Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội đánh giá việc phân bổ ngân sách 2021 chậm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quốc hội đánh giá việc phân bổ ngân sách 2021 chậm

L.Nhi

(KTSG Online) - Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện hai tháng đầu năm tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng ở chiều ngược lại, quá trình phân bổ, giao dự toán ngân sách cho các chủ đầu tư, các đơn vị sử dụng ngân sách còn chậm.

Quốc hội đánh giá việc phân bổ ngân sách 2021 chậm

Tiền ngân sách phân bổ cho các địa phương để thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng...cần được giải ngân nhanh hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành đang chờ giải ngân vốn.

Theo quy định của Luật NSNN thì chậm nhất đến ngày 31-12-2020, các bộ, ngành và cơ quan trung ương phải hoàn thành việc phân bổ, giao dự toán ngân sách năm nay cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Chính phủ, đến hết 25-2, các bộ nói trên mới thực hiện, phân bổ, giao dự toán chi đầu tư cho các chủ đầu tư đạt 77,6% kế hoạch giao vốn.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khi xem xét vấn đề này đã nhận thấy quá trình phân bổ, giao dự toán ngân sách chi tiết đến các đơn vị sử dụng ngân sách còn chậm, thủ tục hành chính còn phiền hà. Công tác thẩm định, xét duyệt chậm, xác định nhiệm vụ chi còn chưa thống nhất giữa các cơ quan.

Việc lập và trình cấp có thẩm quyền quyết định dự toán thu NSNN còn thấp, dẫn đến nhiều địa phương giao dự toán thu ngân sách địa phương (NSĐP) cao hơn Trung ương giao. Phần lớn các địa phương quyết định dự toán thu nội địa thấp song lại giao cao hơn nhiều so với dự toán được Chính phủ giao. Năm 2021 có 46/63 địa phương quyết định dự toán thu nội địa cao hơn dự toán Chính phủ giao.

Nhưng ở chiều ngược lại, thu ngân sách 2 tháng đầu năm thực hiện ước đạt 21,3% dự toán, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, phần lớn các khoản thu đều đảm bảo tiến độ dự toán (đạt trên 17%) và tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, trong 2 tháng đầu năm nay,  tình hình kinh tế - xã hội của nước ta đã bị tác động không thuận do diễn biến đại dịch Covid-19 ở một số địa phương còn hết sức phức tạp, việc duy trì tiến độ thu đạt khá cho thấy các giải pháp của Chính phủ để thực hiện “mục tiêu kép” (vừa chống dịch vừa phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh) là có hiệu quả.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong năm 2021, Chính phủ sẽ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thu NSNN năm 2021. Do vậy, đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các địa phương chú trọng khai thác tốt hơn các khoản thu mới phát sinh, tập trung công tác chống thất thu NSNN.

Tuy nhiên, muốn để thúc đẩy tăng trưởng GDP, tỷ lệ thuận với việc thu ngân sách đạt mức tốt thì việc chi ngân sách, phân bổ tiền cho các địa phương giải ngân vào các dự án hạ tầng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng phải được thực hiện tốt hơn, tránh tình trạng có tiền mà không tiêu được thường xảy ra ở một số năm trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới