Kinh doanh gạo có điều kiện có lợi cho nhà nông
Hồng Văn thực hiện
Rồi đây các doanh nghiệp nếu muốn xuất khẩu gạo phải chứng minh kho tàng, nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu... Ảnh: Kinh Luân. |
(TBKTSG Online) - Kinh doanh gạo trở thành ngành kinh doanh có điều kiện, theo nội dung văn bản Thông báo của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải hôm 26-5; trong khi chỉ còn hơn 1 năm nữa, Việt Nam phải mở cửa thị trường xuất khẩu gạo theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi cùng ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chung quanh việc "kinh doanh có điều kiện đối với gạo có vi phạm cam kết với WTO hay không?"
- TBKTSG Online: Từ nay kinh doanh gạo là ngành kinh doanh có điều kiện, vậy sự khác biệt so với trước đây như thế nào và tại sao phải đưa gạo vào kinh doanh có điều kiện?
- Ông Huỳnh Minh Huệ: Trước hết chúng ta phải hiểu rõ hơn Thông báo của Văn phòng Chính phủ, truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có bốn ý chính, nhưng một số doanh nghiệp không hiểu cặn kẽ.
Thứ nhất, thông báo này khẳng định công tác điều hành xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm 2009 là đúng đắn theo sát chỉ đạo của Chính phủ, tuân thủ điều 10 nói về xuất khẩu gạo của Nghị định 12 ban hành ngày 23-1-2006 của Chính phủ, quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, bao gồm xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu; các hoạt động ủy thác và nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu, đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa.
Thứ hai, thông báo này nói rõ chỉ đạo của các ngành, địa phương có liên quan làm sao sản xuất phải gắn với thị trường, cụ thể là hạn chế giao sạ giống lúa chất lượng thấp IR 50404 từ cuối năm ngoái, nhưng năm nay nông dân vẫn gieo sạ nhiều. Điều này đang đặt ra vấn đề tiêu thụ lượng lúa gạo này ra sao trong thời gian tới và không khéo nó lặp lại tình trạng lúa IR 50404 không tiêu thụ được như năm ngoái mà báo chí đã đề cập khá nhiều.
Thứ ba, là các bộ ngành nghiên cứu sửa đổi nghị định 12, đưa gạo thành ngành kinh doanh có điều kiện.
Thứ tư, là Chính phủ khẳng định rõ trách nhiệm của VFA, là đã làm đúng với chỉ đạo của Chính phủ. Hay nói khác hơn, cơ chế xuất khẩu gạo của chúng ta hiện nay là tuân theo Nghị định 12, còn biện pháp điều hành từng năm, từng mùa thì theo cân đối của Chính phủ và VFA đã làm đúng theo chỉ đạo.
Một số doanh nghiệp và cơ quan truyền thông gần đây đề cập khá nhiều, nào là VFA độc quyền phân bổ chỉ tiêu cho doanh nghiệp, áp đặt các hạn ngạch xuất khẩu gạo cho các địa phương, tỉnh này ưu ái, tỉnh kia thì không…Chúng tôi không hề làm điều đó và cũng chẳng muốn làm điều đó làm gì khi chúng tôi là một tổ chức của doanh nghiệp.
Biện pháp điều hành xuất khẩu gạo mà chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ là dựa trên cân đối vĩ mô của Chính phủ, dưới sự tham mưu dự đoán, dự báo của nhiều bộ ngành, dựa trên cơ sở tình hình sản xuất trong nước và thị trường gạo thế giới.
Nếu tăng chỉ tiêu mà xuất gạo quá nhiều thì có thể ảnh hưởng tới an ninh lương thực quốc gia, tới thị trường gạo nội địa; nhưng nếu xuất quá ít thì thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp.
- Ông có thể nói rõ hơn sự khác biệt so với hiện nay nếu sắp tới gạo là mặt hàng kinh doanh có điều kiện?
Trích Điều 10 của Nghị định 12: Xuất khẩu gạo các loại và lúa hàng hoá. Thương nhân thuộc các thành phần kinh tế đều được phép xuất khẩu gạo, lúa hàng hoá. Bộ Thương mại phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa lớn và Hiệp hội Lương thực Việt Nam, điều hành việc xuất khẩu gạo hàng năm theo nguyên tắc: bảo đảm về an ninh lương thực; tiêu thụ hết lúa hàng hóa và bảo đảm giá lúa có lợi cho nông dân, đồng thời phù hợp mặt bằng giá cả hàng hoá trong nước; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp xử lý khi các nguyên tắc này không được bảo đảm hài hoà. Đối với những hợp đồng xuất khẩu theo thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài (hợp đồng Chính phủ), Bộ Thương mại trao đổi với Hiệp hội Lương thực Việt Nam để Hiệp hội thống nhất việc tổ chức giao dịch, ký kết hợp đồng và giao hàng. Bộ Thương mại xây dựng Quy chế để từng bước tổ chức đấu thầu thực hiện các hợp đồng này. |
- Cơ chế xuất khẩu gạo theo Nghị định 12 là tự do, tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cũng đều có thể xuất khẩu gạo. Vậy mới nảy sinh doanh nghiệp làm chứng khoán, bất động sản, sắp thép… không hề có kho bãi, nhà máy chế biến cũng tham gia gom gạo xuất khẩu, phát sinh cạnh tranh không lành mạnh, làm méo mó thị trường.
Điều này khiến cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính không kích thích được họ đầu tư kho tàng, nhà máy hay đầu tư vùng nguyên liệu để nâng cao giá trị hạt gạo.
Bao nhiêu năm qua chúng ta cứ nói hạt gạo Việt Nam xuất khẩu chất lượng thấp, giá thấp so với gạo các nước nhưng thử hỏi doanh nghiệp kinh doanh gạo thực sự có dám đầu tư lâu dài vào vùng nguyên liệu, nhà máy, kho tàng dự trữ hay không, khi lại có những doanh nghiệp khác chỉ xuất khẩu gạo vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn, chỉ là nhà thương mại thuần túy?
Chấn chỉnh lại bằng cách sửa đổi điều 10 của nghị định 12 là chuyển kinh doanh gạo thành ngành kinh doanh có điều kiện, kèm theo những chế tài thống nhất chung như anh kinh doanh xuất khẩu gạo phải chứng minh kho tàng thế nào, sức chứa bao nhiêu, nhà máy ở đâu, tài chính ra sao thì cơ quan chức năng mới cấp phép kinh doanh xuất khẩu gạo.
Một khi doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo có kho tàng dự trữ, có tài chính lành mạnh, có nhà máy chế biến, hệ thống thu mua, có vùng nguyên liệu thì người hưởng lợi là nông dân trồng lúa và một thị trường gạo nội địa lành mạnh.
- Nhưng tới ngày 1-1-2011, tức 18 tháng nữa chúng ta phải mở cửa thị trường xuất khẩu gạo cho các nhà đầu tư nước ngoài, liệu kinh doanh gạo có điều kiện có vi phạm thỏa thuận với WTO hay không?
- Theo tôi là hoàn toàn không. Nếu ta mở cửa thị trường, ta vẫn cấp phép kinh doanh xuất khẩu gạo cho nhà đầu tư nước ngoài bình thường như các doanh nghiệp Việt Nam, với điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải chứng minh điều kiện kho tàng, nhà máy, tài chính như các doanh nghiệp trong nước.
Cũng giống như các tập đoàn siêu thị nước ngoài, ta mở cửa cho họ nhưng họ phải đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, về tình hình kinh tế của ta.
Hiện tại, trong nước có một số nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam vẫn cho họ xuất khẩu gạo bình thường, thậm chí khuyến khích là đằng khác, bởi họ đầu tư thực sự vào khâu sản xuất, chế biến nâng cao giá trị hạt gạo thì tại sao ta không khuyến khích?.
Một nhà đầu tư của Nhật vào An Giang từ lâu, đầu tư cho nông dân trồng giống lúa chất lượng cao mang từ Nhật sang, rồi họ có nhà máy chế biến bài bản và sau đó xuất sang Nhật với giá gạo chất lượng cao. Những nhà đầu tư như vậy thì đâu cần tới năm 2011 mà bây giờ chúng ta cũng khuyến khích.
- Xin cám ơn ông!