Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tác giả Đặng Hoàng Giang: ‘Trầm cảm xuất hiện ở mọi nơi, trong mọi gia đình’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tác giả Đặng Hoàng Giang: 'Trầm cảm xuất hiện ở mọi nơi, trong mọi gia đình'

Nguyễn Tường thực hiện

(KTSG) - Là thạc sĩ về công nghệ thông tin (Đại học Kỹ thuật Ilmenau, Đức), tiến sĩ về kinh tế phát triển (Đại học công nghệ Vienna, Áo), nhà nghiên cứu về xã hội dân sự và quản trị nhà nước, nhưng vài năm gần đây, ông Đặng Hoàng Giang gây chú ý với những cuốn sách phi hư cấu đi sâu vào lĩnh vực tâm lý, xã hội học. Sách của ông có tầm ảnh hưởng rộng rãi.

Ông chuẩn bị ra mắt một cuốn sách viết về trầm cảm trong xã hội Việt Nam hiện đại. KTSG có cuộc trao đổi với tác giả, mở rộng liên kết chủ đề của cuốn sách với cuộc khủng hoảng tinh thần mà đại dịch Covid-19 đang gây ra.

Tác giả Đặng Hoàng Giang: 'Trầm cảm xuất hiện ở mọi nơi, trong mọi gia đình'
Tác giả Đặng Hoàng Giang.

KTSG: Trầm cảm - chủ đề được coi rất riêng tư này - hẳn đã đặt ra những thách thức nhất định trong cách thể hiện. Ông có thể chia sẻ với người đọc về những khác biệt trong chọn lựa phương pháp, “cách kể” ở cuốn sách này so với các cuốn đã ghi dấu ấn với độc giả trước đây?

- Tác giả Đặng Hoàng Giang: Giống như trước đây với đề tài về bệnh nhân ung thư hay về người trẻ, tôi vẫn dùng thể loại phi hư cấu kể chuyện (narrative non-fiction) cho cuốn sách này. Thông qua các câu chuyện thật, các số phận cá nhân của những người vô danh, chứ không phải thông qua những con số hay các báo cáo khô khan, tôi muốn nêu lên những vấn đề xã hội.

Tôi muốn mình cất lên tiếng nói cho người yếu thế, trong trường hợp này là người trầm cảm, giúp họ kể câu chuyện của mình. Thách thức trong quá trình đồng hành với họ là quá trình làm việc không được liên tục. Có người “lặn” đi trong nhiều tháng rồi lại xuất hiện. Lúc đầu tôi tưởng họ không muốn tiếp tục, sau mới hiểu đó là quãng thời gian họ vật lộn với bệnh. Đây là một cơ hội để tôi luyện sự kiên trì.

KTSG: Có những vấn đề về tâm bệnh học cần đến phông nền khi tiếp cận, nhưng lại không phải là lĩnh vực chuyên môn của ông. Ông đã xử lý thế nào trong quá trình khảo sát?

- Trầm cảm là một lĩnh vực phức tạp (và do đó cũng rất thú vị), nhưng nó không “huyền bí” hơn ung thư hay Covid-19. Bất cứ ai có khả năng tiếp cận thông tin có chất lượng, có khả năng tổng hợp và phân tích thông tin và chịu dành thời gian đều có thể tạo cho mình một bức tranh về việc giới chuyên môn đã trả lời được những câu hỏi nào và những câu nào còn đang để ngỏ.

Tôi đã dành gần hai năm để đi qua hàng trăm cuốn sách và bài báo chuyên môn bằng tiếng Anh và tiếng Đức, các sách giáo khoa của các trường đại học nước ngoài, các tài liệu của các hiệp hội tâm thần, các trải nghiệm sống của người trầm cảm. Tôi đã tiếp cận chủ đề với câu hỏi nếu như người nhà hay bạn của mình có trầm cảm, mình sẽ muốn biết những điều gì. Tôi đã ý thức gạt bỏ các định kiến trước đó để tiếp cận chủ đề với một sự trung lập và tới thời điểm cuốn sách gần ra đời thì đã thay đổi kha khá các quan điểm cá nhân của mình.

KTSG: Cách thức ông chọn các nhân vật cho cuốn sách là gì? Nhóm người trầm cảm nào khiến ông đặc biệt quan tâm?

- Tôi đã tiếp xúc tới sáu, bảy mươi người và cuối cùng chọn ra mười hai câu chuyện. Nếu như có một điều quan trọng mà chúng chỉ ra thì đó là trầm cảm xuất hiện ở mọi nơi, trong mọi gia đình. Nó không chỉ có ở trong giới trẻ vì họ “thất thường trong cảm xúc”. Nó không chỉ xuất hiện ở người học hành cao vì họ “suy nghĩ quá nhiều”. Nó không chỉ ở trong giới văn nghệ sĩ vì họ “quá nhạy cảm”.

Nó không chỉ xuất hiện ở những người có kinh tế đầy đủ “bởi người nghèo mải lo kiếm sống thì lấy đâu ra thời gian mà trầm cảm”. Tôi không tập trung sự quan tâm của mình vào một nhóm người cụ thể nào. Quan trọng với tôi là cá nhân đó có thể mở lòng với tôi và có khả năng truyền tải trải nghiệm của mình.

KTSG: Một thực tế đáng lo ngại là chính người trầm cảm không hay mình trầm cảm; trong lúc đó, gia đình, cộng đồng cũng chưa nhận ra và nhìn thấy sự nguy hại của trầm cảm để có những giải pháp hóa giải kịp thời. Theo ông, vì sao sức khỏe tinh thần chưa được quan tâm đúng mức như sức khỏe thể chất?

- Có hai lý do chính. Một là thiếu hiểu biết. Người ta cho rằng trầm cảm cũng giống như một nỗi buồn lớn mà thôi, không đáng được quan tâm nhiều. Trước khi bắt đầu cuốn sách, tôi cũng không biết là gánh nặng bệnh tật lên xã hội của trầm cảm đã trở nên lớn hơn bệnh tim, bệnh viêm khớp hay nhiều loại ung thư, và nó là thủ phạm gây khuyết tật lớn thứ hai trong tất cả các nguyên nhân.

Nếu chỉ tính cho lứa tuổi dưới 25 là nhóm tuổi ít có các bệnh thể chất, trầm cảm đứng đầu bảng. Ở Anh, hàng năm, trầm cảm gây ra tổn thất 8 tỉ bảng cho nền kinh tế, tương đương với hơn một nửa tổn thất của tất cả các loại ung thư gộp lại. Ở Mỹ, chi phí y tế trực tiếp dành cho trầm cảm là gần 95 tỉ đô la mỗi năm, bằng 70% chi phí chữa chạy ung thư.

Còn mức độ khuyết tật gây ra bởi trầm cảm là như thế nào? Theo một nghiên cứu của Đại học Amsterdam và Đại học Eramus, Hà Lan, trầm cảm nhẹ được coi là gây khuyết tật tương đương với viêm khớp hông hay đầu gối; trầm cảm vừa tương đương với hen suyễn nặng, viêm gan B, bệnh điếc, đa xơ cứng (rối loạn não bộ và tuỷ sống); trầm cảm nặng tương đương với tổn thương não vĩnh viễn, ung thư vú đã di căn.

Lý do thứ hai là kỳ thị và định kiến. Người trầm cảm vẫn được coi là người yếu đuối hay lười nhác, không đủ cố gắng, không có nghị lực, không có kỷ luật. Họ cho rằng người trầm cảm nếu như đủ quyết tâm, sẽ có thể tự thoát ra khỏi tình trạng của mình. Họ cho rằng căn bệnh này không có thật, nó là một thứ bệnh tưởng tượng.

Hai lý do này dẫn tới hiện trạng nhà nước không đầu tư đúng mức vào lĩnh vực sức khỏe tinh thần, hạ tầng cơ sở thiếu thốn trầm trọng, người giỏi không muốn trở thành bác sĩ tâm thần. Truyền thông và xã hội dường như cũng làm ngơ. Người ta thấy có nhiều hội đoàn, mạng lưới của bệnh nhân ung thư, nhưng có thấy mạng lưới công khai nào cho người trầm cảm? Nếu trong một cơ quan có người bị chẩn đoán ung thư, sẽ có một làn sóng thương cảm, hỗ trợ. Nếu trong một cơ quan có người tự sát hụt, sẽ có một sự im lặng băng giá. Người trầm cảm vật lộn một mình trong bóng tối.

KTSG: Dịch Covid-19 đang gây ra những khủng hoảng tinh thần trầm trọng trên thế giới. Có lẽ vấn đề trầm cảm trong bối cảnh đại dịch chưa được “cập nhật” trong sách này, nhưng qua đây, vẫn mong ông chia sẻ góc nhìn, suy nghĩ hay dự báo cá nhân về vấn đề trên, đặc biệt trong hoàn cảnh Việt Nam?

- Dù bắt tay vào chủ đề này từ cuối 2019, tôi không muốn cuốn sách gắn với Covid-19. Điều đó có thể cho người ta sự hiểu lầm là sau khi dịch qua đi thì chúng ta không cần quan tâm tới chủ đề này nữa. Trầm cảm luôn là vấn đề thời sự. Các triệu chứng của trầm cảm đã được ghi nhận bởi các thầy thuốc Hy Lạp cổ đại cách đây hai ngàn năm trăm năm, nó không phải là vấn đề của thời hiện đại.

Ở Việt Nam, với lịch sử hiện đại có nhiều chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, chắc hẳn các chấn thương tâm lý trong xã hội là rất lớn, và Covid-19 chỉ là một trong nhiều cuộc khủng hoảng lớn mà chúng ta đã trải qua. Khác với mấy thập kỷ trước, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đã có những tiếng nói về vấn đề sức khỏe tinh thần, tuy nhiên vẫn còn quá ít ỏi. Tôi vẫn chỉ thấy cộng đồng chủ yếu hô hào tổ chức các hoạt động từ thiện liên quan tới vật chất. Tôi chưa thấy có ai đặt câu hỏi những công nhân mất việc, người dân trong vùng bị phong tỏa, trẻ em ở khu cách ly kia, họ gặp những vấn đề tâm lý như thế nào và cần được hỗ trợ ra sao.

KTSG: Ông có thể chia sẻ về dự án “Đường dây nóng Ngày Mai” mà ông đang tham gia?

- “Đường dây nóng Ngày Mai” là một dự án độc lập, do chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành và tôi đồng sáng lập, và một nhóm tình nguyện viên tâm huyết triển khai. Tuy không liên quan tới cuốn sách, hiển nhiên nó nằm trong mối quan tâm của tôi về trầm cảm và mong muốn làm điều gì đó cho cộng đồng. Tôi hy vọng dự án có thể tồn tại dài hạn và độc lập, không nhất thiết phải luôn gắn liền với cá nhân tôi hay chị Hà Thành.

Ở các quốc gia phát triển với dân số tương tự Việt Nam, người ta có hàng chục đường dây nóng hỗ trợ người khủng hoảng. Tôi hy vọng trong tương lai, ở Việt Nam sẽ có nhiều thêm những số điện thoại miễn phí nữa cùng hoạt động với “Đường dây nóng Ngày Mai”.

Sự ủng hộ rộng rãi của mọi người cho dự án Ngày Mai trong thời gian qua cho chúng ta niềm hy vọng: xã hội đang ngày một quan tâm hơn tới các vấn đề về sức khỏe tinh thần, chúng ngày càng được bình thường hóa, không được coi chủ yếu như một vấn đề tâm linh liên quan tới thần thánh hay âm dương nữa, cũng không phải là một nỗi xấu hổ cho người liên quan nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới