Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Quản lý lao động nước ngoài như thế nào?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Quản lý lao động nước ngoài như thế nào?

(TBKTSG) - Báo cáo của các doanh nghiệp, tổ chức có người nước ngoài đang làm việc và của Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp cho thấy, số người nước ngoài đến làm việc tại TPHCM trong năm 2008 là 2.781 người, nâng tổng số lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động và đang làm việc tại TPHCM lên 10.305 người.

Chênh số liệu giữa đăng ký và thực tế

Thế nhưng con số trên chưa phản ánh đúng số lượng lao động nước ngoài tại TPHCM. Theo Sở Công Thương, hiện có trên 2.063 văn phòng đại diện  của các công ty nước ngoài đang hoạt động và hầu hết các trưởng văn phòng đại diện là người nước ngoài.

Tuy nhiên, mới chỉ có 156 trường hợp được cấp giấy phép lao động với chức danh trưởng văn phòng đại diện. Do đó vẫn còn một bộ phận lớn người nước ngoài đang làm việc tại TPHCM chưa được cấp phép.

Đó là chưa kể đến trường hợp có doanh nghiệp thuê lao động nước ngoài chưa có giấy phép lao động với số lượng lớn nhưng không báo cáo với các cơ quan chức năng như trường hợp của Công ty TNHH Pouyen, Công ty TNHH Giày da Huê Phong...

Về phân vùng, trong năm 2008 có đến 46 quốc gia và vùng lãnh thổ có lao động vào TPHCM làm việc (trong đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước có số lượng lao động đông nhất). Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, so với các năm trước, lao động Trung Quốc có giảm nhưng Trung Quốc vẫn là một trong những nước châu Á có số lượng lớn lao động làm việc tại TPHCM.

Về trình độ chuyên môn của lao động nước ngoài, phần lớn là những người có kinh nghiệm làm việc lâu năm với trình độ cao đẳng trở xuống (69,85%); kỹ sư, đại học (26,11%); tiến sĩ, thạc sĩ (12,4%). Họ đến TPHCM làm với với mức lương tương đối cao so với lao động trong nước.

Thống kê của cơ quan chức năng (dù còn nhiều doanh nghiệp khai báo chưa đầy đủ) cho thấy, lĩnh vực ngành nghề mà người nước ngoài tập trung làm việc nhiều nhất là giáo dục, đào tạo có mức lương từ 1.300-4.000 đô la Mỹ; giày da, may mặc, in (300-1.500 đô la Mỹ); ngân hàng, tài chính, chứng khoán (trên 2.500 đô la Mỹ); và thầu xây dựng (1.000-4.000 đô la Mỹ).

Luật còn bất cập

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, một số doanh nghiệp trên địa bàn chưa chấp hành quy định của pháp luật về sử dụng lao động nước ngoài. Có trường sử dụng số lượng lớn lao động nước ngoài không có giấy phép lao động được các cơ quan chức năng  phát hiện. Nhưng văn bản quy phạm pháp luật quy định biện pháp chế tài về kinh tế trong những trường hợp này chưa đủ sức răn đe; tình trạng doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục duy trì mối quan hệ lao động với người nước ngoài trái pháp luật còn diễn ra phổ biến...

Mặt khác, nhiều nhà đầu tư phản ánh các quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam còn thiếu tính thực tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Như quy định về đối  tượng người nước ngoài được miễn cấp phép lao động (điều 9.1 Nghị định 34/2008), ngoài việc báo cáo danh sách trích ngang còn phải đính kèm hồ sơ lý lịch tự thuật, giấy khám sức khỏe, lý lịch tư pháp, bản sao văn bằng.

Quy định như vậy là thiếu đồng bộ trong việc quản lý và cấp giấy phép đầu tư đối với cá nhân tổ chức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (theo Luật Đầu tư). Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, pháp luật quy định doanh nghiệp phải thực hiện đăng báo tuyển dụng, tuy nhiên thủ tục đăng báo hiện nay là mang tính hình thức. Vì việc tuyển dụng lao động hiện nay có thể qua rất nhiều kênh như thông qua các công ty cung cấp nhân sự, thông qua mạng tuyển dụng nội bộ, thông qua các mạng tuyển dụng dịch vụ, các trung tâm giới thiệu việc làm...

Hay như trường hợp người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đảm nhiệm các chức vụ trưởng đại diện, tổng giám đốc... phải xin giấy phép lao động cũng vậy. Theo quy định về trình độ chuyên môn, để được cấp giấy phép lao động họ phải có bằng đại học, có kinh nghiệm công tác 5 năm... Điều này không khả thi vì năng lực người lao động nước ngoài trước hết là đảm bảo theo yêu cầu của người sử dụng lao động.

Ngoài ra, một hiện tượng mới xuất hiện và có chiều hướng gia tăng là lượng người nước ngoài có trình độ thấp từ các nước châu Phi nhập cảnh theo hình thức du lịch, sau đó vào làm việc thời vụ cho các doanh nghiệp, giao kết hợp đồng lao động làm việc khi chưa có giấy phép lao động... cũng chưa có quy định pháp luật để điều chỉnh hữu hiệu.

Theo Thanh tra Lao động TPHCM, vừa qua nơi này đã tiến hành kiểm tra 543 doanh nghiệp, trong đó có 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Kết quả cho thấy khoảng 30% lao động nước ngoài không được doanh nghiệp đăng ký với cơ quan chức năng và khoảng 10% không đủ điều kiện cấp phép lao động.

11 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều lao động làm việc tại TPHCM

STT

Tên quốc gia/lãnh thổ

Năm 2007

Năm 2008

Tăng , giảm so với năm 2007

1

Trung Quốc

316

185

- 41,5%

2

Hàn Quốc

142

320

+ 125,4%

3

Nhật

228

308

+ 35,1%

4

Đài Loan

173

172

- 0,5%

5

Úc

107

146

+ 36,45%

6

Anh

100

165

+ 65%

7

Philippines

67

104

+ 55,2%

8

Mỹ

110

181

+ 64,5%

9

Pháp

62

116

+ 87,1%

10

Singapore

55

98

+ 78,2%

11

Malaysia

64

151

+ 136%

(Số liệu thực tế người nước ngoài đăng ký xin cấp giấy phép lao động làm việc tại TPHCM do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp)

QUANG CHUNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới