Doanh nghiệp chung tay đưa nông sản đi tiêu thụ đa kênh
Chánh Trung
(KTSG Online) – Các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử đang tăng tốc triển khai hàng loạt hoạt động nhằm hỗ trợ đưa vải thiều Bắc Giang và các loại nông sản khác đi tiêu thụ.
Bắc Giang hiện có hơn 28.000 ha vải thiều với sản lượng ước tính 180.000 tấn. Đây là loại nông sản có thời gian thu hoạch ngắn và khó bảo quản, do vậy, khó khăn lớn nhất của địa phương hiện nay là thiếu nguồn nhân lực thu hái, vận chuyển và tiêu thụ vải thiều. Trong đó, khâu vận chuyển được đánh giá là khó khăn hơn cả do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. |
Sôi động phương thức giao thương
Các giải pháp dịch vụ hậu cần (logistic) của ngành hàng không đã tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho việc tiêu thụ vải thiều. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) cho biết ngày 7-6 đã dành trọn tải chuyến bay chuyển vải thiều xuất khẩu đến Nhật Bản.
Theo đó Vietnam Post đã kết nối với các nhà thu mua và xuất khẩu vải thiều để dành trọn tải chuyến bay đưa hàng chục tấn vải sang Nhật Bản. Đây là chuyến vận chuyển vải thiều xuất khẩu thứ 4 của Vietnam Post trong mùa vụ năm nay đến thị trường “khó tính” này. Trước đó, những lô vải thiều đầu tiên của Bắc Giang cũng đã đến Nhật Bản trên các tàu thân rộng của Vietnam Airlines.
Sau gần một tháng hỗ trợ nông dân Bắc Giang đưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử tại sàn Postmart.vn tính từ đầu tháng 5 nay số lượng đơn hàng đặt trên sàn 111.000 đơn. Khoảng 600 nhà cung cấp là các hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ trồng vải tại Bắc Giang đã được nhân viên Vietnam Post hỗ trợ đưa sản phẩm của mình lên mở gian hàng tại sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
Vải thiều Bắc Giang mở bán trên sàn Postmart.vn. Ảnh: Vietnam Post |
Trong khi đó sàn thương mại điện tử Shopee ngày 8-6 cho biết đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, hỗ trợ các Hợp tác xã, doanh nghiệp của địa phương để quảng bá và tiêu thụ mặt hàng vải thiều Bắc Giang trên nền tảng của mình. Theo đó, từ ngày 6-6-2021, Shopee đã tổ chức các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ các chi phí vận hành kho và chi phí vận chuyển sản phẩm vải thiều Bắc Giang giao ngay trong ngày tới tay người tiêu dùng tại hai thành phố Hà Nội và TPHCM.
Ngay trong những giờ đầu tiên mở bán sản phẩm vải thiều Lục Ngạn trong ngày 6-6, toàn bộ sản phẩm vải thiều Lục Ngạn trên gian hàng ShopeeFarm đã được bán hết. Cũng trong ngày 6-6, tổng cộng có hơn 15 tấn trái cây bao gồm mận hậu, xoài tròn Sơn La, bưởi, dừa Tiền Giang và vải Bắc Giang được tiêu thụ.
Trước đó, trong tháng 4 và tháng 5, sàn Sendo.vn cũng đã có các chương trình phối hợp cùng Bộ Công Thương để chuyển giao công nghệ và xúc tiến thương mại cho bà con nông dân Hải Dương, đưa rau và vải Hải Dương lên sàn thương mại điện tử. Với Bắc Giang chúng tôi đã có một chiến dịch “thần tốc” nhằm chuyển giao các công nghệ bán hàng đến cho bà con nông dân, trong đó có công nghệ livestream. Mục tiêu của Sendo là giúp bà con có thêm phương tiện để xây dựng tương lai vững chắc cho nghề nông, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch công ty Sendo.vn cho hay. |
Vào ngày 6-6, sàn thương mại điện tử Sen Đỏ (Sendo.vn) đã tổ chức cho bà con nông dân Bắc Giang thực hành livestream chốt đơn tại vườn trong quy mô chương trình “Chung tay ủng hộ vải Lục Ngạn, Bắc Giang” do sàn thương mại điện tử Sendo.vn phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức.
Việc một sàn thương mại điện tử giao trang fanpage trên mạng xã hội Facebook và ứng dụng di động của sàn cho nông dân thực hành livestream là điều đáng chú ý trong cộng đồng thương mại điện tử. Kết quả trong buổi livestream, trong chỉ 40 phút, bà con nông dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã bán hết 8 tấn vải thiều. Tính trong 12 giờ đầu tiên mở bán, bà con nông dân Bắc Giang đã bán được tổng cộng 30 tấn. Không dừng lại ở đó, Sendo.vn còn đặt mục tiêu bán hết 100 tấn vải trong 10 ngày diễn ra chương trình.
Đại diện sàn thương mại điện tử Voso.vn (Viettel Post) cho biết trong 10 ngày vừa qua, sàn Voso.vn của doanh nghiệp này đã hỗ trợ bà con nông dân Bắc Giang tiêu thụ được hơn 240 tấn, với tổng giá trị sản phẩm vải thiều Bắc Giang giao dịch trên Voso.vn đạt trên 8,6 tỷ đồng. Tính từ ngày 28-5 đến nay, sàn Voso.vn của Viettel Post đã hướng dẫn, hỗ trợ 133 hộ nông dân mở gian hàng trên sàn.
Không dừng lại ở việc thúc đẩy tiêu thụ
Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Vietnam Post cho biết: “Mùa vải năm 2021, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ hỗ trợ Bắc Giang tiêu thụ 3.000 tấn vải thiều. Hiện tại vải Bắc Giang đang bắt đầu vào chính vụ. Vietnam Post đã bố trí đầy đủ phương tiện vận chuyển, kho lạnh, hạ tầng kỹ thuật sàn thương mại điện tử, nguồn nhân lực vận hành sàn để đảm bảo việc mua, bán vải qua sàn được thuận tiện, nhanh chóng và an toàn. Chúng tôi cam kết, vải được chuyển đến tận tay người tiêu dùng sẽ đảm bảo chất lượng tươi ngon. Mục tiêu trước mắt là hỗ trợ nông dân Bắc Giang nhanh chóng tiêu thụ vải thiều, đồng hành cùng người dân vượt qua đại dịch covid-19. Tuy nhiên xa hơn cả Vietnam Post muốn hướng tới việc làm thay đổi tư duy bán hàng của người dân Việt, nhất là người dân nông thôn trong lĩnh vực thương mại điện tử. Qua đó giúp người dân làm giàu từ chính các sản phẩm của hộ gia đình mình. Đồng thời góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp số, kinh tế số nông thôn”.
Không chỉ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trên sàn, Shopee và các đối tác cũng triển khai các hoạt động tới người nông dân như đào tạo kinh doanh trực tuyến, các tiêu chuẩn về vận hành và đóng gói hàng hóa, các kĩ năng về quảng bá giới thiệu sản phẩm. Người nông dân trồng vải có thể trực tiếp lên livestream giới thiệu về sản phẩm vải thiều Bắc Giang trên nền tảng Shopee, đại diện sàn Shopee cho biết thêm.
Nhân viên Vietnam Post hướng dẫn người nông dân đưa nông sản lên sàn. Ảnh: DNCC |
Chiều ngày 8-6, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) và Grab Việt Nam cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện chương trình “Hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp”.
Trước mắt, Chương trình đặt mục tiêu thúc đẩy hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua các nền tảng số nói chung đối với các địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, địa phương nằm trong vùng giãn cách, phong tỏa xã hội, trong đó có thử nghiệm trên nền tảng của Grab.
Song song đó các bên cũng có những kế hoạch, hoạt động thiết thực để nâng cao nhận thức và năng lực triển khai chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người nông dân sản xuất nông nghiệp khắp cả nước. Theo chiến lược dài hạn, Chương trình hợp tác giữa các bên sẽ đóng vai trò như một mô hình thử nghiệm nhằm xem xét tính hiệu quả về hỗ trợ chuyển đổi số cho các nhà sản xuất nông nghiệp từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ, nhằm nâng cao lợi thế, tính cạnh tranh và thúc đẩy thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, cho biết thêm: “chúng tôi mong muốn thông qua nền tảng công nghệ và mạng lưới đối tác rộng lớn của mình, Grab có thể kết nối các địa phương trong tiêu thụ trái cây, nông sản và các sản vật địa phương để tìm được đầu ra cho nông sản một cách hiệu quả hơn, nhu cầu tiêu dùng của người dân được đáp ứng một cách đầy đủ và an toàn. Chúng tôi cũng rất mong sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ và người dân để cùng chung tay hỗ trợ nông sản Việt”.
Khởi động chiến dịch chiến dịch hỗ trợ nông dân Bắc Giang ngay khi tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Bắc Giang bắt đầu phức tạp, việc tiêu thụ nông sản của nông dân trên cả nước đang gặp không ít khó khăn. Vietnam Post đã lập tức đồng hành cùng với các hộ gia đình để đưa các sản phẩm đặc sản mùa vụ, trong đó phần lớn là vải thiều Lục Ngạn lên tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Qua đó, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận với phương thức kinh doanh online, từng bước chủ động hơn trong việc đưa các sản phẩm của mình ra thị trường trong nước và quốc tế.
Theo kế hoạch, Vietnam Post sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu để kết nối đưa vải thiều Bắc Giang cũng như các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Việt Nam đến các thị trường quốc tế khác như Hà Lan, Pháp, Cộng hòa Séc, Úc, Brunei,… Qua đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt và mở rộng cơ hội xuất khẩu ra thế giới.
Vải thiều Bắc Giang năm nay ghi nhận được mùa lớn, với sản lượng tăng hàng chục ngàn tấn so với năm trước. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã đặt ra bài toán khó cho việc tiêu thụ nông sản thế mạnh này của tỉnh. Đặc biệt, khâu vận chuyển hàng hóa cần phải rất nhanh chóng, với khả năng bảo quản tốt để vải thiều đến tay người tiêu dùng vẫn giữ được chất lượng tươi mới. Trước yêu cầu này, đường hàng không đã được huy động tối đa để thực hiện nhiệm vụ. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh khiến số lượng chuyến bay sụt giảm, tàu bay phải nằm đất, nhưng hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã cam kết bố trí nguồn lực để đáp ứng tối đa nhu cầu vận chuyển vải quả, đảm bảo lưu thông chuyên chở vải đi khắp vùng miền đất nước và xuất khẩu nước ngoài. |