Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Du lịch Thái Lan tìm cách sống còn và đi tìm bản sắc mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Du lịch Thái Lan tìm cách sống còn và đi tìm bản sắc mới

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) -  Số nhân viên mất việc của ngành du lịch Thái Lan vượt quá một triệu người sau đợt bùng phát dịch tháng 12 rồi. Ngành khách sạn và lữ hành cũng chịu tổn thất lớn khi lượng khách nước ngoài hầu như biến mất. Mô hình “chiếc lồng vàng” mở cửa đón khách hạng sang đã thất bại và dự kiến mô hình cách ly du khách ở các golf resort sang trọng cũng đi vào vết xe đổ. 

Du lịch đóng góp khoảng 20% GDP cho nền kinh tế Thái Lan trong năm 2019. Sự sụp đổ của ngành công nghiệp không khói đang hiện rõ, với số người thất nghiệp và số vụ đóng cửa hay phá sản gia tăng. Điều này có nghĩa rằng khả năng hồi phục của nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á thật yếu ớt.

Du lịch Thái Lan tìm cách sống còn và đi tìm bản sắc mới
Ngôi chùa Wat Phra Kaew nổi tiếng ở Bangkok trong mùa vắng khách. Ảnh: Nikkei Asia

Đối diện năm thứ hai thất thu

Đợt bùng phát dịch đầu tiên vào tháng 3-2020 đã đánh mạnh vào nền tảng của ngành công nghiệp du lịch Thái Lan khi chính phủ hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới. Các nới lỏng từ tháng 5 và chính sách hỗ trợ tiền vé máy bay, xe khách và tiền khách sạn cho du lịch nội địa cũng không thể nào bù đắp cho thu nhập từ những vị khách nước ngoài hào phóng.

Lượng khách kỷ lục 40 triệu lượt trong năm 2019 đã giảm hơn 83% trong năm vừa rồi và chỉ còn 6,7 triệu khách – theo Bộ Du lịch Thái Lan.  Nay, các nhà điều hành khách sạn, nhà hàng và lữ hành e dè nhìn nhau khi đề cập đến khả năng rất lớn: Năm 2021 sẽ là năm thứ hai liên tiếp thất thu.

Hãng tư vấn chiến lược Krungthai Compass thuộc Ngân hàng Krung Thai nói rằng làn sóng dịch đợt hai có sự tàn phá mạnh mẽ hơn đợt đầu. Chính phủ có thể mất vài tháng để kiểm soát hoàn toàn được dịch. Có nghĩa là ngành du lịch phải chịu tổn thất thêm 100 tỉ baht, khoảng 3,3 tỉ đô la, khi thể trạng đã rất yếu.

Đợt dịch lần thứ hai bùng phát từ tỉnh Samut Sakhon hồi tháng 12 đã khiến 28 tỉnh ở Thái Lan công bố tình trạng “báo động đỏ”, tức cấm đi lại giữa các tỉnh thành. Hậu quả là hàng loạt doanh nghiệp đổ sụp.

Hàng trăm khách sạn ở các điểm du lịch chính đã đóng cửa và đăng bảng rao bán. Các thương vụ hay doanh nghiệp sống dựa vào du khách sẽ đương đầu với làn sóng phá sản rộng hơn khi đợt dịch lần thứ hai cuốn đi những đồng vốn cuối cùng.

Krabi, khu nghỉ dưỡng ở phía Nam, có khoảng 900 khách sạn và resort. Nay khoảng 450 tạm thời đóng cửa, chủ nhân hàng chục khách sạn nhỏ phải bán rẻ tài sản bởi không thể chịu được được “đợt khô máu” thứ hai – Chủ tịch Hội đồng Du lịch Krabi Ekkawit Pinyothammanothai nói với Nikkei Asia.

Tình hình tương tự như vậy ở đảo du lịch Koh Samui bên bờ Vịnh Thái Lan. Khoảng 100 khách sạn đang chờ sang nhượng. “Thông thường, mỗi chiều vài ngàn khách du lịch dạo phố hay đi dọc bờ biển. Nay khách hoàn toàn biến mất. 70-80% các cửa hàng và quán bar đã đóng cửa”, theo lời Vorasit Pongkumpunt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Koh Samui.

