Sản xuất theo cầu có được không?
Kinh tế Sài Gòn
(KTSG) - Nếu chỉ tính về sản lượng thì 2020 là năm thất bại của ngành lúa gạo, với sản lượng lúa thu hoạch giảm gần 2%, lượng gạo xuất khẩu cũng giảm 3,5% so với năm 2019. Nhưng đây lại là một năm thắng lớn đối với người trồng lúa khi giá lúa tăng tới 1.200-2.000 đồng/kg và duy trì gần như suốt năm ngoái đến nay; giá gạo xuất khẩu bình quân cũng tăng tới gần 13%, chẳng những bù được hết cho phần doanh thu bị mất do hụt sản lượng mà còn tăng tới 9,3%.
Gạo xuất khẩu đang được vận chuyển lên tàu. Ảnh: TTXVN |
Có nhiều yếu tố dẫn tới “được mùa” theo cách này, nhưng suy cho cùng vẫn là nhờ nguồn cung lúa gạo không thừa so với nhu cầu thị trường. Nếu không “nhờ” hạn hán, xâm nhập mặn… làm sản lượng lúa giảm 806.600 tấn, trong đó riêng vụ đông xuân giảm gần 600.000 tấn, thì Việt Nam đã có thêm gần nửa triệu tấn gạo để đẩy ra thị trường thế giới. Số lượng gạo này đủ lớn để có thể làm đảo chiều giá cả thị trường gạo thế giới.
Trong khi người trồng lúa đang tràn trề hy vọng có thêm một vụ đông xuân 2021 không được mùa về sản lượng nhưng sẽ lại tiếp tục trúng giá, thì những người trồng rau màu, trái cây lại đang khóc ròng trên mảnh vườn của mình vì nông sản rớt giá thê thảm. Phong trào “giải cứu” diễn ra tự phát ở khắp nơi cũng không ngăn nổi hàng tấn củ cải, cải xanh… phải nhổ bỏ, chất đống ngoài ruộng.
Ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nói rằng “cần xóa tình trạng mua mùa, bán mùa”, tức là thay vì canh tác đồng loạt theo mùa vụ rồi mong chờ vào tín hiệu thị trường, thì phải xuất phát từ nhu cầu thị trường để từ đó sản xuất chỉ vừa đủ.
Nhận xét của ông Hoan, tuy ngắn gọn, nhưng chính là lời giải cho bài toán phát triển ngành nông nghiệp, cũng là yếu tố then chốt để nông dân có thể sống tốt trên mảnh ruộng của mình.
Muốn đạt được điều này, điều kiện tiên quyết là phải dự đoán được thị trường. Việc này không khó, vì nguồn thông tin về thị trường, cả trong và ngoài nước, rất dồi dào. Vấn đề chỉ ở chỗ Nhà nước có xem công tác thu thập và xử lý thông tin là yếu tố quan trọng, để từ đó có sự đầu tư thích đáng hay không thôi.
Khó khăn thực sự nằm ở vế sau của vấn đề, đó là “chỉ sản xuất đủ”. Ở các nước phát triển, chính phủ kiểm soát nhập khẩu nghiêm ngặt để bảo vệ thị trường nội địa, đồng thời áp dụng hạn ngạch sản xuất để giới hạn nguồn cung. Còn tại Việt Nam, nông sản nhập lậu gần như trong tình trạng mất kiểm soát và sản xuất thì manh mún và tự phát.
Việc quản lý sản lượng bằng hạn ngạch đối với hàng chục triệu hộ nông dân rõ ràng là giải pháp bất khả thi, nhưng nếu Chính phủ có quyết tâm tập hợp nông dân lại để hình thành các hợp tác xã, kèm theo đó là chính sách trợ giúp thiết thực, thì vấn đề sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Riêng về mối đe dọa từ nông sản nhập lậu, từ kết quả kiểm soát rất tốt nhập cảnh trái phép để chống dịch Covid-19, cho thấy nếu chính quyền thực sự quyết tâm thì có thể giải quyết dứt điểm chỉ trong vài ngày.