Chủ Nhật, 18/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đôi lời giải oan cho ngôn ngữ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đôi lời giải oan cho ngôn ngữ

Nhất Chi Mai

Trích dẫn từ Cao Xuân Hạo cần phải gắn với các ví dụ và nội dung ông đang bàn tới, nếu không sẽ dẫn đến cách hiểu sai lệch. Ảnh: Nhất Chi Mai

LTS: Tiếp tục ý kiến tranh luận xung quanh loạt bài viết Phiên âm hay viết theo tiếng Anh?, tòa soạn xin giới thiệu thêm bài viết của bạn đọc Nhất Chi Mai.

>> Phiên âm hay viết theo tiếng Anh?

>> Nên viết nguyên dạng và chuyển tự

>> Trao đổi thêm với tác giả Thư Hoài

>> Những ý kiến thiên vị tiếng Anh

>> Để hiểu hay để đọc?

>> Để hiểu và cả để đọc

Dưới đây là bài viết của bạn đọc Nhất Chi Mai:

Tại sao phiên âm

Một giai đoạn dài trong lịch sử, tiếng Hán là ngôn ngữ chữ viết chính thức của người Việt trước khi xuất hiện chữ Nôm và chữ quốc Ngữ. Rồi đến giai đoạn Pháp thuộc, tiếng Pháp dù là ngoại ngữ nhưng trở thành một thứ tiếng bắt buộc phải học trong các trường học người Việt.

Thời đó, với thành phần dân số hơn 90% là mù chữ, nên phần lớn các từ tiếng Pháp xâm nhập vào tiếng Việt bằng khẩu ngữ, vì trình độ tiếp nhận của người dân còn chưa cao, vì thế ngôn ngữ tiếng Pháp chủ yếu là phiên âm, góp phần làm giàu thêm tiếng Việt bằng một số từ chỉ các sự vật hiện tượng chưa hề xuất hiện trong tiếng Việt trước đó, như xi măng, lô cốt…

Với tiếng Anh, ban đầu xu hướng cũng như tiếng Pháp, nghĩa là tiếp xúc bằng khẩu ngữ, với những cao bồi (cowboy) mít tinh (meeting)... nhưng với giai đoạn hiện nay, khi tiếng Anh được coi là một ngôn ngữ phổ biến thì sự tiếp xúc lại phần lớn là qua mặt chữ bằng các phương tiện sách báo, internet.

Ở đây, chúng ta có thể nhận thấy hai thái cực đối lập. Thứ nhất là trường hợp những từ ngoài vào đã đồng hoá về nội dung cũng như về hình thức, tới mức người bản ngữ không còn ý thức về nguồn gốc ngoại của chúng nữa. Thứ hai là trường hợp những từ có thể gọi là từ ngoại không có khả năng đồng hoá, mà trái lại sẽ được dùng trong bản ngữ với yêu cầu mãi mãi là ngoại. Ở trường hợp này lại làm nảy sinh xung đột bản ngữ – ngoại ngữ, giữa phiên âm hay giữ nguyên dạng.

Về trường hợp thứ hai, nên kể trước hết những tên riêng – tên người, tên sông núi, thành phố không phải ở nước mình mà ở nước ngoài, và tên của những nước đó. Nên viết Hăm-lét, Hamlet hay Hăm Liệt, nên viết Oa-sing-tơn, Washington hay Hoa Thịnh Đốn? Đâu là chuẩn mực?

Nội dung và hình thức của những tên riêng này là ngoại trong ý thức của người bản ngữ, và giá trị thông tin văn hoá của chúng chính là ở bản chất ngoại đó. Cho nên, trong sự chuẩn mực hoá, cái ý muốn duy trì những tên riêng ấy ở hình thức vốn có của chúng ở trong ngoại ngữ là một điều hợp lý.

Ngoài những tên riêng đó, những từ tiếng nước ngoài có thể dịch ra được nhưng người bản ngữ vẫn muốn dùng với hình thức ngoại của chúng để thông tin về những nội dung mang sắc thái biểu cảm độc đáo. Thí dụ, như từ gangster, từ Mafia… được giữ nguyên cả cách viết, là không muốn làm mất đi những nét riêng của xã hội nước Mỹ, nước Ý, mặc dù có thể có những từ để đáp ứng những nội dung ấy, vì ở đâu mà chẳng có những loại tội phạm như vậy.

Nhưng cowboy lại không được dịch thành cậu bé chăn bò. Hoặc là, việc Việt hóa từ cowboy thành cao bồi, phần vì muốn giữ các đặc trưng về nghĩa của từ này, phần là từ này được biết đến bằng khẩu ngữ trước, vì thế, viết nguyên dạng cowboy, phiên âm cao-boi hay đồng hóa cao bồi là tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Phải nói một điều, ngôn ngữ có tính võ đoán, nghĩa là không có lý do, nguyên nhân. Không ai biết nguyên nhân tại sao cùng một con vật mà nơi thì gọi ngựa, nơi thì nói là mã, nơi thì viết là horse. Bản chất của ngôn ngữ là mang tính xã hội, và vì thế cái gì được xã hội thừa nhận thì tồn tại được, không được thừa nhận thì sẽ lụi tàn.

Trong ngôn ngữ có một quy luật, phàm một từ sai, cách viết hay cách đọc cũng thế, nếu được sử dụng nhiều lần bởi nhiều người, thì cái sai đó sẽ trở thành đúng. Vì thế, những tranh cãi về đúng sai của từ, một cách nói, cách viết sẽ gây ra nhiều phản ứng trái chiều.

Quá trình tiếp nhận tiếng Anh của người Việt theo hai dạng, phiên âm theo kiểu Việt, và giữ nguyên dạng tiếng Anh. Chính tả tiếng Anh vay mượn vẫn còn có những sự khác nhau. Điều này tùy thuộc và thời gian, vào ngữ cảnh, vào tình huống, và đối tượng theo hai cách, thứ nhất là giữ nguyên dạng, thứ hai là biến đổi theo cách phát âm của người Việt.

Về cách dùng: như tiếng Việt hằng ngày, vì đã được đồng hóa hay vay mượn trong đó. Có thể được giữ nguyên dạng, hay biến âm tùy theo sự hiểu biết và điều kiện tiếp xúc của người nói.

Về cách viết:  vẫn còn có những sự khác nhau, tùy thuộc và thời gian, vào ngữ cảnh, vào tình huống, và đối tượng. có hai cách, thứ nhất là giữ nguyên dạng, thứ hai là biến đổi theo cách phát âm của người Việt.

Về phương diện ngữ âm: tiếng Anh là ngôn ngữ biến hình, tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập nên các từ thường được biến đổi cho phù hợp với đặc trưng ngữ âm của tiếng Việt.

Tiếng Anh là một ngôn ngữ đang được sử dụng phổ biến ở các đô thị Việt Nam do đó việc du nhập vào ngôn ngữ bản địa là điều khó tránh khỏi. Một người dẫn chương trình hay một MC đều được chấp nhận. Nói thư điện tử hay một email đều có nghĩa như nhau.

Đồng hóa

Một vấn đề nữa trong quá trình phát triển của tiếng Việt là đồng hóa từ vay mượn. Nói chung, điều này biểu thị mặt tích cực, sáng tạo, của người bản ngữ đối với từ vay mượn để nhằm tạo nên tính chất thuần nhất trong bản ngữ. Cho nên, trong sự chuẩn mực hoá ngôn ngữ, đồng hoá từ vay mượn là một yêu cầu rất được chú ý.

Nhưng như thế nào là đồng hoá thì hình như không phải không có lúng túng trong quan niệm, và do đó, trong các quy định chuẩn mực hoá, thí dụ, ở tiếng Pháp có từ mượn pullover thì trong tiếng Việt còn lại là áo pull, hay áo thun Hiện nay, cách xử lý chuẩn mực hoá vẫn chưa rõ nên vẫn còn gây tranh luận. Tôi cho rằng ý kiến theo kiểu nghe thuận tai hơn, hay đọc thuận mắt hơn chỉ là bằng cảm tính mà thôi.

Trong tiếng Việt, vấn đề đồng hóa chính tả cũng được chú ý và đề cao. Chẳng hạn người ta yêu cầu viết a-xít, thay vì a xít hay axít… thì có người cho rằng như thế dễ đọc hơn. Dù vậy, sự đồng hoá về chính tả không thể làm thay đổi được tính cách của từ mượn khi nó được đồng hoá ở các mặt ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa.

Một khi quan điểm chưa rõ, thì không thể rõ các nguyên tắc, và giải pháp đưa ra khó có hiệu lực. Chẳng hạn, viết Sếch-xpia, viết axit phải chăng là vừa dễ, vừa đảm bảo tính cách bản ngữ, mà trái lại, viết Shakespeare viết a-xít hay (acid) là vừa khó, vừa xúc phạm tính cách bản ngữ?

Việc sử dụng từ vay mượn còn do nhu cầu định danh chính xác. Tất nhiên, hoàn toàn không có căn cứ để nói rằng từ bản ngữ không đủ sức đáp ứng nhu cầu định danh chính xác. Nhưng có những trường hợp khi nội dung có tính chất đặc biệt thì mượn, do chỉ có một nghĩa nên đáp ứng được tốt nhất đòi hỏi phải gọi tên cái nội dung ấy mà không gây ra lẫn lộn. Chẳng hạn trường hợp từ công-ten-nơ tiếng Việt: từ này vay mượn từ tiếng Anh là container chỉ cái chứa, cái đựng nói chung, và chỉ một loại thùng đặc biệt chuyên dùng trong vận tải; nếu thay thế nó bằng từ thùng cho đơn giản thì không thoả mãn nhu cầu định danh nói trên, bởi vì không phải loại thùng nào cũng là công-ten-nơ cả.

Vài lời giải oan cho cố giáo sư Cao Xuân Hạo

Nhiều trích dẫn được đưa ra từ các ý kiến của Cao Xuân Hạo, bậc thầy về ngôn ngữ học của Việt Nam, nhưng đáng tiếc, ý kiến về ông lại tỏ ra khá cực đoan.

Khi tác giả Thư Hoài trích dẫn “Chủ trương phiên âm đưa đến một kết quả đáng buồn là người đọc sách báo bị bắt buộc phải vừa viết sai lại vừa đọc sai, chứ nếu viết theo nguyên dạng, ít ra ta cũng còn có được một mặt chắc chắn đúng: mặt chính tả là mặt quan trọng nhất”, các ý kiến phản đối rất quyết liệt.

Thưc ra đây là kết luận của cố giáo sư Cao Xuân Hạo dẫn ra khi nói về một loạt các phiên âm sai như từ Lassalle được phiên âm là Lát-xan-lơ thay vì là Lát-xan, Engels thành Ăng-ghen thay cho En-ghen hay Eng-gơn, Diesel thành Đi-ê-den thay cho Đi-dơn…. Trước đó ông có nói rằng những kiểu nhầm lẫn như vậy là không thể tránh khỏi, vì không ai có thể biết hết cách đọc, nhất là cách đọc tên riêng của hàng trăm thứ tiếng.

Bài Về cách viết và cách đọc các tên riêng nước ngoài trên văn bản tiếng Việt, in trong cuốn Tiếng Việt – mấy vấn đề về ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa là một tư liệu giá trị của một người dành cả đời cho nghiên cứu ngôn ngữ. Vì thế, khi trích dẫn cần phải gắn với các ví dụ của ông, gắn với nội dung ông đang bàn tới, nếu không sẽ làm cho một ý kiến giá trị trở nên bị hiểu sai, dẫn đến những phê phán đáng tiếc.

Giữ nguyên dạng tiếng Anh một số từ cũng là một xu thế của nhiều xã hội trên thế giới vì vị thế của tiếng Anh trên thế giới càng ngày càng được đề cao.

Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo David Crystal trong cuốn English as Global Language, số người nói tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất là 337 triệu người, những người dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai là 235 triệu. Còn theo Eddie Ronowiez và Collin Yallop trong cuốn English: One language, different cultures thì tổng số người nói tiếng Anh bản ngữ và không bản ngữ là khoảng hơn 2 tỉ người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới