Chủ Nhật, 3/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cây xanh đô thị cần có cơ chế bảo vệ 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cây xanh đô thị cần có cơ chế bảo vệ 

Văn Nam thực hiện

Luật sư Phạm Văn Võ, giảng viên Bộ môn Luật môi trường và đất đai, Trường Đại học Luật TPHCM - ẢNH: Văn Nam

(TBKTSG Online) - Mảng xanh đô thị đang teo tóp dần do nhiều nguyên nhân như thiếu tôn tạo, trồng mới, hoặc cây xanh bị chặt để nhường đất cho các công trình đô thị… Vấn đề đang được nhiều người quan tâm là pháp luật ứng phó như thế nào với những hành vi xâm hại, bảo vệ và phát triển mảng xanh đô thị.

Để làm rõ vấn đề này, TBKTSG Online đã phỏng vấn luật sư Phạm Văn Võ, Giảng viên bộ môn Luật đất đai và môi trường, Đại học Luật TPHCM.

TBKTSG Online: Thưa ông, những quy định pháp lý về bảo vệ mảng xanh của Việt Nam đã đầy đủ và hoàn chỉnh chưa? Và đã được thực hiện như thế nào trong thời gian qua?  

- Luật sư Phạm Văn Võ: Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, cây xanh đô thị bao gồm 3 nhóm chính:  

1. Cây xanh sử dụng công cộng, gồm: quảng trường, công viên, vườn hoa, vườn dạo..., bao gồm cả diện tích mặt nước nằm trong khuôn viên các công trình này và diện tích cây xanh cảnh quan ven sông được quy hoạch xây dựng thuận lợi cho người dân đô thị tiếp cận và sử dụng cho các mục đích giải trí, thư giãn...   

2. Cây xanh đường phố, gồm cây xanh, thảm cỏ trồng trong phạm vi chỉ giới. Tất cả các tuyến đường cấp phân khu vực trở lên đều phải trồng cây xanh đường phố.  

3. Cây xanh chuyên dụng gồm rừng cách ly, rừng phòng hộ, vườn nghiên cứu thực vật học, vườn ươm...  

Về diện tích đất cây xanh tối thiểu, Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng quy định, mỗi đơn vị ở mới xây dựng phải có tối thiểu một công trình vườn hoa (có thể kết hợp với sân thể thao ngoài trời và điểm sinh hoạt cộng đồng) phục vụ chung cho toàn đơn vị ở với quy mô tối thiểu là 5.000 m2 và diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng trong đơn vị ở tối thiểu phải đạt 2m2/người, trong đó đất cây xanh trong nhóm nhà ở tối thiểu phải đạt 1m2/người.  

Tuy nhiên, những quy định trên chỉ bắt buộc phải tuân thủ trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng; là cơ sở pháp lý để quản lý việc ban hành, áp dụng các tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng và các quy định về quản lý xây dựng theo quy hoạch tại địa phương. Thực tế cho đến nay chúng ta vẫn còn thiếu cơ chế bảo đảm thực thi những chỉ tiêu mang tính định lượng về diện tích cây xanh tối thiểu trong quá trình thực hiện quy hoạch và bảo vệ diện tích cây xanh đô thị hiện hữu.  

Rõ ràng, so với quy chuẩn và quy hoạch đã được duyệt, diện tích đất cây xanh bình quân đầu người tại các đô thị lớn hiện nay là quá thấp. Nhưng thay vì phải mở rộng diện tích cây xanh, giảm mật độ xây dựng, giảm mật độ dân số trong nội thành thì người ta làm ngược lại: phá bỏ cây xanh dể xây dựng cao ốc, tăng mật độ xây dựng…     

Tình trạng chặt cây, chiếm dụng đất công viên để kinh doanh và sử dụng cho mục đích khác, chẳng hạn như “xẻ thịt” công viên để làm đường, có phải là hành vi vi phạm pháp luật không, thưa ông?  

Nếu chặt cây hoặc lấy đất công viên để làm đường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì đó không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Theo luật, cơ quan có thẩm quyền quyết định lất đất công viên để làm đường nhưng phải theo quy hoạch.  

Thật là khôi hài nếu như chúng ta cứ đưa ra giải pháp này nọ để chống kẹt xe, tăng diện tích thảm xanh trong nội thành trong khi vẫn tiếp tục phá bỏ cây xanh dể xây dựng cao ốc, tăng mật độ xây dựng…  

Điều đáng lo ngại hiện nay là chưa có quy định về tránh nhiệm của UBND các cấp trong việc bảo vệ và phát triển diện tích cây xanh đô thị. Chính quyền địa phương hầu như có toàn quyền trong việc quyết định số phận của cây xanh đô thị.  

Cái duy nhất ràng buộc họ trong vấn đề này là quy hoạch, nhưng cái quy hoạch thực sự mang tính ràng buộc (không chỉ xác định chỉ tiêu định lượng mà còn xác định không gian của diện tích đất cây xanh) lại do chính quyền địa phương lập và phê duyệt.  

Còn nếu việc chiếm dựng đất công viên trái pháp luật thì việc xử lý là đương nhiên, song tình trạng đất cây xanh đang teo lại chủ yếu không phải do loại hành vi này gây ra.  

Để ngăn chặn hành vi xâm phạm mảng xanh cũng như hạn chế việc xem nhẹ giá trị mảng xanh đô thị, pháp luật cần có những biện pháp chế tài ra sao?  

Để bảo vệ diện tích cây xanh hiện hữu trước hết cần phải coi chúng là đối tượng bảo tồn giống như di sản văn hóa, di sản tự nhiên. Trước mắt, Chinh phủ nên có một Nghị định về vấn đề này.  

Ngoài ra, theo tôi, không thể thiếu một cơ chế bảo đảm thực thi các quy định về bảo tồn cây xanh đô thị. Không phải chúng ta cứ coi cây xanh là di sản thì nó sẽ được bảo vệ tốt. Có nhiều di sản được công nhận là di sản cấp quốc gia nhưng vẫn bị chính quyền địa phương cho phép xây dựng ngay trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt.  

Vấn đề mấu chốt là xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong việc bảo vệ mảng xanh đô thị và và những hình thức chế tài nghiêm khắc hành vi vi phạm pháp luật.  

Sự tham gia giám sát của nhân dân qua các thể chế dân sự trong bảo vệ cây xanh đô thị theo tôi là giải pháp căn bản và triệt để nhất hiện nay.   Nếu chúng ta giao toàn quyền quản lý và định đoạt cây xanh cho các cơ quan nhà nước thì rất dễ các cơ quan này sẽ định đoạt nó vì những lợi ích kinh tế, chính trị… trước mắt, mang tính nhiệm kỳ của một bộ phận nào đó mà bỏ qua lợi ích chung của cộng đồng.  

Việc tham gia bảo vệ cây xanh đô thị của cộng đồng với tư cách là người thụ hưởng trong hiện tại cũng như của những thế hệ tương lai là hiệu quả và chính đáng. Thực tế đã chứng minh đã có nhiều dự án xấm lấn đất công viên đã bị hủy bỏ do sức ép của cộng đồng.  

Những năm gần đây, diện tích mảng xanh đô thị bị thu hẹp dần nhường chỗ cho các dự án khu dân cư, đường sá ... theo ông nguyên nhân là do đâu?  

Tình trạng này trước hết xuất phát từ nguyên nhân sau:  

Một là chúng ta chưa nhận thức được giá trị của cây xanh trong đô thị, thậm chí có nhiều người vẫn cho cây xanh là phí phạm vì “đất vàng” sao lại dùng trồng cây?! Việc đồng nhất cây xanh trong đô thị với các loại cây trồng khác mà về bản chất không khác gì việc đồng nhất tháp Chăm với lò gạch cũ là hiện tượng tương đối phổ biến. Điều này dẫn đến diện tích cây xanh đô thị bị teo lại cùng những hậu họa khôn lường giống như hình ảnh “miếng da lừa” trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của Honoré de Balzac.  

Hai là do đất cây xanh là đất công cộng nên khi đốn hạ nó để lấy đất dùng vào mục đích khác, chi phí bồi thường nếu có là không đáng kể so với tiền bồi thường thiệt hại về đất và tài sản khác trong trường hợp thu hồi đất thuộc quyền sử dụng của tư nhân. Vậy nên, xét dưới góc độ kinh tế, đất cây xanh vẫn được “ưu tiên” dòm ngó khi có mục đích sử dụng khác.  

Người trực tiếp quản lý cây xanh không có quyền của của một chủ sở hữu. Cộng đồng với tư cách là người thụ hưởng những lợi ích đem lại từ cây xanh, là chủ sở hữu đích thực của cây xanh, là những người tích cực nhất trong việc bảo vệ cây xanh đô thị thì cho đến nay vẫn chưa có cơ chế pháp lý để họ phát huy vai trò của mình. Vai trò giám sát của cộng đồng thông qua thể chế dân sự còn rất hạn chế. Chính vì vậy, cây xanh công cộng không có một người chủ thực sự gắn bó với nó với đầy đủ quyền, nghĩa vụ...

Ba là cây xanh đô thị hiện vẫn đang ở trong tình trạng “vô chủ”. Người trực tiếp quản lý cây xanh không có quyền của của một chủ sở hữu. Cộng đồng với tư cách là người thụ hưởng những lợi ích đem lại từ cây xanh, là chủ sở hữu đích thực của cây xanh, là những người tích cực nhất trong việc bảo vệ cây xanh đô thị thì cho đến nay vẫn chưa có cơ chế pháp lý để họ phát huy vai trò của mình. Vai trò giám sát của cộng đồng thông qua thể chế dân sự còn rất hạn chế. Chính vì vậy, cây xanh công cộng không có một người chủ thực sự gắn bó với nó với đầy đủ quyền, nghĩa vụ.  

Bốn là chúng ta còn thiếu những quy định bảo vệ diện tích cây xanh hiện hữu. Nó không phải là cây rừng để được bảo vệ theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (trừ trường hợp cây xanh nằm trong danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm), nó cũng không phải là di sản văn hóa để bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa (trừ trường hợp nằm trong di tích lịch sử - văn hóa hoặc danh lam thắng cảnh).  

Theo Luật Bảo vệ Môi trường, cây xanh là thành phần môi trường nhưng Luật này cũng không có quy định cụ thể nào để bảo vệ nó.  

Thiếu một cơ chế bảo đảm thực thi các quy định về bảo tồn cây xanh đô thị như tôi vừa nói trên thì tình trạng xâm phạm mảng xanh đô thị vẫn tiếp tục nhức nhối mà không có cách gì ngăn cản được.  

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới