Thứ bảy, 9/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

 Phát hành thư diễn tả ý định (LOI) như thế nào?  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

 Phát hành thư diễn tả ý định (LOI) như thế nào?  

(TBKTSG Online) - Trong giao dịch với đối tác nước ngoài, nhất là với Mỹ, họ yêu cầu cung cấp thư diễn tả ý định (Letter of Intent- LOI ), nếu không họ không giao dịch. Vậy việc phát hành LOI là như thế nào? Có gây rủi ro gì cho doanh nghiệp không?...

Từ thắc mắc của bạn đọc, ông Võ Đắc Khôi, cộng tác viên chuyên gia của TBKTSG, đã có bài viết giải thích.  

LOI là gì?

LOI là một văn bản diễn tả ý định của người ký tên trong bức thư đi vào một hợp đồng chính thức, đặc biệt trong sắp xếp công việc kinh doanh hoặc thanh toán thương mại. 

LOI thường dùng trong những tình huống trong đó một bên đang bán doanh nghiệp hay phương tiện kinh doanh cho bên kia. 

Nhưng LOI có thể cũng được dùng để phác họa mối quan hệ trong hợp đồng giữa hai bên nhà cung cấp và khách hàng. 

Vì vậy, trong từng lãnh vực, LOI có ý nghĩa khác nhau. 

Trong đầu tư, LOI là bức thư phác họa ý định của một doanh nghiệp để tiến tới sát nhập hay mua đứt một doanh nghiệp khác. Trong khu vực thương mại, LOI, nói chung, là văn bản tóm tắt các thành phần chính của một đề nghị kinh doanh, gồm giá mua bán, phương thức thanh toán, ngày tháng để ký và kết thúc thương vụ. 

LOI cũng được dùng để phát họa những kỳ vọng giữa những nhà cung cấp và khách hàng. 

Mặc dầu trong trường hợp này, LOI là một hướng dẫn hơn là một hợp đồng nhưng nó có thể thảo luận tất cả các khía cạnh của quan hệ. Chẳng hạn, nhà cung cấp ràng buộc duy trì đủ hàng tồn kho sản phẩm và nguyên liệu, chi tiết đặt hàng, phương thức vận chuyển, vận đơn và thủ tục giao hàng, xử lý trong trường hợp giá thay đổi, phân bổ trách nhiệm trong các khu vực như chất lượng nguyên liệu và sự xác nhận, các nỗ lực để giảm thiểu chi phí, thời hạn hợp đồng.  

Rủi ro của doanh nghiệp  

Trong hầu hết các trường hợp, LOI không bị ràng buộc pháp lý. 

Rủi ro của LOI thường thuộc về rủi ro thương mại, nhưng phần lớn thuộc về phía người bán. Một khi người mua có một bức thư được ký trong tay, anh ta có vị thế cứng hơn trong đàm phán khi các chi tiết hợp đồng vẫn còn phải được bàn thảo, gồm sự đại diện của người mua dành cho người bán trong thương vụ và các bảo đảm làm thế nào có sự bồi thường khi có sự vi phạm sự đại diện này; thỏa thuận của người bán rằng doanh nghiệp sẽ được điều hành như thế nào trước khi doanh nghiệp được người mua sở hữu. 

Nhiều người mua yêu cầu một điều khoản rằng người bán không chào mời tài sản hay hàng hóa đang bán cho bất kỳ ai khác trong một thời gian được quy định (thường là 60 hoặc 90 ngày). 

Người bán nên từ chối đưa vào điều khoản này, bởi vì có nghĩa rằng họ đang đẩy ra những người mua tiềm năng khác trong thời gian đã thỏa thuận mặc dầu người mua yêu cầu điều kiện không bị ràng buộc phải mua (nên nhớ, LOI không phải là văn bản pháp lý). 

Trong trường hợp này, người bán có thể yêu cầu người mua đặt tiền cọc. Số tiền này sẽ dùng để trả cho tư vấn và kế toán nếu giao dịch cuối cùng thất bại. 

Người mua tất nhiên có thể từ chối điều kiện này với lý luận rằng cả hai bên có trách nhiệm trang trải chi phí giao dịch ban đầu. Ngoài ra, nếu người bán đồng ý ký một LOI, anh ta hoặc cô ta có thể cho người mua tiềm năng một cơ hội tốt hơn để tìm kiếm tài trợ cho việc mua (ngân hàng có xu hướng nghiêng về việc thuận cho việc vay vốn khi người mua trình LOI như là một lời giải thích lý do cần thiết của khoản vay).  

Mặc dầu không phải là một ràng buộc pháp lý, các chuyên viên thương mại và luật vẫn tư vấn cho chủ doanh nghiệp cẩn thận trong việc soạn thảo và sử dụng LOI. 

Đã có nhiều trường hợp tranh chấp thương mại vì mỗi bên hiểu ý nghĩ của LOI mỗi khác nhau. Không ít trường hợp tòa cho rằng văn bản vẫn có tính ràng buộc và tuyên bố, buộc người bán phải bán và người mua được mua khi hai bên muốn nuốt lời.  

Khi soạn thảo, bạn trước hết phải có một câu nói rõ bức thư tự nó không phải là một ràng buộc pháp lý cho đến khi hợp đồng được ký. 

Nếu bạn là bên mua, trong nội dung bức thư không nên nói rằng hai bên sẽ đàm phán hướng tới một hợp đồng mua và bán trong tinh thần thiện chí. 

Vì người bán chỉ cần hoặc yêu cầu các điều kiện hợp lý để thỏa mãn tiêu chuẩn thiện chí ấy là bạn có thể đi đến tranh chấp thương mại.  

Các điều kiện chính nên được đưa vào trong một LOI gồm giá được trả bao gồm phần trả trước và trả từng phần, mô tả tài sản hoặc hàng hóa được bán, phân bổ thuế trong số các tài sản cố định, uy tín, thỏa thuận không cạnh tranh, phí tư vấn, ngày ký hợp đồng và kết thúc. 

Trong những yếu tố này, giá và điều kiện thanh toán là yếu tố quan trọng nhất của một LOI. 

VÕ ĐẮC KHÔI

Chuyên viên Trung tâm Thông tin Tư liệu- Lãnh sự quán Mỹ TPHCM

 

Thư gốc của bạn đọc Đào Trọng Phúc   

Đầu thư chân thành cảm ơn các anh chị đã cho ra đời sản phẩm báo chí mới của nhóm báo TBKTSG là TBKTSG Online.

TBKTSG đã là người bạn đồng hành của tôi từ những ngày tôi học đại học những năm 1990 đến nay.

Hiện tại, có một vấn đề gai góc mà tôi đang vấp phải nhưng không biết hỏi ai rất mong TBKTSG giúp đỡ hay cho tôi địa chỉ của những cộng tác viên của TBKTSG có thể giúp tôi.

Trong giao dịch với các đối tác nước ngoài, nhất là với Mỹ, họ yêu cầu cung cấp LOI (Letter of Intent), BCL (Bank Comfort Letter), NCND... Nếu không họ không giao dịch. Nhưng thực sự trong ngoại thương, chúng ta chỉ dùng Inquiry, Offer, Bid, Contract.. Việc phát hành các giấy tờ này là như thế nào? Có gây rủi ro gì cho doanh nghiệp không?...

Rất mong TBKTSG giúp đỡ. Mọi vấn đề vui lòng liên hệ Đào Trọng Phúc 0983 136 836 hay phucdsc@gmail.com

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới