Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chỉ có vaccine mới giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất trong dịch bệnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chỉ có vaccine mới giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất trong dịch bệnh

Trung Chánh

(KTSG Online) – Dịch Covid-19 rất khó khống chế được ở ngắn hạn, trong khi phương án sản xuất “3 tại chỗ” chỉ là giải pháp tình thế, khó duy trì dài lâu. Do đó, các doanh nghiệp cho rằng việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 mới là giải pháp hữu hiệu để họ duy trì sản xuất ổn định.

Doanh nghiệp 'kêu cứu' đến Bộ Nông nghiệp để được tiếp tục sản xuất theo '3 tại chỗ'

Để chuỗi cung ứng hàng hoá, nông sản không bị đứt gãy

Chỉ có vaccine mới giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất trong dịch bệnh
Công nhân lao động trong ngành nông, thuỷ sản cần được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Trung Chánh

Không thể kéo dài “3 tại chỗ”

Ông Phan Văn Tâm, Trưởng phòng Tổ chức hành chính của Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú, cho biết riêng tại Minh Phú Cà Mau, bình thường đơn vị này có khoảng 6.600 công nhân làm việc, khi áp dụng “3 tại chỗ”, chỉ huy động được khoảng một phần ba con số này, tức khoảng 2.200 công nhân.

Theo ông Tâm, để thực hiện theo phương thức sản xuất “3 tại chỗ”, đơn vị phải thuê 6 khách sạn và 1 nhà trẻ để bố trí nơi ở cho lực lượng công nhân viên của Minh Phú Cà Mau. Ngoài bố trí nơi ở, còn phải lo ăn ngày 3 bữa cho công nhân.

“Bây giờ nhiệm vụ của Minh Phú không phải là kinh tế nữa, mà là nhiệm vụ chính trị rồi, tức phải giải quyết công ăn việc làm cho lao động và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”, ông Tâm nói. Theo ông, nếu Minh Phú tạm ngưng sản xuất sẽ ít thiệt hại hơn so với duy trì như hiện nay.

Bà Tiền Thị Toàn, Trưởng ban Pháp chế nhân sự Tập đoàn Tiến Thịnh (Tiến Thịnh Group), đơn vị quản lý Công ty Hạnh Nguyên Logistics, cho biết, đối với Hạnh Nguyên Logistics, từ ngày 10-7, khi có lệnh phong toả ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, thì đơn vị đã thực hiện 3 tại chỗ. Công ty cũng trang bị bếp ăn, chỗ nghỉ cho cán bộ công nhân viên và hàng tuần cũng test SARS-CoV-2 ngẫu nhiên 20% cán bộ công nhân viên. Đơn vị cũng bố trí khu dành riêng cho khách hàng ngồi chờ khi nhập hàng bằng container.

Còn đối với Tiến Thịnh Group, theo bà Toàn, đơn vị vận động công nhân viên vào làm “3 tại chỗ” thành nhiều đợt nhỏ, bởi họ phải sắp xếp gia đình. “Người ta có gia đình, nhưng vô ở trong công ty, thì phải vận động từ từ và có chính sách phúc lợi hỗ trợ, thì họ mới vào làm với mình”, bà nói.

Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết có nhiều khó khăn khi áp dụng “3 tại chỗ”, đó là giảm lượng công nhân rất nhiều, khoảng 40-50% so với bình thường, vì đa phần là công nhân nữ, có con nhỏ nên họ không thể ở tại công ty để sản xuất. Trong khi đó, tâm lý của những người hơi lớn tuổi là sợ dịch bệnh nên cũng không đi làm. Theo bà Vy, về lâu dài, mô hình “3 tại chỗ” sẽ rất khó giữ được công nhân, bởi khi ở môi trường chung thì không phải công nhân nào cũng chịu được. 

Ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới cho biết, đơn vị này đã chọn giải pháp tạm ngưng sản xuất, một phần cũng do giãn cách xã hội nên việc đi lại thu gom, sơ chế dừa của các đầu mối cung ứng đã ngưng, dẫn đến đứt gãy nguồn nguyên liệu cho nhà máy. Tuy nhiên, hiện tại đơn vị này vẫn phải duy trì trả lương bình thường cho khoảng 1.000 công nhân viên của nhà máy để họ đảm bảo cuộc sống.

Đối với ngành thuỷ sản, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), cho biết sau khi áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, chỉ còn khoảng 30% doanh nghiệp hoạt động với công suất chỉ bằng 50% so với bình thường. 

Cấp bách tiêm vaccine cho công nhân

Bà Toàn (Tiến Thịnh Group) cho biết công ty đã đề xuất cho công nhân được tiêm ngừa Covid-19. Danh sách được gửi đi hai tháng nay nhưng đến thời điểm này cũng chưa được chích. Kế hoạch chích được duyệt cũng rất ít, chỉ 20% số công nhân. Theo bà Toàn, đơn vị này rất mong toàn bộ cho nhân viên của công ty đều được chích để duy trì ổn định sản xuất. 

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, tại diễn đàn trực tuyến kết nối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuối tuần rồi, cho rằng giải pháp để ổn định sản xuất trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài là phải đẩy mạnh tiêm vaccine cho công nhân.

Theo ông Trương Đình Hoè, do lượng vaccine còn hạn chế và không thể có ngay một lúc nên VASEP đề xuất xem xét thứ tự ưu tiên. Sau những người làm tại các cơ sở y tế, cán bộ phải tiếp xúc với người dân, người cao tuổi, người có bệnh nền, thì thứ tự tiếp theo là người lao động (trong sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu; trong các nhà máy, các khu công nghiệp thực hiện sản xuất cho xuất khẩu nói chung và sản xuất, xuất khẩu thủy sản nói riêng). Trong đó, đặc biệt ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ” tại các địa phương.

Ông Hoè cho rằng, việc tập trung tiêm ngay vaccine cho người lao động tại các nhà máy sẽ vừa giữ được thị trường đối tác xuất khẩu, vừa duy trì được sản xuất và công ăn việc làm cho lao động, bao gồm cả nông, ngư dân khai thác biển và sản xuất nguyên liệu ở phía trước. “Điều này, cũng để khẳng định rằng, chúng ta trong ngắn hạn lúc này vẫn phải thực hiện mục tiêu kép, nhưng với trọng tâm mới là phát triển kinh tế với trọng điểm là sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng xuất khẩu”, ông nói.

Theo ông Hoè, đối với các ngành sản xuất xuất khẩu rất cần có một kế hoạch chống dịch linh động theo sát thực tế với tình hình khống chế dịch tại các địa phương. “Sau khi được chích vaccine phòng dịch, để các doanh nghiệp chủ động lên phương án sản xuất; các doanh nghiệp đang tạm ngưng sản xuất chuẩn bị đáp ứng các điều kiện chống dịch để quay lại sản xuất, đáp ứng đơn hàng”, ông cho biết.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp cũng có kiến nghị với Chính phủ là phải ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 100% công nhân trong các nhà máy chế biến thuỷ sản, chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm cũng như trong chuỗi ngành nông nghiệp.

Báo cáo của VASEP cho biết, trong điều kiện áp dụng Chỉ thị 16 tại TPHCM và các địa phương phía Nam, sản xuất và xuất khẩu thủy sản sụt giảm đáng kể, nhất là từ nửa cuối tháng 7.

Theo đó, sau khi tăng 16% vào nửa đầu tháng 7-2021, xuất khẩu thủy sản nửa cuối tháng tháng 7 bị sụt giảm khoảng 15-20% so với nửa đầu tháng. Điều này, khiến cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả tháng 7-2021 đạt 763 triệu đô la Mỹ, giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới