Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà giá thấp vẫn chờ chính sách

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhà giá thấp vẫn chờ chính sách

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam (đứng) đang trao đổi với các doanh nghiệp tại buổi hội thảo ngày 28-2. Ảnh: Đình Dũng

(TBKTSG Online) - Vấn đề phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp, trung bình một lần nữa lại được đem ra thảo luận nhằm chỉ ra những vướng mắc cũng như tìm kiếm những đề xuất giúp giải quyết vấn đề này.

Ba năm qua kể từ khi chương trình này được khởi động vẫn chưa có tiến triển đáng kể nào. Và trong khi nhà nước còn chưa đủ sức để thực hiện thì vẫn chưa có cơ chế chính sách khuyến khích nào đủ hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp tham gia, góp phần sớm chuyển ý tưởng nhà giá thấp thành hiện thực.

Cần chia sẻ

Phát biểu tại hội thảo chuyên đề “Chương trình phát triển nhà ở và các biện pháp thực thi hiệu quả” tổ chức tại dinh Thống Nhất TPHCM ngày 28-2, hầu hết các đại biều đều cho rằng Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo trong chương trình này, nhưng không nên ôm đồm tất cả mà phải làm sao lôi kéo được nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói, mặc dù thị trường nhà ở mỗi năm tăng thêm hơn 30 triệu mét vuông, nhưng thời gian qua chỉ chủ yếu tập trung vào nhóm nhà ở cao cấp. Trong khi đó nhu cầu về nhà ở của người dân ngày càng tăng.

Ông Nam cho biết, hiện có gần 600 trường đại học và cao đẳng, và dự kiến đến năm 2015, tổng số sinh viên đại học sẽ vào khoảng 3 triệu, cộng với khoảng 2 triệu công nhân lao động trực tiếp và gián tiếp từ các khu công nghiệp đang đòi hỏi một khoản đầu tư không nhỏ để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng này.

Đó là chưa kể số lượng các hộ gia đình nghèo ở các đô thị cũng đang cần nhà ở. Thống kê cho thấy chỉ có khoảng 30% các hộ gia đình nghèo ở các đô thị có nhà ở dưới 36 mét vuông, 19% sống trong các ngôi nhà tạm bợ, cấu trúc không bền vững. Ông Nam cho rằng trong khi ngân sách nhà nước không đủ để chi cho toàn bộ chương trình thì theo kinh nghiệm các nước, Nhà nước nên xã hội hóa để các thành phần kinh tế cùng tham gia giải quyết vấn đề.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó cục trưởng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cũng đồng quan điểm cho rằng Nhà nước cần đầu tư xây dựng nhà cho công nhân và sinh viên thuê, nhưng nên kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng thông qua những chính sách ưu đãi, những cơ chế thông thoáng. Ông Ninh kiến nghị, cần phải xác định rõ quỹ đất để xây dựng nhà ở, hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở, thông qua những đóng góp của người lao động.

Trước đây, Bộ Xây dựng cũng đã có đề xuất thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở. Theo đó, quỹ sẽ trích từ 3-5% tiền lương của người lao động để hỗ trợ người lao động mua nhà, và nếu không mua nhà thì được trả lãi. Tuy nhiên, ông Nam cho biết trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay thì ý tưởng nay đang phải gác lại.

… và cần cơ chế

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, đang trình bày "hành trình" xin cấp giấy phép xây dựng. Ảnh: Đình Dũng

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, đơn vị đang thực hiện nhà diện tích nhỏ, nhận định rằng hiện đa số người dân lao động chưa có nhà ở ổn định, và một trong các lý do là thủ tục cấp phép nhiêu khê khiến doanh nghiệp chậm triển khai dự án, nhiều khi phải mất hơn hai năm cho việc hoàn tất thủ tục để khởi công khiến doanh nghiệp bị chôn vốn rất lâu.

“Doanh nghiệp chúng tôi không cần tiền mà chỉ cần cơ chế,” ông Đực nói.

Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng cho rằng bất cập lớn nhất hiện nay là chính sách về nhà ở chưa đi vào cuộc sống, và các doanh nghiệp ngại tham gia vì xây dựng nhà ở phân khúc này rất khó thu hồi vốn, “bỏ tiền tỉ mà chỉ thu về tiền cắc”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nhìn nhận cái khó nhất hiện nay của thị trường nhà ở giá rẻ là việc tạo quỹ đất. Ông Châu cho rằng đối với các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội thì nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cũng như tạo điều kiện tiếp cận vốn. Đồng thời, nhà nước cũng nên tạo điều kiện cho người thu nhập thấp được vay tiền với lãi suất thấp và thời gian trả nợ được kéo dài hơn.

Trong bối cảnh thị trường căn hộ cao cấp trầm lắng và lợi nhuận kỳ vọng đang giảm thì một số nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng sang phân khúc nhà giá thấp, vốn rất tiềm năng và có tính thanh khoản cao. Và rất có thể phân khúc này phát triển sẽ kéo những phân khúc khác sớm hồi phục.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng một khi đưa ra chương trình thì phải quyết liệt, rốt ráo để thực hiện chứ không nên "nói nhiều mà làm không bao nhiêu".

ĐÌNH DŨNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới