Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Yếu tố quyết định là khả năng cạnh tranh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Yếu tố quyết định là khả năng cạnh tranh

(TBKTSG) - Càng về cuối năm âm lịch, thông tin về tình trạng các doanh nghiệp cho nhân công nghỉ việc xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng với số người bị mất việc tăng lên từng ngày.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối tháng 12-2008, tại 14 tỉnh, thành phố các doanh nghiệp đã cho nghỉ việc gần 30.000 nhân công. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo, sẽ có thêm ít nhất 150.000 người bị mất việc làm.

Trong bối cảnh người lao động bị mất việc ngày càng tăng, tiền lương, thưởng tết giảm, các dịch vụ thiết yếu như điện, nước lại đang rục rịch tăng giá... chắc chắn sẽ tác động xấu đến sức mua của thị trường nội địa năm 2009. Tình hình đó đặt Chính phủ và cả cộng đồng doanh nghiệp trước yêu cầu phải có kế hoạch hành động cụ thể khôi phục sản xuất, công ăn việc làm và sức mua của thị trường, nhằm đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Đến nay, hầu hết trường hợp người lao động bị cho nghỉ việc đều rơi vào các công ty sản xuất hàng để xuất khẩu. Vì vậy, khuyến khích và trợ giúp để doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường nội địa là một giải pháp mà Chính phủ chủ trương thực hiện nhằm bù lại mất mát ở thị trường nước ngoài. Nhưng với khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp còn yếu như hiện nay, thì ý định chiếm lĩnh thị trường sẽ trở nên phi thực tế và ngay việc giữ được những gì hiện có cũng là thách thức lớn.

Hơn nữa, kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Chính phủ không thể dùng hàng rào thuế quan và phi thuế quan để bảo hộ sản xuất nội địa như trước. Nên dù ở thị trường nào, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ khác. Vì vậy, vấn đề cốt yếu để vượt qua khó khăn là bản thân doanh nghiệp phải tự cải tổ để nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh, nếu không muốn thất bại.

Về phía Chính phủ, vấn đề quan trọng hiện nay là sớm lên kế hoạch thực hiện chi tiết cho gói kích cầu tương đương 6 tỉ đô la Mỹ với mục tiêu chiến lược cụ thể; đề ra những giải pháp để chương trình được thực hiện nhanh chóng và đạt hiệu quả cao, tránh tâm lý ỷ lại vào Chính phủ của một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài một số mục tiêu đầu tư tổng quát đã được các chuyên gia kinh tế ủng hộ, như hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà ở xã hội... một số quan chức nhà nước còn đề xuất sử dụng một phần số tiền này để cứu những công ty đang có nguy cơ phá sản hoặc ngừng sản xuất. Trợ giúp những doanh nghiệp gặp khó khăn là điều cần làm, nhưng nếu không kèm theo yêu cầu phải cải tổ để nâng cao hiệu quả kinh doanh, thì sẽ phản tác dụng.

Thời gian qua, không ít công ty, tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước đề nghị Chính phủ cấp thêm vốn, giãn nợ hoặc khoanh nợ cho họ. Tuy nhiên, nếu xác định mục tiêu chính của kích cầu là tạo công ăn việc làm, đảm bảo thu nhập của đông đảo người lao động nhằm duy trì sức mua của thị trường thì nên chăng tập trung phân bổ gói trợ giúp cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực kinh tế tư nhân, chi cho nông thôn và an sinh xã hội.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới