Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ký sự… mùa cưới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ký sự... mùa cưới

(TBKTSG) - Hồi học năm cuối bậc trung học, tôi được chọn vào nhóm làm báo xuân của trường. Vui và... oai lắm! Được đọc bài viết của bạn học cùng lớp, cùng trường chẳng có gì thú vị bằng.

Trong lúc đọc bài, tôi bỗng giật mình thấy một bài thơ có tên “Mùa cưới” của anh bạn cùng lớp. Bài thơ lục bát cũng bình thường, nhưng hai câu cuối khiến tôi chú ý:

Đêm nay ánh lửa địa đàng

Sáng trong mùa cưới đưa tang một đời!

Hai câu thơ ấy, đến mãi bây giờ tôi vẫn nhớ, mỗi khi được mời đi dự tiệc cưới...

Đám cưới thời bao cấp

“Thế là sau bao nhiêu năm tìm hiểu, được sự động viên và cho phép của tổ chức, chính quyền địa phương và hai bên gia đình, hôm nay ngày lành tháng tốt, đôi trai tài gái sắc Thủy Tiên và Văn Một đã nắm lấy tay nhau bước vào lâu đài hạnh phúc... Xin tất cả quý vị có mặt trong “hôn trường” hôm nay cho một tràng pháo tay chúc mừng đôi bạn trẻ...”.

Trời! Thằng Văn Một bạn tôi là thủ kho xăng dầu đen như cục than mà trai tài cái nỗi gì? Con bé Thủy Tiên ngồi viết hóa đơn suốt ngày ở cửa hàng thực phẩm cao mét rưỡi mà có thể gọi là gái sắc hay sao! Anh chàng thư ký công đoàn tướng lùn tịt cứ nói ong ỏng và trật lất như thế, nhưng đám cưới nào ở cơ quan cũng được mời làm “Em Xi”. Đến lúc chương trình văn nghệ bắt đầu thì anh ta tha hồ nói nhăng nói cuội để gây cười. Chẳng hạn giới thiệu một bạn lên hát bài “Nổi lửa lên em”, thì anh mào đầu: Vợ chồng có dưới có trên, sau đây “nổi lửa lên em” một bài! Tôi ngồi trong hội trường công ty - mà anh ta gọi là “hôn trường” - như bao bạn bè khác, ăn mấy miếng bánh, uống chút nước cam và hút lia lịa vài điếu thuốc Vàm Cỏ mà thấy thương cho Văn Một và thương luôn cả tác giả những bài hát đó.

Mới hôm qua, Văn Một và Thủy Tiên còn chạy đôn chạy đáo đến cửa hàng công nghệ phẩm, mang theo giấy giới thiệu công ty, bản chính giấy chứng nhận kết hôn mới được bà cửa hàng trưởng “duyệt” cho mua năm két nước cam, ba ký bánh quy bơ, hai ký kẹo bi và một tút thuốc lá Vàm Cỏ (bản sao có xác nhận của cơ quan, cửa hàng cũng không chịu, vì sợ giả!). Nhìn nét chữ nguệch ngoạc của bà cửa hàng trưởng ghi trên mặt sau tờ hôn thú mới tinh của bạn mà tôi ứa nước mắt. Văn Một bảo: “Kệ họ, tao đem về bọc nhựa làm kỷ niệm cho con tao sau này nó coi!”.

Nhưng dù sao thì Văn Một và Thủy Tiên cũng còn sướng vì có chỗ ở đàng hoàng sau ngày cưới. Đó là ngôi nhà tôn của cha mẹ chú rể ở trong một con hẻm trong khu trung tâm Đà Nẵng.

Một đôi bạn khác ở Hà Nội, P. và B. lấy nhau mới khổ. Hai người cùng đồng hương Thanh Hóa, tốt nghiệp đại học ở Hà Nội, ăn ở tập thể. Sau ngày cưới, bố cô dâu là thủ trưởng một cơ quan cấp tổng cục xin được cho hai đứa một... nửa căn phòng tập thể rộng 12 mét vuông. Nửa phía trong là “sân chơi” của một đôi khác cưới trước họ mấy tháng. Tôi đến thăm, thấy hai cặp phân chia “giới tuyến” chỉ bằng một tấm màn vải hoa màu tim tím, chốc chốc lại phất phơ trước một cơn gió nhẹ, mà ái ngại cho bạn. Một hôm P. giải thích: “Được chỗ như thế là nhất rồi ông ạ! Còn chuyện ấy thì hai thằng đàn ông bọn tớ phải thỏa thuận chia phiên nhau. Hôm nào tới phiên chúng nó thì mình dắt vợ sang ông ngoại chơi. Đến phiên mình thì chúng nó nắm tay nhau tản bộ ra công viên...”.

Lại một bạn trai khác lấy vợ khi gia đình đang lâm vào cảnh khó khăn phải chạy gạo từng bữa. Trước ngày cưới, bà mẹ phải sang mượn người hàng xóm ba chỉ vàng để làm lễ vật rước dâu cho “nở mày nở mặt” với người ta. Ba ngày sau lễ cưới, hai vợ chồng trẻ tổng kết quà tặng, trừ các chi phí, chỉ còn đủ mua cho cô dâu một chiếc xe đạp đầm đi làm. Hai vợ chồng thất thểu mang ba chỉ vàng đi trả lại cho ân nhân và tặng kèm một cái thau nhôm còn bọc nguyên một tờ giấy hồng (cũng là quà tặng đám cưới) để đền ơn...

Chính những “lâu đài hạnh phúc” thời bao cấp đó đã khiến tôi nhớ câu thơ “Sáng trong mùa cưới đưa tang một đời” của người bạn học cũ dai đến vậy!