Hua Hin, cách Bangkok chưa đầy 90 phút lái xe, là nơi nghỉ mát ưa chuộng Hoàng gia Thái Lan và du khách trong và ngoài nước. Tỷ lệ đặt phòng ở đây đã xuống còn một con số. Cửa tiệm, quán bar, spa và cả siêu thị cũng đóng cửa.
Tập đoàn bán lẻ Central Group hôm 25-1 đã đóng cửa khu mua sắm ở bãi biển Paton trên đảo Phuket do vắng khách. Trước dịch, khách nước ngoài đến mua sắm tại khu thương mại này chiếm đến 85%.

Hiệp hội Khách sạn Thái Lan (THA) gần đây đã trình chính phủ kế hoạch để giúp ngành du lịch đủ sức sống còn qua đại dịch, trong đó có hoãn giãn nợ và các khoản vay lãi suất thấp. THA cũng yêu cầu chính phủ trợ cấp đến 50% lương cơ bản của nhân viên để ngăn chặn các đợt sa thải đang lan mạnh.

“Ở giai đoạn này, chúng tôi khẩn thiết yêu cầu sự hỗ trợ của chính phủ để có thể tồn tại qua cơn dịch bởi tình hình dịch chưa thể khống chế có thể kéo dài hơn dự định”, Chủ tịch THA Marisa Sukosol Nunbhakdi nói trên website của hiệp hội.

Nhiều khách sạn hạng sang ở Thái Lan đang quảng bá “khách sạn 5 sao, giá 2 sao” để kéo khách. Ảnh: Getty Images

Phân khúc hạng sang có là phao cứu sinh?

Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc (UNWTO) ước đoán du lịch mang lại cho Thái Lan nguồn ngoại tệ khoảng 63 tỉ đô la mỗi năm. Nhưng các con số của chính phủ Thái Lan nói con số này lên đến 100 tỉ đô la trong năm 2019.

Khoảng 400-500 hãng lữ hành quốc tế của Thái Lan hiện ngưng hoạt động bởi tất cả các nước đều đóng cửa biên giới.

Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Thái Lan Sutthipong Puenpipob nói khoảng 10% đã phá sản. Số hãng lữ hành ở Thái Lan từng lên đến 850 công ty.

Giờ đây, những công ty còn thoi thóp đang cố gắng tổ chức các tour nội địa, với trọng tâm là các sản phẩm du lịch đắt tiền cho giới nhà giàu và siêu giàu Thái Lan.

Xe sang, nhà hàng đắt tiền, khách sạn sang trọng và những thứ lấp lánh. “Tuy vậy những tour siêu sang thế này cũng không dễ dàng gì bởi sức mua giờ đây không còn mạnh. Dịch Covid vẫn còn gặm nhấm nền kinh tế Thái Lan”, ông Sutthipong nói.

Dường như, các nhà điều hành và khai thác du lịch Thái Lan đã từng kỳ vọng và rồi tìm cách khai thác phân khúc hạng sang khi thị trường đại chúng bị biến mất trong các đợt dịch.

Ngành du lịch hội nghị và khuyến thưởng (MICE) đã co lại. Giờ đây, các nhu cầu về du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe và y tế đang nổi lên – theo lời ông Michael Marshall, chủ tịch phụ trách kinh doanh và thương mại của tập đoàn Minor Hotels Group vốn điều hành hơn 500 khách sạn.

“Du lịch quốc tế cao cấp là cơ hội mới, trong khi đó du lịch nội địa chỉ có thể hoạt động trong một chừng mực nhất định và giới hạn”, ông nói.

Tháng 10-2020, Thái Lan đã thử nghiệm chương trình “chiếc lồng vàng” cho phép khách nước ngoài nhập cảnh và cách ly ở những khách sạn và khu nghỉ dưỡng sang trọng với giá cao ngất ngưỡng ở đảo Phuket. Chẳng hạn, giá lên đến 5.300 đô la mỗi khách hay 18.700 đô la cho gia đình bốn người ở khu du lịch cao cấp The Senses Phuket.

Khách sẽ được đo khám thân nhiệt ngày hai lần và ba bữa ăn tận phòng, nhưng phải ở trong phòng và nhất cử nhất động đều bị nhân viên và an ninh khu nghỉ dưỡng giám sát. Cảnh sát sẽ xuất hiện nếu du khách được báo cáo vắng mặt quá lâu tại khu nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, nhiều khách giàu có châu Âu đã từ chối cách ly trong “cái lồng sơn son thếp vàng” bởi ngại phải chi gấp 10 lần mà đánh mất tự do. Hơn nữa việc xin thị thực du khách đặc biệt (STV) cũng mất thời gian và rất phiền phức.

Kết quả là trong suốt quí 3, chỉ có hơn 1.000 khách quốc tế chịu cảnh “cá chậu chim lồng”, trong khi số lượng khách quốc tế của Thái Lan đạt trung bình hơn 10 triệu vào những quí cuối năm.

Giữa tháng 1-2021, chính phủ Thái Lan chuẩn thuận danh sách sáu sân golf dùng làm nơi cách ly du khách trong hai tuần trong nỗ lực tái khởi động ngành du lịch – theo Bloomberg. Tuy vậy, các nhà phân tích nói nỗ lực này có thể là thất bại nối tiếp của mô hình “chiếc lồng vàng”.

Khám phá chính mình

Thái Lan đóng cửa các bãi biển nổi tiếng trong vài năm gần đây nhằm giúp các rạn san hô bị hư hại do ô nhiễm môi trường có thời gian hồi phục. Chính phủ cũng dẹp những người bán hàng rong trên Khao San Road và các khu vực khác để thu hút thêm khách quốc tế. Đất nước này có nhiều nỗ lực để xóa bỏ hình ảnh du lịch tình dục với các quán bar, tiệm massage kiêm thêm “mát mẻ”.

Giờ đây, chính quyền có cơ hội tiến tới mô hình bền vững hơn, chuyên gia du lịch David Robinson thuộc Bangkok River Partners phát biểu. “Cuộc chạy đua đứng đầu trong bảng xếp hạng về doanh thu du lịch toàn cầu không giúp ích gì cho Thái Lan. Càng đông khách hơn không có nghĩa là sẽ tốt hơn về mặt kinh tế. Điều này không phải du lịch bền vững”, ông Robinson nói. 

Khủng hoảng Covid-19 là những gì tệ hại nhất mà du lịch Thái Lan đang trải qua – hơn cả sóng thần, dịch SARS hay MERS, cúm gia cầm hay các đợt biểu tình. Dịch bệnh đã thay đổi mọi thứ.

“Du lịch sẽ không trở lại như trước. Sẽ không còn những đoàn xe xếp hàng dài bên ngoài Cung điện Hoàng gia hay chợ trời Chatuchak. Sẽ không còn cảnh hướng dẫn viên vẫy cờ dẫn những tour đông khách ở những điểm đến nổi tiếng. Chúng ta sẽ không thể gặp lại chuyện đó. Chúng ta đang phải đối mặt với tình huống mới”, ông Tanes Petsuwan – phó chủ tịch tiếp thị của Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) – nhận định.

Các cơ quan chính phủ không thể nói đơn giản là xóa ngành công nghiệp tình dục mà không có chiến lược hay kế hoạch chuyển tiếp nào để phát triển du lịch văn hóa – ông Robinson nhận định. “Tôi như được tiếp sức khi thấy một số người có cơ hội tái khám phá thành phố của họ trong mùa dịch Covid-19 này ”, ông nhận xét.

Cô Rose Duangkamol và người bạn của cô đang ăn món pad thai - hủ tiếu xào kiểu Thái Lan – trên đường Khao San Road là một ví dụ về tái khám Bangkok mà ông Robinson đề cập. “Trước chúng tôi thường đến đây mỗi tháng một lần. Giờ chúng tôi đến thường xuyên hơn. Thật thú vị khi khu vực này không quá đông đúc”, cô gái trẻ người Bangkok nói với Reuters.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới