Công nghiệp không khói TPHCM: Vẫn thiếu lửa
Nhiều người đang chờ những hành động cụ thể và kịp thời từ ngành du lịch thành phố để giúp giữ và thu hút thêm nhiều khách quốc tế - Ảnh: Mộng Bình |
(TBKTSG Online) - Hành động chậm chạp, chính sách đi sau thực tế, thiếu tính sáng tạo... là những lời than phiền mà các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch, khách sạn tại TPHCM dành cho cơ quan quản lý ngành, trong bối cảnh đang TPHCM kêu gọi tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp không khói này trong cơ cấu nền kinh tế.
Cuộc họp họp giữa cơ quan quản lý ngành du lịch với đại diện của các khách sạn và công ty du lịch trên địa bàn thành phố tuần qua là một trong những ví dụ tiêu biểu cho câu chuyện trên.
Sau cuộc họp, Trưởng phòng quản lý khách sạn và du lịch của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch là ông Trương Vĩnh Thọ thông báo có 30 khách sạn từ 3-5 sao tại thành phố đã đồng ý sẽ giảm giá phòng ít nhất 30% trên mức giá công bố để tạo điều kiện cho các công ty lữ hành giảm giá tour. Việc này ngoài mục tiêu thu hút khách quốc tế mà còn là giải pháp giúp ngành du lịch duy trì tăng trưởng.
Hành động chậm chạp
Ngay sau cuộc họp trên, đại diện nhiều khách sạn than rằng bây giờ mới họp lại và rồi thông báo giảm giá phòng là quá trễ vì nhiều khách sạn hàng đầu tại thành phố đã có chính sách giảm giá phòng trong ngắn hạn từ mấy tháng trước rồi, ngay khi khủng hoảng tài chính bắt đầu nổ ra tại Mỹ.
Giám đốc truyền thông của một khách sạn 5 sao tại TPHCM (không đồng ý tiết lộ tên) nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng nhiều khách sạn đã giảm giá ngay từ mùa thấp điểm (quí 2 và 3-2008) khi nhận định tình hình kinh doanh sẽ khó khăn hơn so với năm 2007, vì lượng khách quốc tế đến Việt Nam có dấu hiệu giảm sút trong năm 2008 và năm nay.
Vị giám đốc này nói ngoài việc đã giảm giá phòng trung bình khoảng 50 đô la Mỹ cho mỗi phòng/đêm, các khách sạn còn đưa ra các giá khuyến mãi theo mùa, tùy theo dự báo về lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tình hình kinh tế thế giới.
Theo đại diện này, vì các khách sạn đã giảm giá và xem xét các chính sách về mức giá phòng từ tháng 9-2008 nên trong chương trình giảm giá phòng do ngành du lịch đưa ra có thể không có nhiều khách sạn hàng đầu tại TPHCM tham gia.
Ông John Garner, Tổng giám đốc của khách sạn 5 sao Caravelle, không xác nhận là có tham gia vào chương trình giảm giá phòng hay không nhưng nói rằng “chúng tôi sẽ xem xét và đánh giá tính hiệu quả của các đề xuất này trước khi đưa ra quyết định”.
Ông Garner chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng một số khách sạn quốc tế lớn có thể không tham gia vào các chương trình khuyến mãi (do TPHCM và cả Tổng cục Du lịch Việt Nam đưa ra) vì họ đã có các chương trình riêng của mình.
"Không phải cứ giảm giá phòng là có thể thu hút được nhiều khách, và không phải lúc nào khách cũng lựa chọn nơi lưu trú là vì giá rẻ. Việc giảm giá phòng đôi khi chỉ có lợi cho một số công ty du lịch", ông Garner nói. Ông đề xuất rằng chương trình chỉ thực sự hiệu quả nếu các khách sạn bán giá phòng giảm cho các công ty du lịch có uy tín và biết hợp tác.
Vấn đề mà ông Garner đặt ra khiến nhiều người băn khoăn về tính hiệu quả của chương trình - khi mà ngành du lịch thành phố đã thuyết phục được khoảng 30 khách sạn giảm giá phòng. Các chuyên gia trong ngành cho rằng có thể danh sách các khách sạn tham gia chương trình giảm giá này thuộc hệ thống khách sạn của các đơn vị có vốn chi phối của nhà nước.
Nhiều doanh nghiệp nhận định rằng cơ quan quản lý nhà nước dường như vẫn chậm hơn khối tư nhân trong việc đưa ra các sáng kiến và thực hiện các chương trình quảng bá và xúc tiến du lịch. Bên cạnh đó, vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước với các công ty tư nhân trong ngành. Hậu quả của sự liên kết lỏng lẻo này là vẫn mạnh ai lấy làm, và hậu quả là giá tour của các chuyến du lịch Việt Nam bị đẩy lên cao nên khiến Việt Nam là điểm đến lần đầu và cũng là duy nhất đối với nhiều du khách quốc tế.
Du lịch tại Việt Nam vẫn quá đắt đỏ
Giá phòng khách sạn cao và những vấn đề khác đã làm giảm tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các nước khác- Ảnh: Mộng Bình |
Chính ông Baron R. Ah Moo, Trưởng nhóm công tác về du lịch (thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam) đồng thời là Tổng giám đốc của Công ty đầu tư khách sạn và khu nghỉ dưỡng Indochina, nói Việt Nam được biết như là một điểm đến đắt đỏ.
Ông nói: “Giá phòng cao tại các khách sạn ở TPHCM và Hà Nội cùng với nạn kẹt xe, thiếu các phương tiện vận chuyển công cộng, việc xếp hạng không hợp lý các khách sạn dẫn đến chất lượng dịch vụ thấp. Điều này đã khiến cả khách thương gia lẫn khách du lịch chọn các điểm đến khác trong khu vực thay vì chọn Việt Nam”.
Trên thực tế, hiện Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist đang chào bán tour đi Thái Lan 6 ngày với giá chỉ 299 đô la Mỹ/khách, khởi hành từ TPHCM trong tháng 1-2009. Còn ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Du lịch nước ngoài của Fiditour, nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng công ty này đang chào bán tour du lịch trọn gói 6 ngày đi Malaysia và Singapore với giá khoảng 475 đô la Mỹ.
Liệu với các mức giá trên du khách quốc tế có thể đi một chuyến du lịch với thời gian tương tự tại Việt Nam? Các chuyên gia cho rằng số tiền trên có thể chỉ đủ để trả tiền vé máy bay và trả tiền phòng khách sạn.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Giám đốc của Tổng cục Du lịch Thái Lan tại TPHCM, ông Pichai Raktasinha nói rằng tour đến Thái Lan có giá hợp lý như thế vì có sự phối hợp, liên kết giữa các cơ quan, công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ, từ hàng không, khách sạn đến các trung tâm mua sắm…, và lợi nhuận sẽ được chia một cách hợp lý dựa trên sự đóng góp của họ.
Ngành du lịch Thái Lan có thể sẽ không đón được 15 triệu du khách trong năm 2008 (tăng 3 triệu du khách so với năm 2007 như kế hoạch đã đề ra) bởi những khó khăn đến từ sự bất ổn nội tại, nhưng những gì mà họ đã làm thật đáng để ngành du lịch Việt Nam học hỏi.
Còn nhớ, chỉ sau vài ngày sân bay quốc tế Suvarnabhumi (Bangkok) được mở cửa trở lại sau cuộc phong tỏa của những người biểu tình thì Tổng cục Du lịch Thái Lan đã bắt tay ngay với hãng hàng không giá rẻ hàng đầu khu vực là AirAsia để tung ra 100.000 vé miễn cước (khách chỉ phải trả phụ phí và thuế) cho các chuyến bay của hãng tới Bangkok.
Về phía Việt Nam, vào cuối năm 2008, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng công bố rằng sẽ thực hiện chương trình khuyến mãi và quảng bá du lịch Việt Nam vào đầu năm 2009, nhưng đến giờ nhiều người vẫn chưa biết khuyến mãi như thế nào và quảng bá ra sao.
Dự kiến, Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF) sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 đến 12-1-2009 nhưng đến giờ các thông tin về sự kiện có quy mô lớn nhất trong khuôn khổ hợp tác du lịch ASEAN này vẫn còn rất thưa thớt trên các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam.
Đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam đứng ra đăng cai ATF và Hội nghị Bộ trưởng du lịch ASEAN, và là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam quảng bá hình ảnh con người và đất nước đến các thị trường khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, với sự trầm lắng như hiện nay thì nhiều chuyên gia trong ngành đặt câu hỏi rằng liệu Việt Nam có thể tận dụng sự kiện quan trọng này để quảng bá đất nước một cách hiệu quả.
Hy vọng sự kiện trên sẽ giúp Việt Nam có thể thu hút 4,5 triệu du khách quốc tế, tăng khoảng 300.000 người so với năm ngoái, và TPHCM dự định sẽ đón khoảng 3,1 triệu trong số du khách này. Những con số này vẫn là rất nhỏ nếu so với số du khách quốc tế đến Thái Lan trong năm 2008 là khoảng 14 triệu người và Singapore là 9 triệu người.
ĐÌNH DŨNG - MỘNG BÌNH