‘Thuốc’ nào trị ‘bóc phốt’?
Hồng Ngọc
(KTSG Online) - Câu chuyện một nữ doanh nhân giàu có liên tục lên mạng xã hội mấy tháng nay “bóc phốt” vị “thần y” mà nữ doanh nhân này cho là lừa đảo hàng chục tỉ đồng, đến nay đã lan sang giới nghệ sĩ mà cộng đồng mạng nói thẳng ra là chửi.
Cụm từ “bóc phốt” giờ đây khá phổ biến trong giới trẻ và trên cộng đồng mạng. Nó được hiểu là hành vi vạch mặt những hành động xấu, thông tin xấu, những bê bối của cá nhân, tổ chức. Mạng xã hội như Facebook, YouTube từ lâu đã trở thành công cụ để không ít người lên mạng livestream (trực tuyến) chửi nhau, nói xấu nhau, mang nhau ra bôi nhọ công khai mà đúng sai không ai biết, cũng chẳng có căn cứ nào. Vì nếu có căn cứ họ đã dắt nhau ra tòa, đến cơ quan chức năng. Ai mạnh miệng hơn, tiền bạc nhiều hơn, có bộ phận giúp sức truyền thông giỏi hơn sẽ “cả vú lấp miệng em”, càng làm cho cuộc sống này bất ổn khi rất có thể một ngày nào đó, cá nhân mình, cơ quan mình sẽ bị bóc phốt. Đúng, sai công chúng không ai biết nhưng uy danh sẽ tổn hại.
Rất có thể nữ doanh nhân nói trên phê phán, chỉ trích, bóc phốt khá nhiều người vì bà bức xúc, nhưng dù vì lý do gì đi nữa thì cảnh chị bán hàng xén, cô nhân viên bán cà phê đua nhau vào xem livestream, chia sẻ đường dẫn (links) trên Facebook phần nào nói lên sự thành công của nữ doanh nhân nói trên trong việc tự do phê phán người khác trên mạng xã hội mà không một công cụ nào kiểm soát. Cho nên, hiện nay người kinh doanh, doanh nghiệp không khỏi lo ngại trước cảnh ai cũng có thể bóc phốt mình.
Một cơ sở thẩm mỹ chỉ cần làm đẹp không vừa ý hay có đối thủ cạnh tranh khác chơi xấu, ngay lập tức vài trang cá nhân trên Facebook bóc phốt, mạnh hơn là sau đó hàng tá nhóm (group) cũng trên Facebook chửi rủa, bêu xấu với đủ tài khoản (nickname) thật ảo lẫn lộn. Một bệnh viện nước ngoài chữa bệnh cho bệnh nhân phát sinh tai biến, chưa biết đúng sai thế nào, nữ bệnh nhân lên mạng và rủ bạn bè chửi và những cái chửi, bóc phốt ấy lại lan tỏa nhanh, thu hút người xem, like (thích), share (chia sẻ). Ngay cả giới làm báo gần đây cũng có một trang fanpage có tên “Bóc phốt Nhà báo” chuyên chỉ trích, chê bai cá nhân khá nhiều nhà báo.
Vị nữ doanh nhân trong phần đầu bài viết đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính vì những phát ngôn của bà về chính quyền một địa phương là không có căn cứ, thiếu chính xác, sai sự thật. Một bệnh viện có vốn nước ngoài đã chẳng đặng đừng khi kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại do bệnh nhân của mình viết trên Facebook cá nhân không đúng sự thật. Nhưng, những xử phạt ấy chẳng thấm vào đâu so với cảnh hàng ngày nạn nhân là cá nhân, tổ chức bị bóc phốt công khai và thậm chí, nhiều cá nhân dùng bóc phốt, chửi bới làm công cụ để họ nổi tiếng trên mạng, để thu hút lượt xem (view), like và dần dà những kẻ bóc phốt ấy có thể hái ra tiền từ mạng xã hội, chẳng hạn mạng chia sẻ video YouTube trả cho các lượt view.
Nhiều người lập luận rằng nếu có kẻ lên mạng chửi bới, vu khống, bóc phốt mình thì có thể kiện ra tòa như bệnh viện vừa nói hay có thể nhờ cậy cơ quan chức năng làm trọng tài xử phạt hành chính. Nhưng khổ nỗi, công chúng lâu nay chỉ thấy cơ quan quản lý gần như đa phần chỉ xử phạt các trường hợp chửi bới, vu khống có liên quan tới cán bộ, cơ quan nhà nước; còn dân hay doanh nghiệp thì đành phải cậy nhờ tòa án, nhưng không phải ai cũng kiện ra tòa dễ dàng như kẻ bóc phốt nhảy lên mạng chửi.
Không ít người cho rằng giới trẻ, cộng đồng mạng hiện nay đang khủng hoảng niềm tin khi hàng ngày, hàng giờ người dân dễ dàng mở điện thoại ra để xem bóc phốt mọi lúc, mọi nơi; kẻ nói phải, người nói trái không biết đâu mà lần.
Một liều thuốc mạnh để trị dứt điểm căn bệnh "bóc phốt" trước tiên phải từ các cơ quan luật pháp cũng như cơ quan quản lý văn hóa, truyền thông. Nhưng có lẽ để tác dụng của thuốc mạnh hơn, hiệu nghiệm hơn phải là ý thức từ mỗi người cũng như thái độ đúng của xã hội trước các hành vi bêu rếu vô căn cứ này.