Ngành du lịch Huế gặp nhiều thách thức khi muốn phục hồi sau dịch
Nhân Tâm
(KTSG Online) - Các hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch bị trì hoãn do dịch vẫn còn bùng phát ở nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp đóng cửa và lao động nghỉ việc được dự báo là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng phục hồi và khai thác sau khi dịch bệnh được kiểm soát của ngành du lịch Thừa Thiên Huế.
Khách du lịch trải nghiệm tour xích lô vòng quanh thành phố Huế lúc chưa bùng phát dịch. Ảnh: Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cung cấp. |
“Các doanh nghiệp du lịch qua các đợt dịch vừa rồi gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đóng cửa, cơ sở vật chất xuống cấp, lao động biến động”, ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế chia sẻ với KTSG Online hôm nay, 16-6.
Ông Minh cho biết đây cũng là một trong những khó khăn, hạn chế của ngành du lịch khi thực hiện các kế hoạch phục hồi sau dịch.
Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Sở Du lịch và ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hôm qua, 15-6, ông Minh nói tình hình nguồn nhân lực du lịch có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao.
Một khó khăn khác chính là công tác triển khai hoạt động xúc tiến quảng bá, các lễ hội, các hoạt động tương tác bên ngoài của ngành hầu như bị trì hoãn hoặc dừng thực hiện do dịch bùng phát.
“Do vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phục hồi và khai thác sau khi dịch bệnh được kiểm soát”, ông nhận định.
Để giải quyết những thách thức, theo đại diện Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cơ quan này đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thông qua một số nội dung như kích cầu thúc đẩy phát triển du lịch, giảm thuế thuê đất, giảm giá nước, kéo dài thời gian giảm phí tham quan di tích…
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch nên hầu hết các nhiệm vụ quảng bá bên ngoài, các hội chợ, các đoàn famtrip, presstrip phải tạm dừng hoặc không triển khai được. Vì vậy, ngành du lịch Huế chỉ tập trung ở nhiệm vụ truyền thông tại chỗ trên các trang truyền thông trực tuyến của ngành du lịch như Facebook, Youtube, Tiktok... bằng ảnh và các video clip.
“Truyền thông Cuộc thi ảnh và video clip trực tuyến “Huế trong tôi” với mỗi tháng mỗi chủ đề trên kênh truyền thông trực tuyến của Visit Huế, giới thiệu hình ảnh điểm đến, ẩm thực, dịch vụ du lịch là một vài ví dụ”, ông Minh nói. Ông cho biết thêm, ngành du lịch đã hoàn thành thiết kế bản đồ Bluemap các điểm đến an toàn trên địa bàn tỉnh và hiện đang tiếp tục cập nhật và triển khai thêm các điểm đến an toàn mới nhằm đồng bộ và kịp thời phục vụ du khách.
“Chúng tôi đã tham mưu, tổng hợp danh sách cán bộ, người lao động trong ngành du lịch chuẩn bị tiêm vaccine trong tháng 6 này”, ông Minh chia sẻ.
Du lịch cộng đồng tại huyện miền núi A Lưới - một trong những hướng đi cho ngành du lịch Thừa Thiên Huế trong thời gian tới. Ảnh: Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cung cấp |
Được biết, nhằm đưa ra những kế hoạch phù hợp để “sống chung với dịch” trong những năm tiếp theo và đối phó với những thách thức trên, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đang hoàn chỉnh dự thảo Chương trình hành động về phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025.
Ước tính 6 tháng đầu năm 2021, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế khoảng hơn 600.000 lượt, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2020 và chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ năm 2019. Khách lưu trú phục vụ khoảng 385.000 lượt, giảm khoảng 31% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch 6 tháng đạt khoảng 885 tỉ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ năm 2019. |