Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Con trâu… ăn tết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Con trâu… ăn tết

Hình ảnh đàn trâu, nọc rơm, bụi tre trúc và mục đồng chăn trâu ở đường hoa Nguyễn Huệ tết Kỷ Sửu - Ảnh: Gia Trìu

(TBKTSG Online) – “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết bò”, đó là câu nói dân dã cho suông của người dân đồng lúa Tuy Hòa quê tôi chứ thực ra là cho cả trâu, bò cùng ăn tết, như một cách mà người nông dân cảm ơn con vật gắn bó với đời sống, sản xuất của mình.  

Thường thì cứ tới sáng sớm mùng ba tết, những nhà nào có nuôi trâu bò tổ chức cho trâu bò nhà mình ăn tết khá xôm tụ. Cũng một mâm cúng nhưng không có thịt cá mà là bánh ngọt, ít trái cây nhưng những thứ không thể thiếu là bánh tét và những tờ giấy vàng bạc.  

Ngày tết thì trẻ con chăn trâu lo đi chơi tết nên trâu bò chỉ ăn rơm khô trong nọc, hay đụn rơm cạnh chuồng bò có hình dáng như mấy đụn rơm mà người ta hay làm mẫu ở đường hoa Nguyễn Huệ ở Sài Gòn. Tuy nhiên, ngày mùng ba, trâu bò trong chuồng được “ưu tiên”, được trẻ con chăn trâu hay gia chủ kiếm giỏ cỏ tươi, ngon hơn nữa là bó mầm mía (cây mía non cao độ nửa thước trở xuống). Nhà nào khá giả hay trâu bò dùng để kéo xe (cộ trâu bò) vốn được chăm sóc kỹ lưỡng hơn trâu bò cày ruộng thì được một xô bột sắn pha với nước đường cục, chứ không phải đường cát như ở thành phố.  

Lúc nhỏ, nhà tôi nuôi khá nhiều trâu bò, cứ tới mùng ba tết, ba tôi mang mâm cúng ra chuồng trâu thắp nhang, khấn lạy cầu mong mấy con trâu bò nhà mình năm mới cày kéo giỏi, ít bệnh tật. Còn tôi thì lo lấy cỏ tươi hay mầm mía bỏ vào máng ăn cho trâu. Nhìn con trâu ăn cỏ ngon lành mà thấy thương làm sao! Tàn nhang, ba tôi dành cho tôi, người gần gũi nhất với trâu bò trong nhà, hay chăn trâu, cắt cỏ cho trâu, được phép dán miếng giấy vàng bạc lên sừng trâu, sừng bò, rồi dán lên ở cổng chuồng, dán lên mấy cây róng (thân cây gỗ tròn dài làm thành tường cho chuồng trâu), như một cách để bảo vệ trâu bò, chuồng bò khỏi bị tà ma, bệnh tật tấn công.  

Bây giờ quê tôi trâu bò ít dần, một phần vì đồng cỏ chăn thả bị thu hẹp, một phần thì cày bừa được thay bằng máy. Cộ trâu bò dùng kéo lúa, phân bón, hay gạch ngói phổ biến trước năm 1990 của thế kỷ trước cũng giảm dần nhờ xe công nông hay xe tải nhẹ đầy rẫy trong thôn xóm.  

Bò thì may ra còn nuôi nhiều nhờ dễ nuôi, dễ bán thịt chứ thịt trâu người tiêu dùng kén chọn hơn. Rồi con trâu vốn thích hợp cày ruộng sâu, bùn nhiều và thường xuyên ngập nước, nay những cánh đồng sâu ngày trước cũng không còn nhờ hệ thống thủy lợi đan kín cánh đồng, vậy nên con trâu cũng ít dần, cả thôn chỉ còn vài ba con.  

Cả thôn hàng trăm hộ dân ngày trước gần như nhà nào cũng có chuồng trâu bò, nhà càng khá giả thì trâu bò càng nhiều, có khi cả bầy hàng chục con. Nay chỉ còn vài nhà còn chuồng bò và trong chuồng có đôi con trâu, bò nuôi bằng cỏ trồng và thức ăn công nghiệp và dùng để bán thịt cho các lái trâu bò chở vào Sài Gòn.  

Tết này tôi thay ba cúng trâu bò trong chuồng, con gái tôi dân thành phố cứ trố mắt nhìn, xuýt xoa con trâu, bò ăn cỏ trông dễ thương làm sao. Tôi bảo con tôi cố gắng nhìn con trâu cho thật kỹ để về thành phố kể cho bạn bè trong lớp nghe hoặc nếu cô giáo có ra đề bài tả con trâu hay bò thì biết đường mà tả chứ chắc nay mai, liệu nhà tôi, quê tôi, còn có con trâu nào không nữa.  

Con gái tôi đọc ở đâu không biết nhưng ra chuồng trâu cứ hỏi tôi tại sao người ta gọi là “ngu như trâu”, hay “đờn gảy tai trâu”?. Tôi mới kể cho cháu nghe chuyện hồi bằng tuổi cháu, tôi chăn trâu bò bên kia sông, thân thương tới mức mà cứ tới chiều, không có tôi, đàn trâu bò cũng tự động lội qua sông về nhà, hay tôi đi trước trâu bò tự động đi theo sau chứ không cần cầm roi quất vào mông trâu.  

Chuyện hồi nhỏ tôi kéo cộ bò chở gạch ngói mà con bò biết lui (de), hay chuyện tôi kéo cộ bò chở gạch ngói ra tận thị xã Tuy Hòa (giờ đã là thành phố) xa tới 15 cây số, ban đêm khi kéo cộ không về, tôi nằm trên cộ ngủ, còn con bò cứ thủng thẳng tự tìm đường về tới nhà, húc sừng vào hàng rào cho ba tôi thức giấc ra kêu tôi dậy. Cháu tỏ vẻ không tin là sự thật nhưng biết làm sao được, cháu nào có gắn bó với trâu bò đâu mà biết, còn tôi gắn bó với con trâu, con bò từ năm 6 tuổi cho tới 18 tuổi.  

Về lại Sài Gòn nhưng trong đầu tôi vẫn còn hiển hiện chuồng trâu ở quê và thầm cầu mong vẫn còn có con trâu trong chuồng.  

HỒNG NGỌC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới