Chứng chỉ hành nghề kế toán: Những điều vô lý
Luật gia Vũ Xuân Tiền (*)
Minh họa: Khều. |
(TBKTSG) - Từ năm 2005 đến nay, việc thi và cấp Chứng chỉ hành nghề (CCHN) kế toán đã được tổ chức với quy mô quốc gia. Đây là một kỳ thi có thể nói là tương đương với kỳ thi sau đại học của những “thí sinh” mong muốn có một “chứng chỉ hành nghề”.
Tuy nhiên, việc tổ chức thi, cấp và sử dụng chứng chỉ này còn những điều chưa thấu tình, đạt lý. Điều đó đã gây ra những hậu quả không nhỏ đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dịch vụ kế toán.
Những điều vô lý
Trước hết, với quy định về thi và cấp như hiện nay, CCHN kế toán không còn là một chứng chỉ hành nghề nữa mà đã trở thành một “siêu bằng” về trình độ chuyên môn trong lĩnh vực kế toán.
Bởi lẽ, theo từ điển Tiếng Việt phổ thông, chứng chỉ là giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp. Hành nghề là làm công việc thuộc về nghề nghiệp để sinh sống. Do đó, có thể hiểu, CCHN là một giấy chứng nhận về quyền được hành nghề để sinh sống của công dân.
Với ý nghĩa đó, các bằng về nghề nghiệp do các cơ sở đào tạo các cấp như trung cấp, cao đẳng, đại học cũng có thể được coi là CCHN.
Song, với việc thi và cấp CCHN kế toán thì lại hoàn toàn khác. Các lớp “tập huấn, bồi dưỡng trình độ chuyên môn” ngắn hạn từ 1-3 tháng, các kỳ “thi tuyển” để cấp CCHN được tổ chức. Và chỉ khi có CCHN ấy, người có nghề mới được hành nghề bất kể người đó đã được đào tạo nghề ở đâu, được cấp bằng ở trường đào tạo nào.
Vì vậy, rất nhiều tiến sĩ khoa học về kế toán, không ít kế toán trưởng đã có hàng chục năm công tác nhưng không được hành nghề kế toán vì chưa tham gia học và “thi tuyển” để được cấp CCHN kế toán!
Thứ hai, CCHN kế toán lại chỉ cấp cho những người làm dịch vụ kế toán. Câu hỏi đặt ra là, những cán bộ, nhân viên đã qua các trường đào tạo về kế toán và đang làm kế toán, kế toán trưởng ở các doanh nghiệp theo hợp đồng lao động với chủ doanh nghiệp có được coi là đang hành nghề kế toán không?
Không thể nói là họ không hành nghề mà ngược lại, họ đang hành nghề, tức là làm công việc thuộc về nghề nghiệp để sinh sống. Hơn nữa, khi đảm nhiệm chức nghiệp kế toán trưởng, họ đang hành nghề ở vị trí người quản lý bậc cao trong doanh nghiệp. Tại sao những người này lại không phải có “chứng chỉ hành nghề”?
Thứ ba, Thông tư số 72/2007/TT-BTC ngày 27-6-2007 đã nâng CCHN kế toán lên một “tầm cao” mới. Đó là một “giấy phép con siêu hạng” trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dịch vụ kế toán. Điều đó thể hiện ở những điểm sau:
- Khoản 2.3. Thông tư 72/2007/TT-BTC quy định:
Đối với doanh nghiệp dịch vụ kế toán:
a) Có đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán;
b) Có ít nhất hai người có CCHN kế toán hoặc chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính cấp, trong đó giám đốc doanh nghiệp phải là người có CCHN kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên từ hai năm trở lên.
Quy định ở tiết b nêu trên trái với Nghị định 129/ 2004/NĐ-CP. Khoản 1 điều 41 Nghị định số 129/NĐ-CP quy định: “1. ...Để thành lập doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải có ít nhất hai người có CCHN kế toán, trong đó có một trong những người quản lý doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải có CCHN kế toán theo quy định tại điều 57 của Luật Kế toán và điều 40 của nghị định này”.
Trong khi đó, tại khoản 13 điều 4 Luật Doanh nghiệp quy định: “Người quản lý doanh nghiệp là chủ sở hữu, giám đốc doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh công ty hợp danh, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác do điều lệ công ty quy định”.
- Yêu cầu giám đốc doanh nghiệp phải là người có CCHN kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên từ hai năm trở lên là một sáng tạo trái luật của Thông tư 72. Bởi lẽ, Luật Doanh nghiệp và Nghị định 129/2004/NĐ-CP đều không có quy định về thời hạn hai năm nêu trên.
Vài kiến nghị
Từ những phân tích ở trên, xin kiến nghị:
Thứ nhất, cần thay đổi tư duy về CCHN kế toán. Không nên coi CCHN kế toán là một “siêu bằng cấp” như hiện nay. CCHN kế toán là một giấy chứng nhận được quyền hành nghề kế toán khi người hành nghề đủ hai điều kiện:
- Thứ nhất: Được đào tạo chuyên môn về kế toán và thường xuyên cập nhật thông tin trong lĩnh vực kế toán;
- Thứ hai: Tuân thủ chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp.
Trong hai điều kiện nêu trên, việc đào tạo chuyên môn về kế toán do các trường trung cấp, cao đẳng, đại học thuộc hệ thống giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm thông qua việc cấp bằng cho người hành nghề khi tốt nghiệp. Việc thường xuyên cập nhật thông tin trong lĩnh vực kế toán và tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp do hội nghề nghiệp chịu trách nhiệm thông qua việc cấp chứng chỉ hành nghề.
Thứ hai, từ sự thay đổi tư duy về CCHN kế toán nêu trên, cần xóa bỏ việc thi tuyển để cấp chứng chỉ này. Thay vào đó, cần quy định:
- Tất cả những người đang làm kế toán ở mọi tổ chức, doanh nghiệp đều phải làm thủ tục để được cấp CCHN kế toán;
- Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam có trách nhiệm quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ và lệ phí cấp CCHN kế toán theo nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Thứ ba, cần sửa lại điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp dịch vụ kế toán là tất cả cán bộ, nhân viên thực hiện dịch vụ kế toán trong doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải được cấp CCHN kế toán. Nếu doanh nghiệp làm dịch vụ kế toán cung ứng dịch vụ cho thuê kế toán trưởng thì người trực tiếp thực hiện hợp đồng dịch vụ phải có Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng. Nếu doanh nghiệp dịch vụ kế toán có cung cấp dịch vụ kiểm toán thì người trực tiếp thực hiện hợp đồng phải là kiểm toán viên.
Thứ tư, đề nghị xóa bỏ quy định giám đốc doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải có CCHN kế toán và phải có trước ít nhất hai năm bởi vì:
- Nếu không có trình độ chuyên môn về kế toán thì không ai bỏ vốn để thành lập doanh nghiệp dịch vụ kế toán;
- Người có CCHN kế toán theo quy định rất khắt khe như hiện nay chưa hẳn đã đủ trình độ và quan hệ xã hội để làm giám đốc - người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dịch vụ kế toán. Thực tế trong thời gian qua đã có trường hợp, người đầu tư vốn thành lập doanh nghiệp buộc phải chuyển giao quyền quản lý, điều hành doanh nghiệp cho một người có CCHN kế toán nhưng chỉ sau hai năm, doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng trên bờ vực phá sản.
- Khác với dịch vụ kiểm toán, dịch vụ kế toán, về bản chất cũng chỉ là làm thuê cho chủ doanh nghiệp - chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, cũng không nên quá nhấn mạnh tầm quan trọng của dịch vụ này và đặt ra những điều kiện quá khắt khe khi kinh doanh. Những sai sót (nếu có) của dịch vụ này không gây hậu quả lớn và ở phạm vi hẹp.
Nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán là trách nhiệm và điều kiện sống còn của chủ doanh nghiệp dịch vụ kế toán. Hơn nữa, các doanh nghiệp dịch vụ kế toán ở nước ta đang rất khó khăn vì phải khai thác một thị trường mới với giá phí rất thấp. Nếu chúng ta không có sự quan tâm, hỗ trợ chắc chắn sẽ có không ít doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường.
____________________________
(*) Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam