Điểm khởi đầu ngân hàng Việt Nam ở Nga
Hải Lý (Moscow)
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại lễ khai trương hoạt động VRB Mátxcơva. Ảnh: TTXVN. |
(TBKTSG) - Ngày khai trương hoạt động VRB Mátxcơva (VRB Moscow Bank Ltd.), ngân hàng con 100% vốn của Ngân hàng liên doanh Việt - Nga (VRB) tại số 61 phố Bolshaya Polyanka, thủ đô nước Nga lạnh 22 độ âm. Tuyết rơi trắng trời. Từ đầu mùa đông đến giờ, đấy là ngày lạnh nhất. Mấy hôm trước đó, cái lạnh còn lững thững ở âm 5-7 độ, nhưng đường sá, xe cộ đã nhạt nhòa trong tuyết.
Gửi tiết kiệm để đến nước Nga
Ông Nguyễn Văn Phẩm, Tổng giám đốc VRB, nói với TBKTSG: “So với hàng ngàn tổ chức tín dụng ở Nga, VRB Mátxcơva không phải là ngân hàng lớn (vốn điều lệ 210 triệu rúp, tương đương 7 triệu đô la Mỹ), nhưng nó là minh chứng việc hiện thực hóa các cam kết của chính phủ hai nước về hợp tác đầu tư.
VRB Mátxcơva được kỳ vọng là cầu nối tài chính để nâng kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên lên 3 tỉ đô la Mỹ vào năm 2010”. Lễ khai trương VRB Mátxcơva là một trong những hoạt động của doanh nghiệp nhân chuyến thăm và làm việc tại Liên bang Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong tuần này.
Ra đời năm 2006, ngân hàng mẹ VRB lúc đầu cũng chỉ có số vốn vẻn vẹn 10 triệu đô la Mỹ, nhưng sau ba năm đã tăng lên 62,5 triệu đô la Mỹ. Sau khi trích dự phòng rủi ro, đến năm ngoái lợi nhuận ròng của VRB đạt 6,3 triệu đô la Mỹ, tốc độ tăng trưởng bình quân 200%/năm. Trước khi khai trương VRB Mátxcơva, VRB hoạt động thuần túy ở địa bàn Việt Nam với khoảng 20.000 khách hàng.
Trong mảng huy động vốn, không ngân hàng nào ở Việt Nam có được sản phẩm tiết kiệm đặc thù mang tên “Hành trình đến với nước Nga” như của VRB. Đó là loại hình gửi tiết kiệm bình thường, nhưng người gửi được tích lũy tính điểm. Số tiền gửi càng nhiều, điểm tích lũy càng cao và khi đủ điểm, khách hàng được nhận một chuyến đi du lịch miễn phí ở Nga trong bảy ngày.
“Năm nào chúng tôi cũng tổ chức vài đợt đi Nga cho khách hàng, mỗi đợt 10 người, thường vào tháng 5 khi hè bắt đầu và tháng 10 khi mùa thu sang” - ông Phẩm nói.
Có lẽ nhờ những sản phẩm tiết kiệm đặc thù như vậy, vốn huy động tiền đồng có kỳ hạn của VRB ngày càng áp đảo tiết kiệm ngoại tệ, giúp đơn vị này đẩy mạnh kinh doanh nội tệ trên thị trường liên ngân hàng. Chính hoạt động liên ngân hàng giúp VRB có lãi ngay từ năm đầu tiên. Thu nhập (chưa tính thuế) từ kinh doanh liên ngân hàng năm ngoái lên đến 119 tỉ đồng. Về kinh doanh ngoại tệ, theo ông Phẩm, VRB kết nối thanh toán trực tiếp với Ngân hàng Ngoại thương Nga kể cả bằng đồng rúp.
Điểm khởi đầu
VRB Mátxcơva là điểm khởi đầu để tạo ra một cơ chế thanh toán giao dịch ngoại thương mới giữa Việt Nam và Nga, đồng thời là cây cầu để chuyển kiều hối của Việt kiều về nước. Gánh nặng ấy đặt lên vai VRB Mátxcơva là quá lớn ở thời điểm hiện tại và nó đòi hỏi sự chung sức chung lòng của nhiều cấp, nhiều ngành.
Kênh chuyển tiền kiều hối từ Nga về Việt Nam hiện chưa thể mang tính phổ thông bởi phần lớn cộng đồng người Việt ở đây chưa được pháp lý hóa, không chứng minh được nguồn tiền thu nhập theo quy định pháp luật nước sở tại.
Trong khi đó, ở tầm doanh nghiệp, dịch vụ thanh toán trực tiếp còn hạn chế. Một cơ chế chuyển đổi giữa đồng rúp và tiền Việt chưa tạo được thông lệ hoàn thiện do giá trị cả hai đồng tiền chưa có tính ổn định cao.
“Các doanh nghiệp hai nước chưa tìm được tiếng nói chung trong cơ chế thanh toán” - ông Phẩm nhấn mạnh - “Các công ty Nga thiên về trả chậm khi nhập khẩu và trả trước khi xuất khẩu hàng hóa. Thanh toán bằng tín dụng thư chưa phổ biến. Những bất cập và trở ngại trong thủ tục hành chính, giấy tờ, trong đó có cả thủ tục hải quan, cửa khẩu nhiều lúc gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ với thị trường Nga”.
Trên cái nền tổng thể còn không ít khó khăn đó, VRB đã nỗ lực để tìm hướng kinh doanh. Họ bắt tay với các doanh nghiệp Nga, các liên doanh với Nga để phục vụ người Nga đang sống và làm việc ở Việt Nam. Thông qua phát hành thẻ thanh toán điện tử, VRB đang tiến hành trả lương, chuyển tiền trực tiếp cho 700 chuyên gia Nga ở liên doanh dầu khí VietsoPetro, hợp tác với văn phòng các công ty Nga như Sukhoi, Russal, Bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga...
Ngoài ra, ông Phẩm cho biết VRB đã và đang hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp Nga xúc tiến đầu tư, làm ăn ở Việt Nam như Gtel Mobile (nay là Beeline), liên doanh ô tô Kamaz, Công ty Khai thác quặng barít Noble Oil, Công ty Xây dựng- bất động sản Mirax và một số đơn vị điện, điện hạt nhân như Power Machines, Rosatom… Mới đây VRB và BIDV đã ký thỏa thuận đồng tài trợ cho các dự án lớn của doanh nghiệp Việt Nam ở Mátxcơva như Trung tâm Thương mại TPHCM tại Nga, Trung tâm thương mại Tozi, Nhà máy chế biến thực phẩm FG Holding.
Những nỗ lực của VRB là đáng ghi nhận. Tuy nhiên sự nỗ lực “đơn phương độc mã” của một ngân hàng trong cung cấp dịch vụ tài chính sẽ không thể mang lại hiệu quả lớn nếu thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước. Con đường đến cột mốc 3 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Nga xem ra còn quá dài dù cả hai phía đã định thời điểm là năm 2010.
Theo số liệu chính thức của Hội đồng doanh nghiệp Việt - Nga, năm 2008 kim ngạch thương mại hai bên là 1,64 tỉ đô la Mỹ, tăng 62,4% so với năm 2007, trong đó Việt Nam xuất sang Nga 672 triệu đô la Mỹ. Song sáu tháng đầu năm nay kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Nga chỉ được 820 triệu đô la Mỹ, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng sáu tháng đó, Nga chỉ có thêm 2 dự án đầu tư mới vào Việt Nam. Tình hình có vẻ được cải thiện ở những tháng vừa qua - tại lễ khai trương hoạt động VRB Mátxcơva, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết 11 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 1,5 tỉ đô la Mỹ.
“VRB cần một cơ chế như thế nào cho dịch vụ tài chính?”. Ông Phẩm nói: “Chúng tôi đã đề nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cho phép VRB được niêm yết giá chính thức (tỷ giá trực tiếp) đồng rúp và tiền Việt nhằm tăng cường thanh toán qua ngân hàng bằng hai đồng tiền này.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu công dân Nga tại Việt Nam và người Việt, VRB kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho nhập khẩu đồng rúp tiền mặt trực tiếp vào Việt Nam”. Để tăng năng lực tài chính, năm tới VRB dự kiến tăng vốn lên 172 triệu đô la Mỹ, từ đó tạo điều kiện tăng vốn của VRB Mátxcơva lên 28 triệu đô la Mỹ.
Bên lề lễ khai trương VRB Mátxcơva, có những điều mà ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam bức xúc, nhưng việc tháo gỡ không nằm ở tầm của họ. Việt Nam đã quyết định miễn thị thực trong vòng 15 ngày và có thể gia hạn thêm cho mọi công dân Nga. Doanh nghiệp Việt Nam có quan hệ thường xuyên với thị trường Nga, đề nghị phía Nga xem xét cấp visa dài hạn cho các thành viên Hội đồng doanh nghiệp Việt - Nga (hiện có khoảng 400 đơn vị). Cho đến nay, đề nghị ấy chưa nhận được phản hồi.
Chuyển động từ điểm khởi đầu không phải bao giờ cũng dễ dàng, nhưng quan trọng là VRB Mátxcơva đã có được một chỗ đứng ở nước Nga. Từ chỗ đứng mang tính địa lý đến chỗ đứng trong lòng khách hàng và tạo dựng mối quan hệ với khách hàng là một thử thách. Thử thách khởi đầu của VRB Mátxcơva cũng là thử thách đang tiếp diễn với các doanh nghiệp và thương mại Việt - Nga.