Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nên có gói hỗ trợ về giáo dục

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nên có gói hỗ trợ về giáo dục

TS. Phạm Thị Thanh Xuân - ThS. Huỳnh Thị Ngọc Lý (*)

(KTSG) - Tại TPHCM, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đang lan truyền một cách nhanh chóng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cũng như các lĩnh vực khác, giáo dục ở tất cả các cấp đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó phải kể đến gánh nặng chi phí giáo dục đang áp lực lên các hộ gia đình khi năm học mới đang đến gần.

Nên có gói hỗ trợ về giáo dục
Chi phí giáo dục ở TPHCM vào nhóm cao nhất nước. Trong ảnh: Phụ huynh đội mưa đồng hành cùng con thi tốt nghiệp PTTH. Ảnh: N.K

Bình thường đã là gánh nặng...

Trong điều kiện bình thường, chi cho giáo dục vốn đã chiếm tỷ lệ rất cao trong chi tiêu của hộ gia đình. Theo điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2016, chi tiêu cho giáo dục là nỗi trăn trở của các bậc phụ huynh khi chiếm tới hơn 30% tổng chi tiêu của hộ gia đình, trung bình toàn quốc.

Riêng tại TPHCM, chi phí cho giáo dục ở vào nhóm cao nhất Việt Nam và ở nhóm cao so với khu vực, tỷ lệ này xấp xỉ 36,5%, tương ứng với mức chi trung bình 3,4 triệu đồng/người con/tháng. Ngay cả nhóm các hộ nghèo ở TPHCM cũng phải gánh chịu mức chi cao nhất so với hộ nghèo cả nước, ở mức 0,88 triệu đồng/người con/tháng. Mức này là 2,24 triệu đồng/người con/tháng ở nhóm hộ thu nhập trung bình.

Thu nhập giảm đi, chi phí giáo dục không giảm mà còn tăng lên, khiến gánh nặng duy trì giáo dục cho các con càng trở nên nặng hơn ở giai đoạn hậu Covid-19. Nhiều hộ gia đình đau đầu giải bài toán chi tiêu trước thềm năm học mới.

Dưới tác động tiêu cực của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, gánh nặng này trở nên nghiêm trọng hơn khi thu nhập của người dân giảm đi đáng kể trong dịch và dự kiến sẽ còn kéo dài trong thời kỳ hậu dịch.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, các làn sóng dịch Covid-19 trước, dù đã dứt, nhưng cũng đã làm giảm từ 5-8,4% thu nhập trung bình hàng tháng của mỗi người dân trong cả nước. Người lao động không chính thức bị giảm thu nhập nhiều hơn so với lao động chính thức, với mức giảm là 8,4%. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm qua, ở mức 2,73%, cao nhất ở nhóm lao động có trình độ thấp.

Hơn thế nữa, chi phí giáo dục không giảm đi mà còn tăng thêm do chuyển đổi sang học trực tuyến - giải pháp bắt buộc khi học sinh chưa thể đến trường. Ngoài sách giáo khoa, tập vở, dụng cụ học tập, nhu cầu học tập trực tuyến của con đòi hỏi trang bị thêm thiết bị công nghệ hỗ trợ rất tốn kém. Nếu quay trở lại trường học, cần tính thêm các chi phí phòng chống dịch.

Rõ ràng, thu nhập giảm đi, chi phí giáo dục không giảm mà còn tăng lên, khiến gánh nặng duy trì giáo dục cho các con càng trở nên nặng hơn ở giai đoạn hậu Covid-19. Nhiều hộ gia đình đau đầu giải bài toán chi tiêu trước thềm năm học mới.

Tác động tiêu cực này là rất nghiêm trọng, nhất là ở nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm: phụ nữ làm việc trong các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch, người lao động không chính thức và trẻ em, trong đó nhóm người lao động không chính thức thiếu hẳn chế độ bảo trợ xã hội cơ bản liên quan đến đảm bảo thu nhập, nghỉ ốm và bảo hiểm y tế. Ở nhóm này, công việc bị ảnh hưởng nặng nề, kéo theo sự sụt giảm từ 50-70% hoặc mất thu nhập.

Rất cần sự hỗ trợ

Rõ ràng, giáo dục đang gánh chịu tổn thương nặng nề, mà nếu không có giải pháp hỗ trợ, có thể làm suy giảm những thành tựu mà thành phố đã nỗ lực đạt được trong nhiều năm qua.

Nhìn ra thế giới, nhiều chính sách hỗ trợ giáo dục đã được triển khai, tiêu biểu có trường hợp của Thái Lan và Mỹ.

Chính phủ Thái Lan đã thực hiện gói cứu trợ giáo dục quy mô và tính bao phủ rộng. Trong đó, 23 tỉ baht, tương ứng với 0,14% GDP năm 2020, đã được chi để hỗ trợ học sinh, theo hai hình thức: chi tiền mặt 2.000 baht cho mỗi học sinh, tương đương khoảng 1,3 triệu đồng và  chi bù 50% học phí/học sinh. Hỗ trợ học viên tiếp tục chương trình cao học, Chính phủ Thái Lan chi 10 tỉ baht, tương ứng với 0,06% GDP năm 2020.

Hỗ trợ các cơ sở đại học công lập, Chính phủ Thái Lan chi 60% học phí và yêu cầu trường đại học miễn phí 40% còn lại, nghĩa là sinh viên được miễn 100% học phí. Đối với đại học ngoài công lập, mức hỗ trợ của chính phủ nước này là 5.000 baht/sinh viên, tương đương 3,4 triệu đồng. Bên cạnh đó, các khoản phụ thu trong giáo dục được yêu cầu loại trừ nhằm giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình.

Ngoài ra, chính phủ nước này tiếp tục các chương trình hỗ trợ duy trì, quan tâm và hỗ trợ tài chính các học sinh thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người nhập cư hiện đang ở trọ, gia đình chỉ có một người là lao động chính, mẹ đơn thân...

Ở Mỹ, Chính phủ Mỹ xác định giáo dục là ưu tiên hàng đầu nhằm đối phó với đại dịch Covid-19, bên cạnh việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và việc làm, vì vậy đã thực hiện gói cứu trợ 105 tỉ đô la Mỹ riêng cho giáo dục trong năm 2020.

TPHCM có hơn chín triệu dân, trong đó tỷ lệ người lao động thu nhập dưới 10 triệu chiếm 49,48% và chỉ 9,36% người có thu nhập trên 15 triệu. Điều này đồng nghĩa với việc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19 chiếm phần lớn cơ cấu lao động. Từ đó, ảnh hưởng đến khả năng quay lại trường học của học sinh. Vì vậy, gói hỗ trợ giáo dục là cấp thiết giúp phụ huynh giảm áp lực tài chính khi cho trẻ quay lại trường đồng thời khuyến khích tinh thần học tập của các em.

Nhìn nhận tính cấp thiết của vấn đề này, TPHCM đã sớm có những nỗ lực đầu tiên nhằm can thiệp và hướng đến thiết kế chính sách phù hợp. Trong đó, đã có đề xuất từ Sở Giáo dục và Đào tạo, về mở rộng chính sách miễn học phí đến toàn bộ học sinh tiểu học ở trường tư thục.

Tuy vậy, thành phố vẫn cần có thêm gói hỗ trợ thiết thực ngay khi năm học mới đang gần kề. Thành phố có thể xem xét hai việc sau:

Thứ nhất, khởi động gói hỗ trợ giáo dục đến học sinh là con em trong các gia đình thuộc nhóm đã bị tổn thương nghiêm trọng do dịch Covid-19, cụ thể:

- Học sinh, sinh viên có bố/mẹ hoặc người bảo trợ tử vong do dịch Covid-19 được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng để chi trả cho các khoản tiền ăn, tiền bán trú, tiền học Anh văn tăng cường... và miễn hoàn toàn học phí trong suốt năm học. Kết thúc năm học, xem xét tiếp tục hỗ trợ cho năm tiếp theo.

- Học sinh, sinh viên có bố/mẹ hoặc người bảo trợ mất việc làm (diện đã từng có hợp đồng lao động - lao động chính thức bị mất việc làm), hỗ trợ 500.000 đồng/tháng để chi trả cho các khoản tiền ăn, bán trú, tiền học Anh văn... trong sáu tháng.

- Học sinh, sinh viên có bố/mẹ hoặc người bảo trợ làm việc bị giảm 30% thu nhập do dịch Covid-19, thu nhập tối đa không vượt quá 9 triệu đồng/tháng được hỗ trợ 200.000/tháng trong sáu tháng. Tạm ước 200.000 đồng/tháng tương đương 20% chi phí giáo dục trung bình cho một học sinh ở gia đình thu nhập thấp.

Thứ hai, rà soát, yêu cầu loại trừ các khoản phụ thu trong năm học 2021-2022 hoặc tạm hoãn các hoạt động ngoại khóa vì mặc dù miễn phí giáo dục nhưng phụ phí dao động từ 650.000 đồng đến 6,5 triệu đồng/năm/học sinh, là gánh nặng không nhỏ với nhiều gia đình. Chính sách này áp dụng đại trà cho mọi học sinh, không có vùng loại trừ.

Thứ ba, phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông hỗ trợ khởi động gói hỗ trợ số, trong đó hỗ trợ phí Internet, mở rộng băng thông đảm bảo việc học trực tuyến diễn ra liên tục nếu trường hợp triển khai phương án dạy - học trực tuyến.

Kiến nghị đến Chính phủ xem xét mở rộng, bổ sung đối tượng được hỗ trợ theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP đối với các đối tượng học sinh là con em của nhóm lao động không chính thức, với mức hỗ trợ chi phí học tập là 100.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác. Thời gian được hưởng theo thời gian học thực tế và không quá chín tháng của năm học 2021-2022.

Các gói hỗ trợ nêu trên là rất quan trọng và cấp thiết để học sinh có thể quay lại với hoạt động học tập, rèn luyện. Đối tượng thụ hưởng tập trung trực tiếp vào nhóm đối tượng chịu tổn thương bởi dịch Covid-19. Chính sách hỗ trợ không trùng lắp với các gói hỗ trợ an sinh xã hội đang triển khai. Để tổ chức hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, không phát sinh chi phí thực thi đồng thời đảm bảo tiền hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích, thành phố có thể xem xét triển khai bằng phương thức ngân sách cấp bù cho các cơ sở giáo dục vào từng tháng thay vì chi thẳng đến hộ gia đình.

Ngoài ra, gói hỗ trợ còn gián tiếp giúp doanh nghiệp TPHCM giữ ổn định lực lượng lao động, mặt khác giúp thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng cơ hội giáo dục trong xã hội.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới