Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các nước CPTPP nhất trí khởi động đàm phán để kết nạp Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các nước CPTPP nhất trí khởi động đàm phán để kết nạp Anh

Khánh Lan

(KTSG Online) - 11 nước thành viên của Hiệp định Đối tác và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhất trí khởi động đàm phán để tiếp nhận Anh vào hiệp định tự do thương mại này sau cuộc họp trực tuyến hôm 2-6.

Các nước CPTPP nhất trí khởi động đàm phán để kết nạp Anh
Các bộ trưởng 11 nước thành viên CPTPP họp trực tuyến ngày 2-6. Ảnh: Kyodo

Tuyên bố chung của 11 nước thành viên CPTPP - trong đó có Việt Nam - sau cuộc họp này cho hay, việc khởi động tiến trình gia nhập của Anh và khả năng mở rộng của CPTPP sẽ “gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến các đối tác thương mại của chúng tôi trên khắp thế giới, và giúp chống lại chủ nghĩa bảo hộ cũng như việc sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại phi lý”.

Các thành viên CPTPP cho rằng tiến trình gia nhập của Anh sẽ tạo ra một cơ hội để thúc đẩy các quy định có tiêu chuẩn cao của CPTPP đối với thương mại của thế kỷ 21, thúc đẩy hơn nữa tự do thương mại, các thị trường cạnh tranh và cởi mở cũng như sự hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và bên ngoài.

Các nước CPTPP và Anh dự kiến thành lập một nhóm công tác trong vòng vài tháng tới để thảo luận thuế quan cũng như các quy định đầu tư và thương mại. Anh chính thức đề nghị gia nhập CPTPP hồi tháng 2 khi nước này tìm cách mở ra các con đường mới để phát triển thương mại và xây dựng sức ảnh hưởng ở thời kỳ hậu Brexit (Anh rút khỏi Liên minh châu Âu - EU).

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản, Yasutoshi Nishimura, nói: “Tôi nghĩ rằng cuộc đàm phán gia nhập CPTPP của Anh có ý nghĩa lớn xét trên góc độ chiến lược về viêc củng cố mối quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Anh”. Ông cho biết với sự gia nhập của Anh, GDP danh nghĩa của CPTPP sẽ gần ngang bằng với GDP danh nghĩa của Liên minh châu Âu (EU). Hiện nay, quy mô kinh tế của CPTPP chiếm khoảng 13% GDP toàn cầu.

Anh và Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận thương mại song phương hồi tháng 10 năm ngoái, đánh dấu thỏa thuận thương mại đầu tiên của Anh ở thời kỳ hậu Brexit. Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh, Liz Truss nói: “Việc trở thành thành viên của CPTPP tạo ra cơ hội lớn cho nước Anh. Hiệp định này sẽ giúp trọng tâm kinh tế của chúng ta rời dần khỏi châu Âu để hướng đến những nơi tăng trưởng nhanh hơn của thế giới và đào sâu sự tiếp cận của chúng ta đối với các thị trường tiêu dùng khổng lồ ở châu Á - Thái Bình Dương”.

Bộ Thương mại quốc tế Anh cho biết năm 2019, kim ngạch thương mại của Anh với 11 nước thành viên CPTPP đạt 110 tỉ bảng. Nhà phân tích Mike Dennis của Bloomberg Intelligence nhận định việc gia nhập CPTPP sẽ giúp Anh đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở châu Á.

Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết vào năm 2016 với sự góp mặt của Mỹ. Lúc đó, TPP được chính quyền Tổng thống Barack Obama xem là một liên minh thương mại do Mỹ dẫn đầu để cạnh tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi ông Donald Trump lên làm tổng thống, một trong những quyết định đầu tiên của ông là rút Mỹ khỏi TPP vì cho rằng hiệp định này không có lợi cho công nhân Mỹ.

Sau đó, dưới sự dẫn dắt của Nhật Bản, TPP được đổi tên thành CPTPP và được ký kết mà không có sự tham gia của Mỹ. CPTPP có hiệu lực vào vào cuối năm 2018. Hiệp định này xóa bỏ hầu hết thuế quan giữa các nước thành viên, cho phép các cường quốc nông nghiệp như Úc tăng cường xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản, trong khi đó, giúp Nhật Bản thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa công nghiệp như linh kiện ô tô. CPTPP cũng nới lỏng các quy định hạn chế đầu tư và nâng cao bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ với mục tiêu cải thiện sự hội nhập kinh tế giữa các nước thành viên,

Hiện tại, Tổng thống Mỹ, Joe Biden không quan tâm lắm đến việc xem xét gia nhập CPTPP một phần là vì các thỏa thuận tự do thương mại không được nhiều cử tri ở các bang dao động (swing state) ủng hộ. Bang dao động là nơi lực lượng cử tri không dành sự ủng hộ nghiêng hẳn vào đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ.

CPTPP dỡ bỏ 95% thuế quan giữa 11 nước thành viên hiện tại gồm Nhật Bản, Canada, Úc, Việt Nam, New Zealand, Singapore, Mexico, Brunei, Chile và Malaysia. Hiện nay, đã có 7 nước thành viên phê chuẩn CPTPP.

Không giống như Liên minh châu Âu (EU), CPTPP không đặt mục tiêu tạo ra một thị trường chung hay một liên minh hải quan cũng như không tìm kiếm sự hội nhập chính trị rộng lớn hơn.

Anh là nước đầu tiên xin gia nhập CPTPP sau khi hiệp định này có hiệu lực. Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan, Mexico cũng bày tỏ mong muốn gia nhập khối tự do thương mại này.

Theo Guardian, WSJ, Kyodo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới