Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trần Tố Nga – cuộc chiến pháp lý cho quá khứ và tương lai – Bài 3: Một phán quyết gây tranh cãi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trần Tố Nga - cuộc chiến pháp lý cho quá khứ và tương lai - Bài 3: Một phán quyết gây tranh cãi

TS. Nguyễn Thụy Phương - TS. Lê Thiên Hương

(KTSG) - Rất đáng tiếc là tại vụ kiện lần này, tòa án Evry đã kết luận rằng các công ty hóa chất Mỹ đã hành động (sản xuất chất màu da cam) theo yêu cầu và vì lợi ích của chính phủ Mỹ. Việc sản xuất chất màu da cam sử dụng ở Việt Nam được tòa án coi là “nằm trong khuôn khổ những hoạt động quân sự, mà về bản chất, là những hoạt động của chính phủ”.

Trần Tố Nga - cuộc chiến pháp lý cho quá khứ và tương lai - Bài 2: Vụ kiện vì mọi nạn nhân của chất màu da cam

Trần Tố Nga - cuộc chiến pháp lý cho quá khứ và tương lai - Bài 1: Chờ đợi một phiên tòa lịch sử

- “Kẻ thua cuộc mới phải chịu trách nhiệm, (...) kẻ thắng cuộc không bao giờ chịu chuộc lỗi, kẻ thua cuộc bị lên án phạm tội ác chiến tranh, kẻ thắng cuộc thì không” (Noam Chomsky).

- “Điều gì không chính nghĩa thì không hợp pháp” (William Lloyd Garrison).

Trần Tố Nga - cuộc chiến pháp lý cho quá khứ và tương lai - Bài 3: Một phán quyết gây tranh cãi

Như chúng tôi đã đưa tin trong bài Vụ kiện vì mọi nạn nhân của chất màu da cam  đăng trên Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 13-5-2021, vào ngày 10-5-2021, Tòa án Evry (Pháp) đã tuyên bố không đủ thẩm quyền xét xử vụ kiện của bà Trần Tố Nga đối với các công ty hóa chất Mỹ sản xuất chất diệt cỏ Agent Orange - màu da cam (chất màu da cam) mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Vấn đề thẩm quyền xét xử từ trước tới nay luôn là trở ngại to lớn cho các nạn nhân chất màu da cam Việt Nam. Trong vụ kiện ở Pháp, các công ty nói trên đã đề nghị tòa tuyên bố họ được miễn trừ tố tụng, với lý do họ hành động (sản xuất chất màu da cam) cho Chính phủ Mỹ, và vì thế phải được coi là những đơn vị “xuất phát” từ chính phủ. Tất nhiên, một khi tòa án đã công nhận bên bị đơn được hưởng nguyên tắc miễn trừ tố tụng, thì tòa sẽ không có thẩm quyền để xét xử vụ kiện đó.

Xin nhắc lại là nguyên tắc miễn trừ tố tụng là một nguyên tắc lâu đời của luật quốc tế, theo nguyên tắc này, không quốc gia nào có thể bị xét xử bởi một quốc gia khác. Nguyên tắc này cũng được quy định ở điều 5 của Công ước Liên hiệp quốc (2004) về vấn đề miễn trừ tố tụng của các quốc gia, mà nước Pháp đã thông qua năm 2011. Nó được đưa ra nhằm mục đích đảm bảo mối quan hệ “hữu hảo” giữa các quốc gia.

Không chỉ thế, nguyên tắc này không chỉ áp dụng cho các chính phủ nước ngoài, mà còn cho những pháp nhân khi họ thực hiện những hoạt động theo lệnh hay vì lợi ích của chính phủ, và những hoạt động này được coi là cấu thành “hoạt động thuộc chủ quyền quốc gia”.

Rất đáng tiếc là tại vụ kiện lần này, tòa án Evry đã kết luận rằng các công ty hóa chất Mỹ đã hành động (sản xuất chất màu da cam) theo yêu cầu và vì lợi ích của chính phủ Mỹ.

Việc sản xuất chất màu da cam sử dụng ở Việt Nam được tòa án coi là “nằm trong khuôn khổ những hoạt động quân sự, mà về bản chất, là những hoạt động của chính phủ”.

Về phía bà Trần Tố Nga, một mặt các luật sư của bà nhấn mạnh rằng nguyên tắc miễn trừ tố tụng nói trên đã không còn là một nguyên tắc “tối cao” trong luật hiện hành. Cụ thể là theo tiền lệ án, những mối quan hệ mang tính “thương mại” giữa chính phủ và pháp nhân bị đơn đã thường bị loại ra khỏi phạm vi áp dụng của nguyên tắc miễn trừ tố tụng.

Mặt khác, đơn kiện của bà Nga cũng đưa ra bằng chứng rằng trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng sản xuất chất màu da cam với Chính phủ Mỹ, các công ty hóa chất này hoàn toàn độc lập tự chủ về mặt pháp lý cũng như về mặt tài chính. Hơn nữa, họ hoàn toàn được tự do quyết định hình thức và điều kiện sản xuất chất màu da cam.

Việc các công ty này đã sử dụng một quy trình sản xuất gấp rút dẫn đến sản sinh chất độc dioxin trong chất màu da cam thuần túy là vì lý do theo đuổi lợi nhuận. Đối với lập luận này, các công ty bị đơn vẫn nhấn mạnh vào việc bị Chính phủ Mỹ ép buộc phải cung cấp nhanh chóng đơn hàng chất màu da cam trong khuôn khổ của chiến dịch quân sự “Operation Trail Dust” do Tổng thống Mỹ Kennedy tung ra năm 1962.

Rất đáng tiếc là tại vụ kiện lần này, tòa án Evry đã kết luận rằng các công ty hóa chất Mỹ đã hành động (sản xuất chất màu da cam) theo yêu cầu và vì lợi ích của Chính phủ Mỹ. Việc sản xuất chất màu da cam sử dụng ở Việt Nam được tòa án coi là “nằm trong khuôn khổ những hoạt động quân sự, mà về bản chất, là những hoạt động của chính phủ” (tạm dịch). Chính vì lý do này, tòa án Pháp ra phán quyết rằng các công ty hóa chất Mỹ nói trên có cơ sở để được hưởng quyền miễn trừ tố tụng, dẫn đến miễn trừ trách nhiệm.

Sự không đủ thẩm quyền phán quyết của Tòa án Evry càng làm cho những ai đứng về công lý thất vọng vì cán cân quá lệch giữa cái không đủ thẩm quyền của một tòa án so với sức nặng trách nhiệm đền bù của các công ty hóa chất, với sự phức hợp của hồ sơ này đan cài các yếu tố pháp lý, chính trị, quân sự, ngoại giao và so với cuộc tranh luận đại chúng về sinh quyền.

Ngay khi phán quyết được công bố, các luật sư của bà Trần Tố Nga đã đưa ra thông cáo cho rằng Tòa án Evry đã áp dụng một cách hiểu “lỗi thời” (obsolète) về nguyên tắc miễn trừ tố tụng. Bà Nga và các luật sư, vì thế, sẽ không dừng lại ở đây và sẽ kháng cáo phán quyết này. Bà Nga cũng nhấn mạnh rằng “Chúng tôi vẫn tiến lên vì cuộc chiến này nhân danh công lý, sự thực và vì những nạn nhân bất hạnh của chất màu da cam”.

Dù cho phán quyết của tòa ngày 10-5-2021 là bất lợi cho bà Nga và các nạn nhân Việt Nam, nhưng cuộc chiến của bà không hề là một thất bại. Ngược lại, bà đã nhắc cho chúng ta không bao giờ quên sự bất công phi lý đã và đang tồn tại đối với các nạn nhân chất màu da cam. Vụ kiện của bà còn là hồi chuông cảnh báo về các thảm họa môi trường.

Đây là chủ đề thời sự quốc tế nóng bỏng trong nhiều năm qua giữa các tập đoàn sản xuất, các chính phủ và xã hội dân sự. Công dân và xã hội dân sự càng lên tiếng cảnh báo bao nhiêu thì các tập đoàn sản xuất hóa chất càng làm lobbying mạnh mẽ bấy nhiêu.

Trước đây, lập luận của các công ty hóa chất là “khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn” (“Better living through Chemicals”), ngày nay thì đổi thành “giải cứu và nuôi sống hành tinh” nhờ công nghệ gen! Kết quả của cuộc chạy đua lợi nhuận sản xuất này là sự trả giá về sức khỏe và môi trường mà nhiều thế hệ hậu sinh phải gánh chịu hậu quả.

Vụ kiện này mở thêm một cánh cửa công lý nữa cho các nạn nhân của chiến tranh hóa học và diệt chủng môi sinh, ví như vụ xì căng đan chlordécone ở đảo Guadeloupe và Martinique. Tính thời sự này đã giúp cho cuộc đấu tranh của bà ngày càng nhận được nhiều ủng hộ từ giới chính trị thuộc các đảng môi sinh - môi trường, từ các hội đoàn, tổ chức hoặc những nhà đấu tranh sinh quyền, và đặc biệt ngày càng nhiều các bạn trẻ độ tuổi 20-30, tại Pháp và châu Âu.

Mượn lời nhận định của một vị thị trưởng “Đây là cuộc đấu tranh cho hành tinh trái đất, chứ không phải duy nhất là cuộc đấu tranh của bà Trần Tố Nga hay của riêng nước Pháp” hay của một nhà đấu tranh sinh quyền 20 tuổi “Tôi ủng hộ cuộc đấu tranh này vì nó nhắm đến tương lai nói chung và tương lai của chính chúng tôi nói riêng”.

Không chỉ vậy, khoa học nói chung và nghiên cứu y học nói riêng tiếp tục đồng hành với những cuộc đấu tranh như thế này. Ví dụ, một chương trình liên ngành PAGOPI(1) tập hợp các nhà nghiên cứu, thuộc các chuyên ngành khoa học đời sống và khoa học xã hội (lịch sử, dân tộc học, nội tiết học, nhi khoa, sản khoa...) đang tiến hành nghiên cứu để đưa ra bằng chứng về gen, sinh học, sinh hóa học không thể chối cãi về hệ quả di truyền của dioxin.

Vụ kiện của bà Trần Tố Nga, vì thế, chính là một thông điệp gửi tới tương lai: hãy đừng để bất cứ hành vi diệt chủng môi trường nào khác xảy ra. Nếu chúng ta còn để những vụ việc như rải chất màu da cam diễn ra, thì đất mẹ và thế hệ tương lai sẽ tiếp tục phải chịu hậu quả đau đớn.

“Dũng cảm, kiên định và hy vọng” là tâm thế và cũng là lời nhắn nhủ của bà Trần Tố Nga đến hàng ngàn người đang ủng hộ bà!

(1) Tên đầy đủ là Ô nhiễm môi trường bởi chất da cam và thuốc trừ sâu bệnh do nông dân sử dụng ở bán đảo Đông Dương thuộc Trung tâm Norbert Elias, Đại học Montpellier, Avignon, Aix-Marseille (Pháp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới