Vốn vay hỗ trợ lãi suất: Vẫn chờ người vay
Các ngân hàng đều đã chuẩn bị tiền dành cho vay theo Quyết định 131 - Trong ảnh là việc chuyển tiền vào kho tại Ngân hàng Vietcombank - Ảnh: Hồng Phúc |
(TBKTSG Online) - Một quan chức Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết ngày 12-2, số lượng các doanh nghiệp được vay vốn từ chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ rất ít. Hầu hết các ngân hàng mới chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn cho doanh nghiệp các thủ tục để được vay.
>> Hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động vẫn chưa đủ
>> Hỗ trợ lãi suất - liệu có giảm khó khăn cho người kinh doanh?
Các ngân hàng đã sẵn sàng hàng ngàn tỉ đồng để thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng của Chính phủ (theo Quyết định số 131/QĐ-TTg) cũng như các chương trình cho vay tiêu dùng của riêng mình. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn đang chờ đợi phản ứng từ phía thị trường.
Doanh nghiệp vẫn còn e ngại
Mặc dù trong tuần qua, hàng loạt ngân hàng công bố nguồn vốn sẵn sàng cho các doanh nghiệp vay vốn theo chương trình hỗ trợ lãi suất dành cho sản xuất, kinh doanh nhưng với các doanh nghiệp, họ vẫn còn e ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn này.
Nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn e ngại vay vốn do chưa ký được hợp đồng với đối tác. Giám đốc một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực công nghiệp cho biết, đã được ngân hàng tạo mọi điều kiện để vay vốn nhưng anh đang khó khăn vì số lượng hợp đồng ký được trong năm 2009 hầu như chưa có. Nhiều doanh nghiệp sản xuất da giày xuất khẩu cũng cho hay, vào thời điểm này mọi năm họ đã có ít nhất vài hợp đồng, nhưng năm nay gần như chưa có gì. Đã có những doanh nghiệp thông báo trước với công nhân về tình trạng có thể mất việc. Vì thế, họ chưa dám hỏi vay ngân hàng.
Đáng lưu ý, sự sụt giảm trên thị trường diễn ra hầu như đồng đều trên các ngành hàng trong thời gian vừa qua, trong khi về bản chất không phải doanh nghiệp nào, ngành nào cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ suy thoái kinh tế.
Sáu tháng đầu năm 2009 được dự báo là quãng thời gian khó khăn của kinh tế vĩ mô Việt Nam. Xuất khẩu, vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm và sức cầu thấp là những yếu tố chính gây lo ngại nhất cho tăng trưởng kinh tế. Song, nửa cuối của năm 2009 sẽ là quãng thời gian mà các chính sách nới lỏng tiền tệ và kích cầu của Chính phủ bắt đầu phát huy tác dụng. Mặt bằng giá xuất khẩu được dự báo có thể tăng trở lại, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu cơ bản. Điều này làm cho kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn cuối năm 2009 tích cực hơn.
Chính phủ phải là đầu tàu
Việc nhận các khoản cấp vốn với chi phí hợp lý là điều vô cùng quan trọng cho sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân. Đứng trước tình trạng nhu cầu vay vốn giảm do doanh nghiệp lo ngại đầu ra gặp khó khăn, Chính phủ buộc phải là đầu tàu trong vai trò kích cầu nền kinh tế.
Chính phủ tuần qua đã quyết định về việc phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ để vay tiền, song nguồn vốn để thực hiện kích cầu sẽ còn là bài toán khó. So với giảm thuế hay hỗ trợ lãi suất, tăng chi tiêu Chính phủ (một cách hợp lý) đang được cho là liều thuốc trực tiếp nhất kéo sức cầu trở lại.
Xung quanh việc cho vay tiêu dùng, nhiều ý kiến đã đề xuất Việt Nam nên nới lỏng mức trần lãi suất hiện tại mà các tổ chức tín dụng áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để tạo điều kiện cho sự phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng, cho phép các tổ chức tín dụng nhận được khoản hoàn vốn hợp lý cho hoạt động kinh doanh của họ, và tăng cường sức tiêu thụ nội địa.
Trong báo cáo về thách thức và cơ hội 2009 của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, đã dự báo lãi suất trong thời gian tới có thể tiếp tục giảm theo chủ trương kích cầu nới lỏng tiền tệ của Chính phủ. Mức lãi suất cơ bản cuối cùng có thể được điều chỉnh xuống trong đợt cắt giảm lần này được chứng khoán Bảo Việt dự báo vào khoảng 6%, theo đó lãi suất cho vay tối đa là 9%.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho rằng khả năng của việc chuyển đổi sang thực cơ chế lãi suất thỏa thuận là khá cao trong thời gian tới.
Cố vấn luật cấp cao Jerome Buzenet, Công ty luật quốc tế Freshfields Bruckhaus Deringer LLP, phát biểu tại một hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 9-1-2009 cho rằng cần thiết phải có một cơ quan quản lý thông tin về việc vay nợ, cho vay của các ngân hàng.
"Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn non trẻ và để bảo đảm sự tăng trưởng lành mạnh của hoạt động cho vay tiêu dùng, Việt Nam cần phải có một Cục Tín dụng - nơi tất cả ngân hàng và công ty tài chính cần phải đưa vào các thông tin về toàn bộ việc vay nợ của một 'người vay' từ hệ thống ngân hàng. Việc thành lập Cục Tín dụng sẽ cho phép tất cả ngân hàng theo dõi hồi sơ vay tiền và ứng xử của các khách hàng cá nhân và do đó tránh được các sai lầm đắt giá", ông Buzenet nói.
Vì tính minh bạch cũng như các rủi ro từ nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn sẽ là một trong các vấn đề trọng tâm trong nửa đầu năm 2009 nên sự có mặt của các cơ quan đánh giá mức tín nhiệm thời điểm này càng đóng vai trò quan trọng trong tính hiệu quả của thị trường, đặc biệt là trong quá trình xóa bỏ hình thức trung gian. Các chuyên gia khuyến khích Việt Nam nên thành lập ít nhất là một hoặc hai cơ quan đánh giá mức tín nhiệm độc lập vào năm nay.
Các ngân hàng dành vốn cho chương trình hỗ trợ lãi suất Ngân hàng TMCP Liên Việt vừa công bố dành 8.000 tỉ đồng để hỗ trợ vốn đối với các đối tượng của Quyết định 131. Trước đó, trong quí 4-2008, Liên Việt đã công bố chương trình dành 4.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn và hiện đã cho vay được 1.000 tỉ đồng. Hôm 11-2, ngân hàng này tiếp tục công bố gói cho vay tiêu dùng tín chấp 500 triệu đồng. Tuần qua, Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) cũng công bố dành 20.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất và 2.000 tỉ đồng cho vay tiêu dùng. Ngân hàng TMCP Hàng hải trong tuần đầu triển khai "Chương trình 131" đã tiếp nhận và xử lý 162 hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất của khách hàng và giải ngân được 245 khoản vay với tổng số tiền hơn 353 tỉ đồng. Ngân hàng Công Thương dành khoảng 100.000 tỉ đồng để cho vay hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng TMCP Ngoại Thương dự kiến dành khoảng 50.000-70.000 tỉ đồng cho chương trình này. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín từ 9-2 cũng triển khai gói hỗ trợ tín dụng với tổng nguồn vốn dự kiến cho năm 2009 là 25.000-30.000 tỉ đồng. Ngân hàng TMCP Á Châu tuyên bố dành 35.000 tỉ đồng cho chương trình “Cho vay kích cầu”. Không thua kém, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương sẽ dành khoảng 50.000 tỉ đồng cho chương trình vay theo Quyết định 131. Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB Bank) triển khai chương trình “Tài trợ xuất khẩu bằng đồng Việt Nam với lãi suất siêu ưu đãi” với khoản tiền là 25.000 tỉ đồng. Trước đó, từ tháng 1-2009, VIB Bank đã dành 800 tỉ đồng cho vay các doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu cà phê. Ngân hàng TMCP An Bình cũng cam kết dành 8.000-10.000 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. |
VIỆT PHÚC