Tân Tổng thống Mỹ cam kết những thay đổi cho nền kinh tế
Barack Obama, Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ tuyên thệ nhậm chức (Ảnh: Reuters) |
(TBKTSG Online) - Đám đông người dân và quan khách đã đổ về thủ đô Washington để chứng kiến giờ phút trọng đại: Barack Obama, Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ, đặt tay lên cuốn kinh thánh và đọc bài phát biểu nhậm chức.
Cởi mở và bình yên
Từ sáng sớm, hệ thống tàu điện ngầm của Washington bắt đầu lịch trình đặc biệt cho khoảng 2 triệu người đổ về khu trung tâm, một con số kỷ lục từ trước tới nay.
Buổi lễ được diễn ra tại Điện Capitol, trông ra Nhà Trắng nơi có tượng đài các cựu Tổng thống Mỹ như George Washington và Abraham Lincoln.
Barack Obama, vị tổng thống Mỹ gốc Phi cam kết một lễ nhậm chức an toàn và cởi mở nhất lịch sử nước Mỹ. Lần đầu tiên, khu vực National Mall, phía trước Đồi Capitol, được mở cửa tự do cho tất cả mọi người, kể cả những người không có vé mời.
Dân chúng có thể theo dõi toàn bộ diễn biến của buổi lễ thông qua các màn hình cực lớn được bố trí khắp nơi. Hàng loạt cuộc diễu hành tưng bừng trên đại lộ Pennsylvania, kéo dài từ chân đồi tới Nhà Trắng. Các ban nhạc diễu hành, đoàn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên do Ủy ban nhậm chức tổng thống tuyển chọn vừa diễu hành vừa nhảy múa.
Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh cho buổi lễ, một số khu vực bị phong tỏa và tăng cường cảnh sát tuần hành.
“Sứ mệnh cứu nước Mỹ của tôi”
Bài phát biểu kéo dài không đầy 20 phút với những lời lẽ gãy gọn mang lại không khí lạc quan cho cả nước Mỹ. Người dân đã đặt niềm hy vọng lớn lao vào vị tổng thống với lời hứa sẽ đem lại giải pháp trước các vấn đề của nước Mỹ.
Xung quanh sự kiện này, nhiều tờ báo lớn đã trích dẫn lại câu nói lúc đắc cử của Obama: “Sứ mệnh cứu nước Mỹ của tôi”.
Thách thức đầu tiên của vị tổng thống thứ 44 này là đi tìm công việc cho hơn ba triệu người Mỹ đã và sẽ mất việc làm do suy thoái kinh tế.
Ngoài ra, vị tân Tổng thống Mỹ còn phải thúc đẩy người Mỹ quay lại thói quen tiêu dùng -động lực phát triển của nền kinh tế lớn nhất thế giới và ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế khác.
Đông đảo người dân tụ tập tại Công viên quốc gia tại thủ đô Washington trước giờ tân Tổng thống Mỹ tuyên bố nhậm chức - Ảnh: AP |
Tân Tổng thống Mỹ Barack Obama đã làm lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 20-1, trở thành tổng thống thứ 44 với nhiều hy vọng rằng kế hoạch kích thích kinh tế của ông có thể giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới này vượt qua cơn khủng hoảng tài chính.
Chính phủ của ông Obama cam kết sẽ buộc các quỹ cứu trợ kinh tế hoạt động có hiệu quả để kích thích người tiêu dùng và các tập đoàn kinh tế đồng thời sẽ sớm tuyên bố những thay đổi trong phần nửa thứ hai kế hoạch giải cứu ngân hàng trị giá 700 tỉ đô la Mỹ của Washington.
Vị tổng thống thứ 44 của Mỹ này cũng sẽ làm việc với các nghị sĩ để tiến hành kế hoạch kích thích tài chính trị giá 825 tỉ đô la Mỹ trong hai năm, bắt đầu từ giữa tháng 2-2009.
Trong khi đó, các số liệu kinh tế và tin tức về việc các tập đoàn tinh giản bộ máy và cắt giảm quy mô trước buổi lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ là những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu có vẻ như ngày càng tồi tệ.
Chính phủ Nhật Bản hôm 20-1 cho biết, chỉ số tiêu dùng của nước này đã rơi xuống mức thấp lịch sử kể từ năm 1982.
Trong khi đó, cùng ngày, Toyota công bố tên người sẽ điều hành nhà sản xuất xe hơi hàng đầu Nhật Bản, Akio Toyoda – cháu trai của người sáng lập ra Toyota. Sự thay thế này nhằm mục đích đưa Toyota vượt qua cơn khủng hoảng.
Hôm 19-1, Chính phủ Anh cũng công bố một kế hoạch giải cứu ngân hàng trị giá hàng tỉ bảng Anh. Đây là kế hoạch thứ hai kể từ tháng 10-2008 và đối tượng của lần giải cứu này là Royal Bank of Scotland (RBS).
RBS cho biết ngân hàng này đã thua lỗ 28 tỉ bảng Anh trong năm 2008 – mức thua lỗ lớn nhất trong lịch sử các tập đoàn tài chính ở Anh.
Tuần trước, Anh vừa xác nhận, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này lần đầu tiên rơi vào khủng hoảng kể từ năm 1992.
MỸ HẠNH - MAI TRANG (tổng hợp)