Hanoimilk không chấp nhận giải trình của Bộ Y tế
Chuyển sữa Yili nhiễm melamine đi tiêu hủy - Ảnh: Thu Hương. |
(TBKTSG Online) - Hanoimilk không chấp nhận giải trình của Bộ Y tế sau khi bộ này cho rằng các kết quả kiểm tra melamine trong sản phẩm sữa Hanoimilk là theo đúng quy trình, theo đúng các thông tin do cơ quan kiểm nghiệm và doanh nghiệp cung cấp.
Hanoimilk phản ứng mạnh mẽ
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online qua điện thoại ngày 6-1, ông Trần Đăng Tuấn, Tổng giám đốc Hanoimilk nói: "Chúng tôi không chấp nhận những giải trình mà Bộ Y tế đưa ra và cho rằng bộ không công bằng trong việc công bố sản phẩm nhiễm melamine".
Trước đó, ông Nguyễn Công Khẩn, cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm khẳng định các mẫu sản phẩm sữa của Công ty Hanoimilk được công bố trước đây hoàn toàn khác với 20 mẫu được kiểm nghiệm và công bố vào ngày 16-12-2008, đó là 2 nguồn nguyên liệu sữa khác nhau. Như vậy, theo lời ông Khẩn, không có việc Bộ Y tế công bố tiền hậu bất nhất.
Tuy nhiên, trước lời giải thích trên, ông Tuấn đã bày tỏ sự không đồng tình. “Làm sao bộ khẳng định được Hanoimilk sản xuất trên hai nguồn nguyên liệu khác nhau, bộ phải chứng minh điều này. Khi cơn bão melamine ập tới, bộ cho phép doanh nghiệp tự kiểm tra và công bố chất lượng sản phẩm nhưng chính bộ lại phủ nhận kết quả đó”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn khẳng định toàn bộ các mẫu sữa mà công ty đem đi các xét nghiệm ở nhiều cơ sở trong nước và ngoài nước (Singapore) đều lấy ở cùng lô, cùng thời điểm sản xuất, làm sao có chuyện cùng một lô sữa lại có hai kết quả kiểm nghiệm.
Theo ông Tuấn, dù có chấp nhận kết quả giải trình của bộ hay không thì Hanoimilk đã thiệt hại rất lớn trong cơn bão melamine vừa qua. Con số thiệt hại nay đã lên trên 40 tỉ đồng, không chỉ khiến doanh nghiệp mà các hộ chăn nuôi bò sữa cũng gặp lao đao. "Trước đây, Hanoimilk thu mua 5 tấn sữa tươi mỗi ngày cho nông dân thì nay chúng tôi phải giảm bớt vì sản xuất kinh doanh khó khăn. Hiện tại, Hanoimilk phải tập trung cho việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm sữa sạch và an toàn đến người tiêu dùng và sắp xếp lại sản xuất", ông nói
Bộ Y tế phân trần
Bộ Y tế đã giải trình như sau, tại thời điểm trước ngày 11-12-2008, bộ đã công bố một số sản phẩm của Hanoimilk nhiễm melamine. Cụ thể là Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm hôm 3-10 công bố, hai mẫu sữa Hi-P sôcôla và sữa bột Whole milk 2 của Hanoi Milk đều nhiễm malemine với hàm lượng tương ứng là 150mcg/kg và 245mcg/kg.
Ngày 16-12-2008, để giúp doanh nghiệp lấy lại uy tín của thương hiệu và khẳng định chất lượng sản phẩm, thanh tra Bộ Y tế đã lấy và cho xét nghiệm 20 mẫu sữa của công ty Hanoimilk. Đây là các mẫu lấy từ các lô sản phẩm hoàn toàn khác đối với các mẫu đã công bố nhiễm melamine trước đây (3-10-2008). Kết quả, 20 mẫu này không bị phát hiện nhiễm melamine và sau đó Bộ Y tế đã hủy bỏ các quyết định đình chỉ lưu hành sản phẩm của Hanoimilk, chính thức cho phép sản phẩm được lưu hành trở lại trên thị trường.
Lý giải cho việc xét nghiệm và công bố lại các sản phẩm của Hanoimilk, ông Khẩn cho biết: việc Bộ Y tế đã lấy và cho xét nghiệm 20 mẫu sữa của Công ty Hanoimilk sau "cơn bão" melamine là giúp cho doanh nghiệp trong việc khẳng định chất lượng sản phẩm và lấy lại thương hiệu của doanh nghiệp. Đây là sự hỗ trợ mạnh mẽ của Bộ Y tế.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 5-1-2009, bộ đã kiểm tra melamine ở tất cả 1.266 mẫu thực phẩm, trong đó có 32 mẫu dương tính với melamine và 1.234 mẩu âm tính với melamine. Từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2008, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương đã triển khai đồng loạt các biện pháp cấp bách để nhanh chóng loại trừ sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, sản phẩm thực phẩm nhiễm melamin, không đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh ra khỏi thị trường. Theo đó, cơ quan chức năng đã thanh, kiểm tra được 14.428 cơ sở, phát hiện 423 cơ sở vi phạm... Trước thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm đáng báo động, Bộ Y tế hôm 2-1 đã ra quyết thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm là tổ chức trực thuộc Sở Y tế, giúp Giám đốc Sở Y tế tham mưu cho UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. |
THU HIỀN