“Kính phục người nông dân các bạn!”
Thu hoạch cà phê tại một trang trại ở Đắk Lắk -Ảnh: KINH LUÂN |
(TBKTSG)- Giáo sư Ikemoto, trường Đại học Tokyo đến Buôn Ma Thuột nghiên cứu về cây cà phê Việt Nam trong đợt lễ hội cà phê vừa qua đã nói một cách chân thành “Tôi kính phục nông dân các bạn!”.
Chẳng là tại cuộc hội thảo hôm đó ông đã nghe đại diện của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nói về sự tôn trọng chữ tín của nông dân trồng cà phê. Dù gặp rất nhiều khó khăn họ vẫn cố gắng trả món nợ 517 tỉ đồng cho ngân hàng. Họ đi đến ngân hàng bằng xe máy cày và xe gắn máy. Trong khi đó một số doanh nghiệp nhà nước, cũng kinh doanh cà phê, sau một thời gian làm ăn thua lỗ đã xin Nhà nước khoanh nợ, khất nợ và sau đó lại tiếp tục xin vay để hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp này đến ngân hàng bằng xe hơi.
Có tiếp xúc với những người dân địa phương mới thấy được sự cơ cực của nông dân. Đầu vụ cà phê người dân đi mua phân bón phải chịu lãi suất lên đến 2,2 %/tháng. Chị Trần Thị Nhiên năm nay trồng 1 héc ta cà phê, thu hoạch được 2 tấn, bán chừng 50 triệu đồng. Khi thu hoạch xong trả cả vốn lẫn lời cho các chủ vựa phân bón, thuốc trừ sâu chừng 18 triệu đồng, trả tiền mua phân chuồng chừng 10 triệu, tiền nước 3 triệu rưỡi. Công thu hoạch phải trả lên đến 85.000 đồng một ngày. Số tiền còn lại chẳng được bao nhiêu mà phải chi tiêu trong cả năm cho gia đình gồm hai vợ chồng và hai người con.
Giá như người nông dân và các công ty kinh doanh cà phê có ký kết khế ước mua bán cà phê chất lượng cao thì các doanh nghiệp cũng đỡ vất vả trong việc tìm kiếm nguồn hàng. Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn An, Tổng giám đốc Công ty Thái Hòa, tỏ ra lo lắng vì sợ không đủ cà phê chất lượng cao cho những đơn hàng đã ký với Nhật, vì niềm tin đối với người nông dân vẫn chưa được xác lập.
Diện tích cà phê cả nước hiện nay lên đến hơn 500.000 héc ta, giá trị xuất khẩu chừng 2 tỉ đô la mỗi năm. Nhưng nếu không khống chế diện tích, tiếp tục nhắm đến sản lượng thì giá cả sẽ đi xuống gây nhiều thiệt hại. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên có giải pháp để hỗ trợ nông dân tìm một đầu ra khác như trồng cây ca cao chẳng hạn, nhằm giảm bớt rủi ro. Hiện tại, cứ vào vụ thu hoạch, nạn trộm cắp lại hoành hành, nhất là những nơi có chất lượng cà phê cao. Nông dân đành phải hái cà phê còn xanh khiến chất lượng không đảm bảo.
Muốn giúp nông dân bớt nghèo cần có sự chọn lọc, kiểm tra phân loại cà phê theo nguyên tắc của thị trường. Điều này, tổ chức UTZ Certified (hoạt động với tiêu chí giúp đỡ nông dân nghèo và bảo vệ môi trường) đã có những hướng dẫn rất cụ thể và đến nay đã có 18 công ty tại Việt Nam làm theo những quy định này.
Tuy vậy người nông dân vẫn khốn khổ vì cái khó bó cái khôn. Mặc dù các công ty có phương thức hỗ trợ nông dân để hai bên cùng có lợi bằng cách gửi cà phê vào kho chờ giá cao mới bán ra thị trường, chẳng hạn như Công ty Cà phê Tháng Mười, tuy nhiên, số lượng cà phê đạt yêu cầu 95% hạt chín đều, đúng kỹ thuật rất thấp, chỉ tập trung ở một số ít nông trường. Hiện nay tại Việt Nam có 18 công ty sản xuất cà phê được chứng nhận UTZ Certified, còn Brazil con số được chứng nhận lên đến 161 công ty.
Gần đây, có một hướng ra mới cho người nông dân trồng cà phê là nuôi chồn hương. Thức ăn cho chồn là cà phê chín đỏ, sau một thời gian được ủ trong dạ dày, chồn hương bài tiết hạt cà phê, sau đó được tẩy trùng, chế biến với mùi rất đặc trưng. Người nông dân đã hợp tác với doanh nghiệp chế biến cà phê loại này và giá tại hội chợ lên tới 1 triệu đồng một ký.
Chúng tôi mua loại cà phê đặc biệt này và sau đó được hướng dẫn xem nơi nuôi chồn hương lấy cà phê cách thành phố Buôn Ma Thuột chừng 60 ki lô mét. Như là một tín hiệu mới, một mùi hương hy vọng mang đến một phân khúc thị trường mới cho những người nông dân Việt Nam. Trên mạng Internet, một số công ty tại Indonesia rao bán cà phê chồn robusta với giá 59 đô la Mỹ/100 gam, còn 100 gam cà phê chồn arabica có giá 71 đô la Mỹ.
Giá như trong hội thảo tại Buôn Ma Thuột có mặt hiệp hội của những người trồng cà phê! Nếu hiệp hội được thành lập sẽ tạo điều kiện hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, thông tin để giúp tăng năng suất, hạ giá thành, giúp bà con trồng cà phê có chất lượng cao, nhằm tăng lợi thế cạnh tranh. Qua hiệp hội, người dân dần dần có thể tích tụ đất trồng cà phê, hình thành những trang trại, từng bước chuyên môn hóa sản xuất...
Bộ nguyên tắc của UTZ Certified đề ra cho các doanh nghiệp sản xuất cà phê cần vươn tới, ngoài việc kinh doanh tốt đòi hỏi phải có tiêu chí xã hội và tiêu chí môi trường. Giá trị cà phê Ban Mê càng có ý nghĩa nhân văn hơn và thuyết phục được người tiêu dùng trên thế giới hơn khi chính quyền địa phương, người chế biến và tiêu dùng cà phê cùng chung sức hợp tác và giúp đỡ cho người lao động sản xuất tốt. Một chút hỗ trợ từ gói kích cầu của Chính phủ giúp giảm bớt rủi ro cho người trồng cà phê cũng là một giải pháp cần được tính đến.
TRẦN ĐÌNH LÂM (*)
(*) Tác giả làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam Đông Nam Á, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM