các sàn cho vay điện tử khác. Hệ thống sẽ thẩm định mức tín nhiệm tín dụng của người đi vay và định ra mức lãi cao hay thấp tùy vào nguy cơ mất vốn và người cho vay dựa vào đó mà quyết định. Trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng để xử lý các hồ sơ vay đang tăng nhanh chóng.

Các ngân hàng lớn và các quỹ đầu tư ở Singapore, Indonesia và nhiều nước khác đang đổ vốn vào Modalku. Riêng các nhà đầu tư cá nhân – hay số người cho vay – trên sàn Modalku cũng “xuống tay” khá thoải mái. “Chúng tôi phải quay vòng nhanh dòng tiền đang có”, Karen Christianti - chủ một startup về chăm sóc sức khỏe và đồng thời là “chủ nợ” trên sàn Modalku - cho biết. Christianti quyết định đầu tư dù có rủi ro bởi lợi nhuận cao. Lãi suất trên Modalku khoảng 12-20% mỗi năm và họ lấy 3% hoa hồng trên mỗi khoản vay.

Wijaya muốn mở rộng hoạt động cho vay doanh nghiệp, tiếp cận các nhà bán lẻ trên các trang thương mại điện tử lớn trong khu vực như Tokopedia, Bukalapak, Lazada và Shoppee. Các trang này cho phép Modalku tiếp cận dữ liệu về lịch sử giao dịch của nhà bán lẻ để xem dòng tiền của họ thật sự tốt. Các trang này cũng được chia hoa hồng .

Phần lớn chủ các gian hàng trên các trang thương mại điện tử trên bị ngân hàng chối bỏ, nhiều trong số đó không có đăng ký hợp pháp và ký quỹ. “Chúng tôi biết rằng họ sẽ làm ăn được. Bằng cách phân tích dữ liệu, chúng tôi có chắc rằng họ có tương lai phát triển tốt”, Wijaya phát biểu với Nikkei Asia.

Không gian phát triển bùng nổ

Chỉ có 29% trong tổng số 186 triệu người có thu nhập trung bình trở xuống ở Indonesia có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Đất nước vạn đảo này có trên 63 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ 26% trong số này có thể tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng. Đó là chưa kể đến số doanh nghiệp siêu nhỏ đang bùng nổ song song với sự phát triển của làn sóng thương mại điện tử.

Triển vọng phát triển của thị trường P2P rất tươi sáng. Hãng tư vấn toàn cầu PwC dự báo các khoản vay P2P ở Indonesia đoạt khoảng 16 tỉ đô la trong năm rồi.

Tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng và công ty tài chính luôn là thách thức với các doanh nghiệp này. Một nghiên cứu của OJK trong năm 2016 cho thấy, các ngân hàng hay tổ chức tín dụng chính mạch chưa bao giờ đụng đến một thị trường khổng lồ trị giá gần 70 tỉ đô la mỗi năm.

Các ngân hàng đầu tư và quỹ đầu tư đang nhắm vào các sàn P2P ở Indonesia bởi có thể tìm được lợi nhuận cao hơn trong lúc thị trường chứng khoán bình lặng và không chắc chắn. Nguồn vốn đổ dồn vào các sàn P2P lending còn có lý do khác: không gian đang phát triển này bùng nổ vì nhu cầu rất lớn của phần lớn dân số và doanh nghiệp.

Mark Bruny, Giám đốc tài chính của sàn cho vay P2P KoinWorks, cho biết: "Chúng tôi đang giúp tạo điều kiện phát triển cho tệp khách không có tài khoản ngân hàng hay ít có điều kiện tiếp cận ngân hàng. Khi các doanh nghiệp này phát triển, họ sẽ có nhiều cơ hội và điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng và tài chính chính mạch. Sàn P2P là bước đệm cho quá trình này”.

Các định chế đầu tư cũng đang dần xem các sàn P2P như một kênh phân phối mới để kết nối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa – theo lời Eddi Danusaputro, Giám đốc điều hành của Mandiri Capital, chi nhánh đầu tư mạo hiểm của Ngân hàng Mandiri.

P2P đang phát triển mạnh khi các cơ hội đầu tư trong nước đang hiếm dần. Tình hình càng trở nên trầm trọng sau các bê bối và vỡ nợ của hãng bảo hiểm nhân thọ Jiwasraya thuộc sở hữu quốc doanh. P2P vẫn là một ngành non trẻ so với thị trường chứng khoán về rủi ro liên quan đến hoạt động của nó. "Khi nhà điều hành các sàn P2P nói tỷ lệ nợ xấu hay vỡ nợ của họ thấp hay rất thấp, chúng tôi không biết đó có phải là con số thực hay không", một nhà quan sát thị trường cho biết.

Giám đốc tiếp thị Andri Madian của sàn Akseleran đồng ý rằng thách thức chính vẫn là kềm chế tỷ lệ vỡ nợ. “Điều này tùy thuộc vào khả năng đánh giá tín dụng của những chủ nợ hay người cho vay trên sàn”, Madian nói.
Từ tháng 8-2019, Akseleran đã mua bảo hiểm tín dụng cho gần 80% khoản vay, bảo vệ 85% vốn gốc của người cho vay trong tình huống xấu nhất là người vay trốn nợ.

Nhiều trang cho vay trên mạng với lãi suất hơn 3-4% mỗi ngày, hay 1.600% mỗi năm, đã bị các cơ quan chức năng Việt Nam dẹp bỏ trong thời gian qua. Trong năm tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự kiến sẽ đưa ra dự thảo về cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các công ty tài chính công nghệ (fintech) trong bảy lĩnh vực: thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng hay cho vay online, định danh khách hàng điện tử (eKYC), giao diện lập trình ứng dụng mở, ứng dụng blockchain, hỗ trợ dịch vụ ngân hàng (chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn…).


 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới