Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Làn sóng mới của nhà đầu tư tuổi teen trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làn sóng mới của nhà đầu tư tuổi teen trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) - Những nhà đầu tư tân binh ở tuổi vị thành niên lướt các đợt sóng dâng cao trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Các F0 thế này theo đuổi “giá trị đầu tư” khi mua các mã chứng khoán có khả năng sinh lợi cao bằng vốn có được từ tiền tiêu vặt, bán các món đồ chơi hay các món từ máy bán hàng tự động. Hiện tượng các nhà đầu tư quá trẻ này hoặc ở độ tuổi 20-30 già dặn hơn đang thành xu hướng ở Hàn Quốc – nơi các giá trị xã hội đang đảo lộn và rạn vỡ. 

Làn sóng mới của nhà đầu tư tuổi teen trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc
Cậu bé 12 tuổi đã đạt mức lợi nhuận 43% khi bắt đầu mở tài khoản đầu tư cá nhân từ tháng 4 năm ngoái. Ảnh: Reuters

Tân binh F0 mơ thành Warren Buffet

Xem bản tin kinh doanh là thói quen đầu ngày mới của Kwon Joon. Cậu bé 12 tuổi đang mơ trở thành nhà đầu tư tỷ phú Warren Buffet mới sau khi đạt được một thành tích vang dội là kiếm 43% lợi nhuận từ một sở thích mới hình thành năm ngoái: mua bán chứng khoán.

Kwon đã nằn nì xin mẹ mở tài khoản mua bán cổ phiếu dành cho cá nhân hồi tháng 4-2020 với nguồn vốn 25 triệu won, khoảng 22.400 đô la. Vào thời điểm đó, chỉ số chứng khoán KOSPI bắt đầu khởi sắc sau những chuỗi trượt dài suốt một thập niên qua.

“Tôi đã thuyết phục được bố mẹ vào cuộc, bởi tôi tin vào một chuyên gia nói trên truyền hình rằng đây là cơ hội mười năm mới có một lần”, Kwon nói với hãng tin Reuters. “Thần tượng của tôi là ông Warren Buffet. Thay vì chỉ tập trung vào các giao dịch ngắn hạn trong ngày, tôi muốn dàn trải đầu tư của mình trong triển vọng 10-20 năm, với hy vọng rằng sẽ tối đa hóa lợi nhuận thu được”, Kwon trả lời.

Càng ngày càng có nhiều các nhà đầu tư cá nhân ở độ tuổi teen hoặc thậm chí trẻ hơn. Họ chiếm hơn 65% khối lượng cổ phiếu giao dịch trên thị trường, tăng từ con số gần 50% trong năm 2019.
Xu hướng mới đang lộ rõ khi thị trường chứng khoán thu hút các bậc phụ huynh vốn chán ngấy hệ thống giáo dục tẻ nhạt. Thế hệ thiên niên kỷ sinh trước hoặc sau năm 2000 một chút đang làm việc hay học tại nhà vì các lệnh giãn cách cũng bị hút vào.

“Vào thời điểm thế này, tôi tự hỏi rằng liệu bằng đại học sẽ là lối thoát duy nhất và có tầm quan trọng nhất”, theo lời bà Lee Eun-joo, mẹ của cậu bé. Bà đã nuôi dưỡng đam mê của con trai khi bắt đầu hướng cậu bé vào kinh doanh hơn là cắm đầu vào sách vở.
“Bởi hiện tại chúng ta đang sống ở một thế giới rất khác bởi chúng ta có thể rồi chỉ là một loại người duy nhất”, bà giải thích. Bà luôn e ngại rằng ngay cả khi con bà có học vấn tốt thì cơ hội việc làm cũng không thể dễ dàng trong xã hội Hàn Quốc phân hóa hiện tại.

Làn sóng nhà đầu tư “trẻ con”

Khoảng 70% trong số 214.800 tài khoản môi giới chứng khoán dành cho trẻ em ở hãng Kiwoom Securities được mở từ tháng 1 năm ngoái hay sau đó một chút – theo số liệu của hãng chứng khoán. Đây là nhà môi giới thân thiện với các F0 nhất ở Hàn Quốc và họ chiếm đến 20% của thị trường mua bán dành cho các Fo “trẻ con”.

Với thời gian rảnh rỗi khi trường học đóng cửa trong mùa dịch vừa qua, Kwon đã tạo ra danh mục đầu tư đáng chú ý. Từ cổ phiếu của ứng dụng nhắn tin Kakao lớn nhất Hàn Quốc cho đến cổ phiếu của hãng chế tạo chip lớn nhất thế giới là Samsung Electronics hay hãng xe Hyundai Motor.

Thành công của Kwon cũng phản ánh những thách thức trong tìm việc làm của người trẻ Hàn Quốc. Vào tháng 1 rồi, cứ bốn người thì có một đang thất nghiệp. Đây là tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục ở đất nước này dù rằng họ thuộc vào nhóm có trình độ giáo dục cao nhất trong nhóm nước giàu có OECD (Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế).

Các nhà môi giới đang làm việc trên sàn của ngân hàng Hana Bank ở Seoul trong tuần rồi. Giới trẻ chiếm đến 65% các giao dịch trên thị trường trong năm ngoái. Ảnh: EPA/Fiji

Khoảng 75% thanh niên Hàn Quốc tiếp tục học lên đại học sau khi đã xong trung học, trong khi con số này của OECD chỉ trung bình 44,5%. Tìm kiếm một công việc đầy hứng thú sáng tạo và lương cao khá khó khăn. “Không có đủ việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Nhiều người đã bỏ học để tìm con đường phát triển nghề nghiệp khác triển vọng hơn và sớm hơn”, nhà nghiên cứu về giáo dục dạy nghề Min Sook-weon nói với Reuters.

Đây là điều cậu bé Kwon hiểu rõ. “Thay vì vào những trường danh tiếng như Đại học Quốc gia Seoul, tôi muốn trở thành nhà đầu tư lớn. Tôi cũng hy vọng tham gia nhiều công tác thiện nguyện”, Kwon nói.

Lướt sóng địa ốc và chứng khoán để đổi đời

Trước làn sóng các nhà đầu tư trẻ con như Kwon Joon, các nhà đầu tư cá nhân có độ tuổi “già hơn”, khoảng 20-30. Rất nhiều người đã vay tiền để lướt sóng. Cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc cho biết: Từ tháng 12-2019 đến tháng 6-2020, số nhà đầu tư ở độ tuổi trẻ như thế này tăng 33%. Điều mà họ kỳ vọng là giá cổ phiếu tăng nhanh, giúp họ thoát khỏi tù túng, vượt ra khỏi trật tự kinh tế mà các cơ hội đổi đời khác đã nhạt nhòa, ngay cả trước khi Covid-19 bùng phát.

Mô hình của các chaebol – các đại tập đoàn công nghiệp hướng về xuất khẩu – đã phát triển chậm lại khi các chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn. Khó có thể tìm việc làm và khó hơn là có thể vay tiền từ ngân hàng. Các chaebol thu hẹp quy mô, ngừng tuyển dụng mới và bắt đầu sa thải hàng loạt. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Hàn Quốc, có đến 50% trong số 682.000 người bỏ ý định tìm việc trong tháng 8-2020 ở độ tuổi 20-30 và họ nói “không kỳ vọng vào đồng lương”.

Với họ, đầu cơ vào thị trường nhà đất hay làm giàu nhanh trên thị trường chứng khoán là khả dĩ hơn. Nhưng với lo ngại về bong bóng bất động sản có thể vỡ, chính phủ Hàn Quốc đã nhanh chóng can thiệp bằng áp trần hạn mức cho vay với những căn nhà có giá dưới 900 triệu won, gần 780.000 đô la, tối đa là 40%.
Giá nhà ở Hàn Quốc đã tăng không ngừng kể từ năm 2014 và trở nên ngoài tầm với của số đông, đặc biệt là người trẻ. Theo Bloomberg, giá trung bình của căn hộ ở Seoul, nơi một nửa người Hàn Quốc sinh sống và là nơi đặt trụ sở của hầu hết các công ty, là 918,1 triệu won, tương đương hơn 792.000 đô la.

Trong khi, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc hiện tại là 32.047 đô la/năm. Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên thu nhập sau thuế tại Hàn Quốc hiện là 180% - cao nhất trong các nước thuộc OECD.

Trào lưu đầu cơ không quá mới mẻ ở xứ kim chi năng động. Các nhà đầu tư cá nhân đã từng hăm hở lao vào bong bóng dot-com và rồi ôm hận cuối những năm 1990. Họ cũng đổ xô vào thị trường chứng khoán, ngoại tệ và bất động sản ở Hàn Quốc và Đông Nam Á cách đây hơn 10 năm. Họ lại say mê bitcoin khi đồng tiền số bùng nổ năm 2017 và rồi tái mặt khi tiền bốc hơi không còn đồng nào. Lần này, đội quân chứng khoán đông đảo hơn hẳn.

“Tôi có vài người bạn đổ xô vào cổ phiếu công nghệ sinh học chỉ vì họ thích tên của hãng đó”, Jang Ho-yoon, một sinh viên kinh tế 26 tuổi, cho biết. Jang cho biết gia đình năm thành viên của anh đều ham lướt sóng chứng khoán.
Sự can thiệp của cơ quan quản lý để điều tiết thị trường một lúc nào đó có thể khiến chỉ số KOSPI trồi sụt. Sắc đỏ của sàn rồi sẽ làm nhiều người trẻ tái mặt. Nhưng giấc mơ về mái nhà riêng và cuộc sống sung túc không theo giờ công sở ràng buộc đã khiến mọi người quên đi các rủi ro.

“Nấc thang địa vị xã hội có lịch sử hình thành lâu đời. Đó là trình tự học hành chăm chỉ, tốt nghiệp trường danh giá, kiếm một việc tử tế ở một chaebol danh tiếng và cuối cùng là mua căn hộ ở Seoul. Còn bây giờ, ngay cả khi bạn ở nấc cuối của bậc thang thì khả năng mua nhà vẫn còn là điều xa vời”, giáo sư kinh tế Ahn Dong-hyun tại Đại học Quốc gia Seoul nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới