Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chùa Khmer ở Sóc Trăng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chùa Khmer ở Sóc Trăng

Chùa Khleang. (Ảnh: SoctrangOnline).

(TBKTSG Online) - Sóc Trăng là vùng đất có nhiều chùa chiền, gần như là tỉnh có nhiều ngôi chùa nhất của ĐBSCL. Chỉ riêng ở các khu vực thuộc thị xã Sóc Trăng đã có trên 20 ngôi chùa. Hầu hết đều là chùa Khmer với lối kiến trúc mang đậm phong cách Khmer Nam bộ.

Chùa đối với đồng bào Khmer là rất thiêng liêng, là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cư dân. Ngôi chùa, ngoài việc dùng để cử hành các nghi lễ tôn giáo, còn là nơi lưu giữ các giáo lý nhà Phật; các tác phẩm văn học, nghệ thuật và là nơi diễn ra các lễ hội mang tính văn hóa đặc trưng của dân tộc này.

Chùa Dơi

Hai ngôi chùa được xem có niên đại xưa nhất ở Sóc Trăng là chùa Mã Tộc và chùa Khleang. Chùa Mã Tộc còn gọi là chùa Dơi, tọa lạc trên đường Lê Hồng Phong, phường 3, thị xã Sóc Trăng.

Chùa Dơi. Ảnh: TPD

Chùa được xây dựng vào thế kỷ XVI trên một giồng đất cao ráo, có không khí trong lành mát mẻ. Đến chùa Dơi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những đường nét kiến trúc nghệ thuật cổ kính của dân tộc Khmer qua những phù điêu, họa tiết, những bức tượng được làm rất tinh xảo và đẹp mắt.

Và đặc biệt khi đến đây, du khách sẽ được xem đàn dơi hàng ngàn con đang treo mình lơ lửng trên cây như đang làm xiếc. Trên đường đi Mỹ Xuyên, đến đường Lê Hồng Phong, nhìn sang bên phải chúng ta sẽ thấy tấm biển bằng xi măng thật to đề chữ “Chùa Mã Tộc”, từ đó vào khoảng 50m là đến di tích chùa Dơi.

Bên cạnh chùa là cả đàn dơi hàng ngàn con đàn đung đưa, treo lơ lửng trên những cành cây cao vút, loại dơi này rất to mà người dân gọi là dơi quạ, nằm đu mình bằng hai chân bám vào cành làm cho chúng ta có cảm giác như cây trái đang mùa sai quả. Vừa ngửa mặt lên xem, chúng ta có thể tưởng là những lá cây khô héo hay một thứ gì đó chứ không phải là dơi, vì chúng đậu thành đàn, nằm san sát bên nhau.

Phía sau chùa là những ngôi mộ của những chú heo 5 móng, vì dân gian cho rằng, nuôi heo 5 móng là điềm không tốt, là rủi cho nên không ai dám nuôi và ăn thịt chúng. Những gia đình nào có heo loại này thì thường đem vào gởi chùa nuôi. Cứ thế, chùa nuôi mãi đến khi heo chết thì làm mồ chôn và phía ngoài mộ có ghi tuổi thọ của heo hẳn hoi.

Hiện nay, trong chùa còn giữ được pho tượng đức phật bằng đá, tượng cao 1,5m và nhiều bộ kinh được viết trên lá cây mà dân gian gọi là “sách lá”. Trong chùa cũng rộng rãi, thoáng mát, được trang trí bằng nhiều bức họa trên tường nói về cuộc đời đức phật với nhiều màu sắc rực rỡ và đặc biệt là, khi chúng ta bước vào chùa sẽ được các vị sư ở đây đón tiếp rất thân thiện, châm trà mời khách uống, thăm hỏi…

Chùa Khleang

Chùa Khleang. Ảnh: TPD

Tọa lạc tại số 71 đường Mậu Thân, phường 6, thị xã Sóc Trăng. Vẻ đẹp chính của ngôi chùa là những đường nét, kiến trúc thể hiện phong cách đặc trưng của người Khmer ở Nam bộ.

Chùa Khleang là một ngôi chùa cổ gắn liền với truyền thuyết của địa danh Sóc Trăng, được xây cất vào khoảng 1533. Ban đầu, chùa được cất bằng gỗ, lợp lá, rồi sau mới xây dần bằng gạch và lợp ngói, với cách trang trí, đường nét kiến trúc rất đẹp.

Chùa Khleang nằm trên một sở đất rộng, không gian thông thoáng, xung quanh có nhiều cây xanh, tỏa bóng mát xuống khắp mặt sân, dưới mỗi gốc cây có đặt những băng ghế đá. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa còn có trồng nhiều cây thốt nốt. Cổng chùa được trang trí nhiều hoa văn, họa tiết, màu sắc rực rỡ mang đậm phong cách Khmer. Trên cổng còn có ba ngôi tháp nhỏ. Quanh chùa có đến ba vòng rào, tất cả đều bằng xi-măng và rực rỡ màu sắc. Vòng rào ngoài lớn rồi nhỏ dần vào trong, khoảng cách giữa các vòng rào rất rộng.

Bộ mái chùa được xây dựng theo hình thức tam cấp và mỗi cấp lại có 3 nếp. Nếp giữa lớn hơn nếp phụ ở hai bên và không có tháp nóc chùa. Xung quanh mái chùa được đắp phù điêu hình chim, thú cũng như những hình ảnh tượng trưng cho triết lý nhà phật. Toàn bộ mái chùa là cả một công trình kiến trúc đồ sộ và công phu, thể hiện được sự khéo léo, tỉ mỉ, sự hài hòa về màu sắc của những nghệ nhân Khmer xưa, tạo được một chỉnh thể vẹn toàn, thể hiện được quan niệm về phật, trời của người Khmer. 

Chùa Đất Sét  

Cây đèn cầy nặng 200kg ở chùa Đất Sét. Ảnh: TPD

Nằm cách thị xã Sóc Trăng khoảng 1 ki lô mét trên đường đi Đại Ngãi, chùa Đất Sét còn gọi là Bửu Sơn Tự (số 163, đường Lương Định Của), thị xã Sóc Trăng.

Chùa Đất Sét có tòa đa bảo gồm 13 tầng, 208 cửa, 208 vị phật, mỗi vị trấn một cửa, 156 con rồng uốn khúc chầu quanh đỡ từng mái tháp, tất cả cũng đều làm bằng đất sét.

Ngôi chùa này đã có hơn 100 năm tuổi và như tên gọi của chùa, hầu hết các tượng phật ở đây đều được làm từ đất sét. Từ tượng kỳ lân, long mã đến các tượng Diêu trì Kim mẫu, Ngọc hoàng Thượng đế… Đặc biệt, ở đây còn có 6 cây đèn cầy, mỗi cây nặng đến 200 ki lô gam, ước tính mỗi cây cháy liên tục suốt 60 năm.

Đây là ngôi chùa của một gia đình nên không có sư sãi ở, chỉ có những người trong họ chăm lo khói hương và giữ chùa. Người có công kiến tạo, xây đắp ngôi chùa được như ngày nay là ông Ngô Kim Tòng, người trụ trì đời thứ tư ở ngôi chùa này.

Chùa Chén Kiểu

Cũng tương tự như chùa Đất Sét, từ Sóc Trăng đi thẳng hướng theo quốc lộ 1, trên đường về Bạc Liêu cách thị xã Sóc Trăng khoảng hơn 10 ki lô mét, đến xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, du khách nên vào tham quan chùa Chén Kiểu để được chiêm ngưỡng sự tinh xảo trong việc trang trí ngôi chùa bằng những mảnh vỡ của chén kiểu, dĩa kiểu… của những nghệ nhân xưa.  

Điều đầu tiên gây ấn tượng là màu sắc sặc sỡ của ngôi chùa. Các cột được chạm khắc hoa văn, các đường viền được vẽ bởi nhiều màu sắc khác nhau mang đậm màu sắc văn hóa Khmer. Hai bên cổng là hai con sư tử bằng đá ngồi trên một bệ cao, mặt hướng ra lộ. Trên cổng có xây 3 ngôi tháp, tháp giữa lớn hơn, tất cả cũng được chạm khắc, đắp nổi các hình tượng mang tính biểu trưng cho văn hóa truyền thống của Khmer Nam bộ.  

Chùa Chén Kiểu. Ảnh: TPD

Khuôn viên chùa rất rộng, có nhiều cây xanh. Chính điện được cất rất cao so với mặt đất. Cũng như các ngôi chùa khác của người Khmer, mái nóc chùa Chén Kiểu cũng có 3 nếp, nếp dưới cùng lớn và nhỏ dần lên trên. Ở mỗi nếp đều có trang trí rất nhiều hoa văn, họa tiết, các tượng truyền thống của văn hóa Khmer.

Ở nếp trên cùng có hình tam giác, hai bên được trang trí đẹp như hai tấm thảm đang phơi mình lơ lửng giữa bầu trời mênh mông. Hai đầu đao ở hai bên cong vút lên cao. Mặt sau chính điện là một mảng tường được đắp nổi bởi nhiều mảnh chén kiểu trông rất sắc sảo và đẹp mắt.

Theo một vị sư ở đây, thì chùa Chén Kiểu trước đây được cất bằng lá, chùa được xây cất vào khoảng năm 1815 trên một nền đất rộng. Trong thời kỳ kháng chiến, chùa bị bom đạn làm hư hại nhiều nên đã được xây cất lại vào năm 1969 với hiện trạng như ngày nay và từ đó được gọi là chùa “Chén Kiểu”.

TRẦN PHỎNG DIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới