Chủ Nhật, 27/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Phiên âm hay viết theo tiếng Anh?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Phiên âm hay viết theo tiếng Anh?

Đoàn Tiểu Long

(TBKTSG) - Trên mục Bạn đọc viết của TBKTSG số ra ngày 19-11-2009, có đăng bài “Nên thống nhất cách viết tiếng Anh”. Người đọc có thể hiểu ý của tác giả là muốn thống nhất viết tên riêng nước ngoài theo cách viết bằng tiếng Anh, chứ đừng phiên âm ra tiếng Việt. Tuy nhiên, cách nhìn của tác giả có phần phiến diện.

Mấy ví dụ mà tác giả đưa ra, vô tình hay cố ý, đều là các ví dụ từ các nước nói tiếng Anh, như Chicago, Washington, Mississippi... Tuy nhiên thế giới không chỉ gồm các nước nói tiếng Anh. Còn hàng trăm ngôn ngữ khác nữa, trong đó có nhiều ngôn ngữ mà chữ viết không sử dụng hệ chữ cái Latin, ví dụ như tiếng Nga, Bungari, Ảrập, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia...

Vậy với tên riêng của các ngôn ngữ này thì phải viết thế nào, nếu không muốn phiên âm ra tiếng Việt? Mặt khác, thử đặt câu hỏi: thế các nước sử dụng hệ chữ cái nào đó sẽ phải viết tên riêng của các nước không dùng hệ chữ cái đó theo kiểu gì, nếu không phiên âm ra tiếng nước họ? Chẳng lẽ người Nga phải viết tên thủ đô Hoa Kỳ là Washington thay vì cách viết Варшингтон “trông rất buồn cười”?

Thực ra cách phiên âm Oa-sinh-tơn chẳng có gì buồn cười, cũng như cách viết các tên riêng khác như Mát-xcơ-va, Crưm, Xa-va-na-khet, Phnom Penh... Đối với người đã biết tiếng Anh thì không thể có chuyện vì trong sách báo tiếng Việt viết Oa-sinh-tơn mà khi đọc báo nước ngoài, hay khi đi ra nước ngoài họ không hiểu Washington là gì. Còn người đã không biết tiếng Anh thì dĩ nhiên sẽ không đọc sách báo tiếng Anh, cho nên khỏi lo chuyện họ bắt gặp từ Washington mà không hiểu. Không nên lẫn lộn giữa việc dạy ngoại ngữ cho trẻ em với việc hướng dẫn chúng cách viết tên riêng nước ngoài bằng tiếng Việt sao cho chuẩn. Chúng cần phải viết đúng tên thủ đô Hoa Kỳ bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.

Cũng có ý kiến cho rằng trong thời buổi hội nhập, tên riêng trong ngôn ngữ của các nước không dùng chữ cái Latin thì nên viết theo cách viết tiếng Anh của chúng, tức là viết theo cách mà người dân Anh, Mỹ và các dân tộc nói tiếng Anh vẫn viết, ví dụ không viết Mát-xcơ-va mà viết Moscow.

Ý kiến này thiếu thuyết phục vì hai lẽ. Thứ nhất, nếu gặp phải một tên riêng mà không rõ cách viết tiếng Anh của nó ra sao, ví dụ như tên một người dân Lào, hay tên một cái làng nhỏ xíu vô danh ở Hàn Quốc thì ta đành bó tay hay sao?

Thứ hai, và cái này mới quan trọng, tại sao chúng ta có tiếng nói của ta, chữ viết của ta, lại phải đi phụ thuộc vào cách viết của dân tộc khác, trong khi tiếng Việt thừa sức diễn đạt tên riêng của bất kỳ ngôn ngữ nào khác một cách tương đối chính xác, để nếu đọc lên thì người dân nước đó sẽ hiểu chúng ta đang nói về cái gì. Ví dụ, khi chúng ta nói Mát-xcơ-va, Oa-sinh-tơn, Phnom Penh... thì người dân Nga, Mỹ, Campuchia chắc chắn hiểu rõ ta đang nói tên thủ đô nước họ.

Không như nhiều người nghĩ rằng ngày nay tiếng Anh rất phổ biến, ở ta số người biết ngoại ngữ còn rất ít ỏi. Mà sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng lại có nhiệm vụ phục vụ tất cả mọi người, chứ không chỉ những người biết tiếng Anh. Nếu viết tên riêng theo kiểu tiếng Anh thì chắc chắn những người không biết tiếng Anh sẽ không biết phát âm các từ đó ra sao, đâm ra khi nghe ai đó, phát thanh viên truyền hình chẳng hạn, nói chính cái từ đó, họ sẽ không thấy được sự liên hệ giữa cái từ mà họ “trông thấy” với cái từ mà họ “nghe thấy”.

Bản thân phát thanh viên truyền thanh, truyền hình cũng nhiều khi lúng túng khi gặp những tên riêng lạ hoắc khiến họ không biết phát âm thế nào cho chuẩn, hoặc thậm chí những cái tên rất quen thuộc, nhưng rất khó phát âm, ví dụ như cái họ dài lê thê của tài tử điện ảnh kiêm thống đốc Arnold Schwarzenegger.

Tệ hơn nữa, tài tử này là người gốc Áo, họ của ông là họ Áo, và phát âm chính xác thì phải theo kiểu Áo, hay Đức, chứ không phải theo kiểu Mỹ. Đó là điểm yếu chí tử của cách viết tên riêng nước ngoài theo kiểu tiếng Anh. Sẽ dễ dàng cho phát thanh viên hơn nhiều nếu cái họ dài lòng thòng đó được phiên âm ra tiếng Việt.

Cho nên, cách hợp lý hơn cả là tên riêng nước ngoài nên viết theo kiểu phiên âm, sao cho gần đúng với cách phát âm từ đó trong ngôn ngữ gốc nhất.

Dĩ nhiên phiên âm thế nào cho chính xác, thống nhất là một việc phức tạp và cần có người cầm trịch. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề không thể giải quyết. Lẽ nào các nước khác làm được điều đó mà chúng ta lại không làm được!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới