Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Làng bánh chưng Thanh Khúc vào tết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làng bánh chưng Thanh Khúc vào tết

Làng bánh chưng Thanh Khúc vào mùa làm hàng tết - Ảnh: vovnews.vn

(TBKTSG Online) - Không khí tết đã đến sớm với làng nghề bánh chưng Thanh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội khi nơi đây đang bước vào mùa cao điểm làm bánh - một nghề truyền thống của làng mà cũng là kế sinh nhai cho hàng trăm hộ dân.  

Từ đầu tháng Chạp, cả làng Thanh Khúc đã nhộn nhịp cảnh nấu bánh chưng chuẩn bị cho tết. Trên con đường chính của làng, từng chuyến xe vận chuyển lá dong và bánh chưng thành phẩm ra vào tấp nập, khách đến làng dễ dàng bắt gặp hình ảnh các gia đình phân công công việc, người chẻ lạt, người rửa lá, ngâm gạo, giã đậu, gói bánh...

Nhộn nhịp làng bánh vào mùa

Làng không có sẵn lá dong, nhà nào cũng mua lá dự trữ nên ngoài sân, trên hè và trong nhà đâu đâu cũng xanh một màu lá. Theo nhiều người, lá dong chuyển về Thanh Khúc được mua từ Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang… và phải là lá dong nếp mới để đảm bảo có màu sắc đẹp và hương vị cho bánh chưng.

Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thôn Văn Khúc (xã Duyên Hà), ông Đặng Tiến Lễ nói rằng, bước vào mùa làm bánh chưng tết thì nhà nào cũng bận rộn hơn rất nhiều.

Anh Nguyễn Minh Tần, chủ một gia đình có gần chục người làm bánh, vừa chẻ lạt vừa cho biết: "Làm nghề này vất vả nhưng cũng nhiều cái vui, gần tết nhiều hàng phải giao nên tôi tính phải thuê thêm 7 đến 8 người làm nữa mới có đủ hàng bán". Theo anh Tần, càng gần tết, lượng khách đến đặt hàng ngày càng đông. Người đặt bánh chủ yếu là chủ các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, và có cả khách nước ngoài.

Lá dong chuyển từ nơi khác về làng bánh chưng Thanh Khúc tấp nập trong những ngày cận tết - Ảnh Thoa Nguyễn

Một số người dân tìm đến tận làng để đặt bánh và để nhìn tận cảnh vào mùa làm bánh tại một làng nghề cổ truyền. Nhiều người đặt mua bánh sống để cận tết mang về cả nhà cùng luộc bánh. Theo một khách hàng là anh Ngọc ở quận Hoàn Kiếm thì việc luộc bánh chưng ở nhà tạo cảm giác ấm cúng.

Thời điểm này, mỗi gia đình trong làng có thể làm được 1.000 chiếc/ngày. Để nấu được lượng bánh lớn như vậy, nhà nào cũng chuẩn bị từ 4 đến 5 bếp lò cực đại, những chiếc thùng tôn dày, lớn có thể chứa được 300 đến 400 chiếc, được thiết kế riêng cho việc nấu bánh chưng.

Bánh chưng được làm với nhiều loại nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng, có nhiều mức giá như 15.000 đồng, 20.000 đồng, 30.000 đồng và 50.000 đồng/chiếc.

Ông Phạm Văn Ngạch, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thôn Văn Khúc cho biết, giá bánh năm nay không tăng so với năm ngoái và hầu hết các gia đình đều làm không đủ bánh để bán.

Tạo dựng thương hiệu

Hiện tại cả làng bánh chưng Thanh Khúc có 215 hộ làm bánh, đây là nghề chính của người dân nên ai cũng muốn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm truyền thống của làng. Năm 2007, được sự hỗ trợ của Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công Thương) và UBND huyện Thanh Trì, người dân làng Thanh Khúc đã tham gia xây dựng đề án tạo thương hiệu cho sản phẩm của làng với tên gọi “làng nghề bánh truyền thống Thanh Khúc”.

Chị Nguyễn Phương Linh gói bánh không cần khuôn - Ảnh: Thoa Nguyễn

Năm 2008, được sự hỗ trợ về tài chính của UBND huyện Thanh Trì và UBND xã Duyên Hà, làng đã trang bị thêm nhiều thiết bị như máy hút chân không (để bảo quản sản phẩm), máy in mã số, mã vạch gắn vào bao bì sản phẩm. Mục đích của đề án là đưa bánh đến tay người tiêu dùng theo phương thức hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn và đạt chất lượng.

Dù làm theo phương thức nào, các quy trình sản xuất bánh chưng vẫn được đảm bảo theo bí quyết và trình tự làm nghề. Chị Khoát, người có 29 năm làm bánh chưng trong làng cho biết, muốn bánh xanh và ngon, lá dong phải ngâm nước ít nhất 30 phút, sau đó rửa thật sạch, cắt bỏ bớt cuống cho lá đỡ cứng, để ráo nước. Nhân bánh làm từ thịt ba chỉ, thịt vai phải nửa nạc nửa mỡ, gạo nếp mới thu hoạch, đỗ xanh nấu chín, giã nhuyễn; lúc gói phải chặt tay, lửa phải đun đều và đun đủ thời gian khoảng từ 7 đến 8 giờ đồng hồ.

Đặc biệt, thay vì gói bánh bằng khuôn, tất cả các loại bánh làm ra đều được người dân làng bánh Thanh Khúc gói tay mà bánh vẫn vuông và đều.

Chưa đến Tết Nguyên đán nhưng bánh chưng Thanh Khúc đã đến với nhiều gia đình, mang theo lời chúc năm mới của những người dân làng nghề ở một xã nhỏ ngoại thành Hà Nội.

THOA NGUYỄN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới