Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xin đừng hiểu nhầm khái niệm “in tiền”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xin đừng hiểu nhầm khái niệm “in tiền”

Lê Hồng Giang

Minh họa: Khều.

(TBKTSG) - LTS: Gần đây nhiều bạn đọc gửi thư đề nghị giải thích khái niệm “in tiền” mà các nhà kinh tế thường dùng. Ví dụ khi báo chí Mỹ đưa tin người ta lo ngại khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang “in tiền” với tốc độ nhanh và quy mô lớn như hiện nay, nước Mỹ rất dễ rơi vào tình trạng lạm phát, bạn đọc hỏi điều đó có phải là chuyện “in tiền” hiểu theo nghĩa đen không. Chúng tôi đã mời TS. Lê Hồng Giang, một chuyên gia kinh tế - tài chính, giải thích vấn đề này.

Hệ thống ngân hàng các nước hoạt động theo nguyên tắc ngân hàng dự trữ bán phần (fractional reserve banking): nhận tiền gửi từ công chúng và cho vay một phần số tiền đó cho những đối tượng cần tín dụng. Một đặc điểm quan trọng trong hệ thống này là tổng phương tiện thanh toán (M) trong nền kinh tế cao hơn nhiều lần số tiền mặt mà ngân hàng trung ương đã phát hành.

Các ngân hàng thương mại hoạt động theo nguyên tắc này luôn phải đối mặt với rủi ro không đủ tiền mặt để đáp ứng yêu cầu rút tiền của khách hàng. Do vậy họ luôn phải có một khoản dự trữ (bắt buộc và/hoặc tự nguyện) chứ không thể đem hết tiền gửi đi cho vay. Khoản dự trữ này có thể là tiền giấy cất trong két sắt của ngân hàng, nhưng đa phần là một tài khoản tại ngân hàng trung ương được gọi là dự trữ ngân hàng (bank reserves).

Ngoài mục đích dự trữ cho nhu cầu rút tiền của khách hàng, tài khoản dự trữ này còn được dùng cho hoạt động thanh toán bù trừ giữa các ngân hàng với nhau vào cuối mỗi ngày giao dịch. Bởi vậy, ngay cả trong trường hợp lượng tiền giấy lưu hành trong nền kinh tế không đổi, nếu độ lớn của các tài khoản dự trữ này tăng lên, tổng phương tiện thanh toán (M) cũng tăng theo với một bội số rất lớn.

Đặc điểm này đã làm khái niệm “in tiền” không đơn thuần là phát hành tiền giấy mà còn bao gồm cả khi số dư trên các tài khoản dự trữ của các ngân hàng thương mại tăng. Nên nhớ là ngân hàng trung ương cũng là một tổ chức tài chính nên cũng phải tuân theo các nguyên tắc kế toán căn bản.

Khi các ngân hàng thương mại mở tài khoản dự trữ, hai cột có và nợ trong bảng cân đối tài sản của ngân hàng trung ương phải tăng đúng bằng giá trị của tài khoản mới được mở. Mỗi khi ngân hàng nhà nước “in tiền” bằng cách làm tăng thêm số dư trên tài khoản dự trữ của các ngân hàng thương mại, bảng cân đối tài sản của ngân hàng trung ương cũng phình to tương ứng. Đây là cách phổ biến mà các ngân hàng trung ương hiện đại “in tiền”. Muốn biết tốc độ “in tiền” của ngân hàng trung ương, cách chính xác nhất là theo dõi độ lớn của bảng cân đối tài sản của ngân hàng trung ương.

Ngoài ra mối liên hệ giữa thâm hụt ngân sách và in tiền cũng không đơn giản là ngân hàng trung ương đơn thuần in ra một lượng tiền giấy mới và chuyển cho chính phủ chi tiêu (tăng cột nợ) mà cần phải có một đối trọng bên cột có của bảng cân đối tài sản.

Thông thường chính phủ sẽ phát hành trái phiếu mới, nhưng không phải ra công chúng mà bán trực tiếp cho ngân hàng trung ương. Như vậy bảng cân đối tài sản của ngân hàng trung ương sẽ cân bằng và tất nhiên sẽ phình to ra đúng bằng số tiền mới “in thêm”. Do đó để biết chính phủ có tài trợ cho thâm hụt ngân sách bằng cách “in tiền” hay không, cần theo dõi số lượng trái phiếu mà ngân hàng trung ương mua trực tiếp từ chính phủ.

Cuối cùng, khác với trước đây in tiền luôn đồng nghĩa với lạm phát, hình thức “in tiền” hiện đại trong đa số trường hợp sẽ ảnh hưởng đến tổng phương tiện thanh toán nhưng không nhất thiết với một tỷ lệ cố định. Tỷ lệ này phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế, nghĩa là hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại, nên không nhất thiết cứ “in tiền” là có lạm phát.

Một ví dụ cụ thể là bảng cân đối tài sản của Fed đã tăng hơn gấp đôi trong vòng một năm vừa rồi nhưng kinh tế Mỹ vẫn còn nguy cơ thiểu phát. Đây là hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế làm các ngân hàng thương mại Mỹ ngần ngại cho vay dù số dư trên các tài khoản dự trữ của họ đã tăng lên nhiều lần.

Tuy nhiên đây là một quả bom nổ chậm vì một khi kinh tế bắt đầu phục hồi và hệ thống ngân hàng cho vay trở lại thì nguy cơ lạm phát sẽ rất cao nếu Fed không rút về kịp thời số thanh khoản đang nằm án binh bất động trong các tài khoản dự trữ đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới