Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thiếu nước vì hạn hán đe dọa ngành công nghiệp chip của Đài Loan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thiếu nước vì hạn hán đe dọa ngành công nghiệp chip của Đài Loan

Chánh Tài

(KTSG Online) – Đài Loan đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua, gây thêm áp lưc cho ngành công nghiệp chip bán dẫn của lãnh thổ này, nơi chiếm 2/3 công suất sản xuất chip của thế giới. Các cơ sở sản xuất bán dẫn tiêu thụ rất nhiều nước để làm sạch đế bán dẫn, khắc các mẫu hình, đánh bóng các lớp bán dẫn và rửa các linh kiện liên quan trong quy trình sản xuất. Do vậy, nguồn cung nước không ổn định có thể đe dọa hoạt động sản xuất của các cơ sở này.

Thiếu nước vì hạn hán đe dọa ngành công nghiệp chip của Đài Loan
Sông Đầu Tiền ở huyện Tân Trúc, Đài Loan cạn trơ đáy vì hạn hán. Ảnh: Reuters

Hạn chế cấp nước vì hạn hán

Trong tháng này, do nguồn cung nước khan hiếm vì hạn hán,  chính quyền Đài Loan đã ngừng cấp nước hai ngày mỗi tuần đối với một số khu vực, gây ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp bao gồm nhà hàng, tiệm làm tóc và tiệm rửa xe ô tô và cả một số khu công nghiệp công nghệ ở huyện Miêu Lật. Cơ quan Y tế và phúc lợi Đài Loan đang kêu gọi người dân tiết kiệm nước.

Cho đến nay, tác động của hạn hán đối với các nhà sản xuất bán dẫn ở Đài Loan, vốn sử dụng rất nhiều nước trong quy trình sản xuất chip, chỉ ở mức vừa phải nhờ chính quyền Đài Loan ưu tiên phân bổ nước cho họ. Tuy nhiên, giới chức Đài Loan cảnh báo tình trạng thiếu nước có thể trầm trọng thêm nếu lượng mưa sắp tới không đầy đủ.

Các nhà máy sản xuất bán dẫn của Đài Loan chiếm đến 65% công suất toàn cầu, theo hãng nghiên cứu thị trường TrendForce. Phần lớn công suất này thuộc về Công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất gia công chip lớn nhất thế giới.

“Đài Loan là trung tâm sản xuất bán dẫn toàn cầu nhưng hạn hạn, điều mà chẳng ai muốn xảy ra, đang gây sức ép thêm cho tình hình thiếu chip hiện nay”, Syed Alam, Giám đốc toàn cầu của mảng tư vấn bán dẫn ở hãng kiểm toán Accenture, nói.

Các cơn bão theo mùa kèm theo mua lớn cung cấp cho Đài Loan phần lớn lượng nước dự trữ. Nhưng số lượng cơn bão thấp vào năm ngoái đã khiến nguồn cung nước giảm, buộc chính quyền phải hạn chế cấp nước cho hơn 1 triệu doanh nghiệp và người dân.

Tình trạng thiếu nước ở Đài Loan diễn ra khi nguồn cung chip toàn cầu đang căng thẳng bởi một loạt sự cố thiên tai cũng như nhu cầu bán dẫn tăng vọt của các hãng ô tô và hãng điện tử trên khắp thế giới.

Thời tiết băng giá kỷ lục ở bang Texas, Mỹ hồi đầu năm nay buộc hãng điện tử Samsung phải tạm thời đóng cửa hai nhà máy sản xuất chở TP. Austin thuộc bang Texas. Nhà máy của hãng sản xuất chip ô tô Renesas Electronics ở Nhật Bản cũng bị gián đoạn sản xuất hồi tháng 2 do động đất, rồi đến tháng 3, nhà máy này bị hỏa hoạn và phải mất nhiều tháng mới có thể phục hồi hoàn toàn các hoạt động.

Ba khu công nghiệp khoa học của Đài Loan, nơi đặt hầu hết các cơ sở sản xuất chip, đang phải hạn chế sử dụng nước do hạn hạn. Tuy nhiên, một số công ty chip ở đây đang bắt đầu cảm nhận tác động của tình trạng khan hiếm nước.

Hãng chip Micron Technology (Mỹ), với các cơ sở sản xuất ở hai thành phố Đài Trung và Đào Nguyên của Đài Loan, cho biết đang việc tìm nguồn cung nước thay thế và tích nước dự trữ sẽ làm đội chi phí sản xuất sau khi nguồn cung nước cho một trong những cơ sở sản xuất của hãng này tại Đài Loan bị cắt giảm.

Trong khi đó, hãng chip TSMC và United Microelectronics Corp. (UMC), có hoạt động sản xuất đặt tại TP. Tân Trúc, Đài Loan, đã thuê xe tải chở thêm nước. TSMC cho biết đang đàm phán mới một số công ty để sử dụng nguồn nước ngầm từ các công trường xây dựng của họ.

Các kỹ thuật viên làm việc ở một cơ sở sản xuất chip của TSMC tại Đài Loan. Ảnh: Financial Times

Tình trạng thiếu nước có thể trở thành vấn đề dai dẳng

Hôm 14-4, Giám đốc điều hành TSMC, Che Chia Wei nói rằng dù nguồn cung nước ở Đài Loan đang thắt chặt, công ty ông sẽ không gặp bất cứ tác động lớn trong hoạt động. Tuy nhiên, giới chức và các nhà nghiên cứu Đài Loan cảnh báo tình trạng khan hiếm nước có thể trở thành vấn đề dai dẳng trong những năm tới vì biến đổi khí hậu. Đây là rủi ro rất đáng lo ngại vì phần lớn hoạt động sản xuất bán dẫn toàn cầu tập trung ở Đài Loan.

Yuei-An Liou, giáo sư ở Trung tâm nghiên cứu không gian và viễn tham ở Đài Nguyên, cho biết hơn 50% nguồn cung nước của Đài Loan đến từ các cơn bão. Ông nói khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, các cơn bão trên Thái Bình Dương sẽ mạnh hơn nhưng có thể sẽ đổi hướng trước khi đến Đài Loan.

Hồi tháng 10, Đài Loan đã thành lập cơ quan ứng phó thảm họa hạn hán và đang tìm cách để giảm nhẹ tình trạng khan hiếm nước thông qua việc nạo vét các hồ chứa nước, khử muối và lắp đặt ống dẫn nước từ các nơi khác trên đảo Đài Loan.

Theo báo cáo giải trình trách nhiệm xã hội doanh nghiệp gần đây của TSMC, công ty này sử dụng 156.000 mét khối nước mỗi ngày ở các cơ sở sản xuất bán tại Đài Loan vào năm 2019. Lượng nước này đủ để bơm đầy cho hơn 60 hồ bơi kích cỡ theo tiêu chuẩn Olympic. UMC cũng sử dụng 31.500 mét khối nước mỗi ngày ở các cơ sở tại Đài Loan.

Với tình hình nguồn cung nước bất ổn, TSMC đặt mục tiêu đến năm 2030, giảm 30% lượng nước sử dụng ở mỗi cơ sở sản xuất so với năm 2010. TSMC cho biết đã tiết kiệm hơn 3 triệu mét khối nước trong năm 2019 nhờ tái sử dụng nước và các biện pháp tránh lãnh phí nước.

Giữa lúc nước đang khan hiếm, việc phân bổ nước trở thành vấn đề gây tranh cãi ở Đài Loan, đặc biệt là đối với nông dân, những người đang phải từ bỏ tưới tiêu cây trồng do không được cấp nước do chính quyền ưu tiên nguồn cung nước cho các khu công nghiệp để giúp họ duy trì hoạt động. Jennifer Nien, Giám đốc Công đoàn Bảo vệ nguồn tài nước Đài Loan, cho biết dù chính quyền đã trợ cấp cho những nông dân không được cấp nước trong năm nay, nhiều người trong số họ lo ngại tình trạng thiếu nước kéo dài sẽ khiến đất đai của họ trở nên khô cằn.

“Ngành công nghiệp như cái thùng không đáy, luôn cần nước. Dù chính quyền đang sốt sắng tìm kiếm thêm nguồn nước nhưng chúng tôi cũng rất lo lắng”, Jennifer Nien nói.

Các công ty bán dẫn Đài Loan đóng vai trò quan trọng trong quan hệ ngoại giao và nền kinh tế của Đài Loan, đặc biệt là khi nguồn cung chip trở nên khan hiếm trên toàn cầu.

Năm 2018, TSMC đóng góp khoảng 4,5% giá trị GDP của Đài Loan. Tính trung bình trong 5 năm qua, doanh thu chip chiếm 64% tăng trưởng xuất khẩu của Đài Loan, theo hãng nghiên cứu TS Lombard.

Các chính phủ nước ngoài như Đức và Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Đài Loan hỗ trợ để bảo đảm nguồn cung chip ổn định cho các hãng xe ở nước họ.

Theo Wall Street Journal

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới