Rủi ro trong cơ chế điều hành tỷ giá hiện nay
(TBKTSG) - Theo cơ chế điều hành tỷ giá hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể dùng công cụ “tỷ giá bình quân liên ngân hàng” và “biên độ” để kiểm soát tỷ giá trên thị trường. Mặc dù gọi là tỷ giá bình quân liên ngân hàng nhưng NHNN thường ấn định tỷ giá này theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thường là mang tính dài hạn. Vì thế đôi khi nó có một “độ lệch” nhất định so với thực tế biến động ngắn hạn trên thị trường.
Nguy cơ mất cân đối cung cầu khiến tỷ giá biến động mạnh sẽ xuất hiện khi “độ lệch” này càng lớn và kéo dài nhưng NHNN chậm điều chỉnh hoặc không can thiệp với vai trò là người mua hoặc bán cuối cùng trên thị trường. Cái khó đối với NHNN là can thiệp ở thời điểm nào, liều lượng ra sao để vẫn duy trì được nguồn dự trữ ngoại hối cần thiết đồng thời không mâu thuẫn với các mục tiêu vĩ mô khác?
Người mua hoặc bán cuối cùng được hiểu là khi hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) thừa ngoại tệ và muốn bán thì NHNN phải mua vào. Ngược lại khi hệ thống NHTM thiếu ngoại tệ và cần mua thì NHNN phải bán ra để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Mức giá mua vào hoặc bán ra ở đây phải theo khung biên độ giá mà NHNN đã công bố.
Một khi NHNN không thực hiện được nguyên tắc này thì thị trường ngoại tệ chính thức sẽ bị ách tắc. Trong khi đó thị trường tự do, vốn không được thừa nhận về mặt pháp lý, lại là “lối ra” để giải tỏa ách tắc này. Điều hiển nhiên là tỷ giá trên thị trường tự do thường vượt khỏi biên độ kiểm soát của NHNN, hình thành hệ thống hai tỷ giá trong nền kinh tế. Thực tế những cơn sốt cả “nóng” lẫn “lạnh” của tỷ giá trong năm 2008 đã chứng minh điều đó.
Điều có thể gây rủi ro lớn hơn là hệ thống NHTM còn gián tiếp tham gia thị trường tự do để đáp ứng nhu cầu thanh toán hợp lý của khách hàng. Có hiện tượng này là vì chính sách quản lý ngoại hối hiện nay (nhằm mục đích khuyến khích nguồn kiều hối chuyển về nước) cho phép cá nhân có quyền nắm giữ ngoại tệ mặt và có thể bán lại cho hệ thống NHTM.
Một công ty (nhập khẩu) cần mua ngoại tệ để thanh toán cho hợp đồng đến hạn có thể thỏa thuận với ngân hàng giải quyết nguồn cung bằng cách mua ngoại tệ mặt trên thị trường tự do rồi bán lại cho ngân hàng dưới danh nghĩa cá nhân (thông qua tên của một nhân viên nào đó). Động tác tiếp theo là ngân hàng sẽ bán đúng số ngoại tệ này cho công ty qua tài khoản để thanh toán cho nước ngoài.
Ở đây công ty phải “hợp lý hóa” khoản chênh lệnh giữa tỷ giá mua trên thị trường tự do (vượt trần cho phép) và tỷ giá bán lại cho ngân hàng (tối đa chỉ bằng mức trần cho phép), góp phần làm cho hệ thống sổ sách kế toán thiếu minh bạch và phản ánh không trung thực nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
Điều này lý giải tại sao tỷ giá trên thị trường tự do thường có tác động ngược trở lại tỷ giá ngân hàng để xác lập điểm cân bằng mới. Khi đó NHNN buộc phải điều chỉnh mạnh tỷ giá theo thị trường tự do. Đó chính là những “cú sốc” tỷ giá có ảnh hưởng rất tiêu cực đến tâm lý thị trường.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, tình hình xuất nhập khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài có những diễn biến phức tạp. Vì vậy, NHNN phải theo sát thực tế thị trường để có những điều chỉnh hoặc can thiệp kịp thời nhằm kiểm soát tỷ giá mục tiêu một cách linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
NGUYỄN HOÀI THANH