Chỉ là những lâu đài tưởng tượng thôi, chỉ là những “ánh lửa địa đàng” tự thắp lên trong tim thế hệ chúng tôi thời đó thôi. Nhưng nhờ trời, tất cả đã được vượt qua...

Đám cưới thời hiện đại

Hơn ba chục năm sau, chúng tôi đã làm cha làm mẹ và nhiều người đã làm... sui gia với nhau nữa. Thỉnh thoảng gặp nhau trong những đám cưới hoành tráng của bọn trẻ thời hiện đại, nhiều người thường nhắc lại tích cũ, một biểu hiện của... tuổi già như cách nói của một anh bạn.

Nghĩ cho cùng, những đám cưới bây giờ dưới mắt thế hệ chúng tôi đều như tiên cảnh cả.

Đôi tân lang - tân giai nhân phải được rước trên chiếc Limousine dài trắng toát, chạy khắp phố với một đoàn ô tô toàn loại xịn rồng rắn theo sau. Thợ quay phim chạy nháo nhào như các nhà báo đi săn hình chính khách! Cô dâu phải mấy kiểu tóc, mấy lượt đổi áo cưới, áo dạ hội cho phù hợp với mỗi tiệc. Trong từng bữa tiệc phải lên sân khấu đeo nhẫn cưới, rót rượu mời hai bên cha mẹ, phát biểu cám ơn, đi quanh chụp hình kỷ niệm và cụng ly... mướt mồ hôi hột! Còn chú rể thì sao? Chuyện kể, lúc mới hồi hương, ông Nguyễn Cao Kỳ có ra Đà Nẵng. Đến nhà hàng K. ăn trưa thì gặp một đám cưới. Ông hỏi chú rể bộ veston sang trọng đang mặc là thuê ở đâu? Chú rể trả lời rằng bây giờ ai cũng có vài ba bộ thế này, sao lại đi thuê! Ông Kỳ hết sức ngạc nhiên và nói rằng ở bên Mỹ nhiều năm, ông cũng ít thấy ai có những bộ cánh xịn như vậy!

Có thể chú rể ấy nói không sai. Nhưng đâu phải là tất cả! Một bộ veston coi được cũng đã 3-4 triệu đồng, số tiền không nhỏ đối với thu nhập của những thanh niên mới vào đời, nhất là khi cha mẹ họ thuộc giới cần lao. Nhưng dù sao đi nữa, ở các thành phố lớn bây giờ đã có cả một “công nghệ cưới” phục vụ cho con em chúng ta không thiếu thứ gì, dù nhỏ nhất.

Bạn cũ của tôi, Văn Một và Thủy Tiên ngày xưa giờ đã là chủ một doanh nghiệp tư nhân vào loại tầm tầm ở Đà Nẵng, vừa cưới vợ cho con trai. Ngoài lễ chính ở hai gia đình ngày hôm trước, thì ngày hôm sau là hai tiệc trưa, tiệc chiều ngót nghét 1.200 khách, cả bà con xa lẫn bạn bè và khách hàng làm ăn đến dự... Mỗi lần khai tiệc, lại phát biểu chào mừng; cô dâu chú rể lại... đeo nhẫn cho nhau và rót rượu mời hai bên “song thân phụ mẫu”! Nhẩm tính tổng chi phí đã có thể mua được một lô đất ở khu dân cư mới theo giá hiện nay. Nếu không có thu nhập khá, chẳng ai lo được món tiền lớn đó!

Một dự án... đám cưới

Cậu con trai của tôi đã trải qua... hai đời người yêu nhưng vẫn quyết chưa lấy vợ! Đọc lóm cái phóng sự tôi viết dở dang trên laptop, nó cười nói với tôi: Vậy khi con cưới vợ, ba tính sao? Tôi quay lại bảo nó, đại ý: Sẽ chọn một nhà hàng trung bình, có sân vườn, đi xe loại trung bình từ nhà đến nơi đãi khách. Nhạc tự biên tự diễn. Ba làm “Em Xi” tiệc khách, nói ngắn gọn những gì cần nói, không rồng rắn lung tung. Chỉ cám ơn khách và mời vào tiệc. Các thủ tục lễ nghi đã được làm ở nhà với sự có mặt của hai họ rồi, tránh lặp lại những trò như dâng rượu, đeo nhẫn qua lại... như đóng kịch, khó coi lắm... “Còn khách, mồi, đồ uống sao ba?”. Dễ ợt! Chia đều mỗi bên mời 200 khách là tối đa. Hai bên tự chọn lựa khách cho mình chứ không bạ đâu mời đó, mới biết nhau vài hôm cũng gửi giấy mời, tốn kém và hành hạ nhau! Còn mồi hả? Mỗi bàn sẽ có chiếc mâm gỗ, lót tấm lá chuối. Trên đó có mấy món: sắn luộc đập dập chấm muối mè, mít trộn, khoai lang ngào đường, dế nướng, cá tràu kho tộ, bánh tráng chấm mắm nêm... và cuối cùng là một tô mì Quảng Phú Chiêm lót bụng. Rứa là để nhắc nhớ hồi xưa ông bà, cha mẹ đã cực khổ như thế nào mà phải tần tiện và lo làm ăn. Như thế lại không đụng hàng với bất cứ tiệc cưới nào! Còn thức uống thì... tùy nghi sử dụng!

Nghe vậy, thằng quý tử lập tức rời khỏi phòng làm việc của tôi bằng tốc độ của một chiếc tên lửa và không quên nói với lại một câu xanh rờn: “Vậy thì ba cưới vợ cho ba đi!”.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới