Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhiên liệu bền vững – thách thức mới của ngành hàng không sau dịch Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhiên liệu bền vững - thách thức mới của ngành hàng không sau dịch Covid-19

Ricky Hồ

(KTSG Online) - Nhật Bản là quốc gia mới nhất tham gia nghiên cứu và sản xuất nhiên liệu bền vững. Lộ trình giảm phát thải của các hãng hàng không sẽ bắt đầu từ năm 2022 tại châu Âu, và sẽ trở thành bắt buộc theo quy định của ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) từ năm 2027. Thách thức này một mặt sẽ gia tăng áp lực lên các hãng bay trong quá trình hồi phục sau dịch, nhưng mặt khác sẽ tạo nên một thị trường nhiên liệu mới có giá trị đến 15 tỉ đô la.

Nhiên liệu sinh học cho máy bay, hay còn gọi là nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), được chế tạo từ rác thải nhựa, dầu ăn đã qua sử dụng, mỡ động vật hay sinh khối như tảo hay dăm bào… Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng nhiên liệu mới dùng cho động cơ phản lực máy bay được sản xuất từ sinh khối hoặc tổng hợp từ năng lượng tái tạo có khả năng giảm lượng khí thải carbon, mặc dù với chi phí đắt đỏ so với giá dầu hỏa.

Quá trình thương mại hóa công nghệ mới, như máy bay chạy bằng điện với lượng khí thải bằng không, còn mất thời gian khá lâu. SAF tuy không giảm mức phát thải xuống 0%, nhưng đang được sử dụng khá rộng rãi ở châu Âu và nhiều khu vực khác.

Nhiên liệu bền vững - thách thức mới của ngành hàng không sau dịch Covid-19
Ngành hàng không châu Âu sẽ bắt đầu sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) từ năm 2022. Ảnh: France 24

Tranh cãi về loại nhiên liệu mới

Trước đại dịch, ngành hàng không sử dụng 300 triệu tấn nhiên liệu hóa thạch. Khi hàng không thế giới vẫn lao đao vì Covid-19, trong năm nay ICAO đã thực hiện chính sách là không để mức phát thải của máy bay vượt quá mức của năm 2019.

Chuyến bay đường dài đầu tiên bằng nhiên liệu bền vững của hãng Air France – KLM từ Paris đi Montreal đã khiến cuộc tranh luận về nhiên liệu xanh ngã ngũ. Chiếc A350 mang số hiệu AF342 hôm 18-5-2021 cất cánh từ sân bay Charles de Gaulle với 16% nhiên liệu SAF chế biến từ dầu chiên cũ do hãng Total của Pháp sản xuất. Thông điệp của chuyến bay rất rõ ràng: hàng không đã sẵn sàng trong việc sử dụng SAF.

Nỗ lực này hoàn toàn tự nguyện, và trở thành bắt buộc kể từ năm 2027. Việc thiếu nguồn cung cấp nhiên liệu SAF cũng đồng nghĩa số máy bay hiện diện trên bầu trời của các nước sẽ bị hạn chế trong tương lai, nếu không có kế hoạch hành động kịp thời.

Dự kiến, bắt đầu từ năm 2022, các chuyến bay khởi hành từ Pháp sẽ phải sử dụng 1% SAF. Liên hiệp châu Âu (EU) đạt ra mục tiêu sử dụng nhiên liệu bền vững SAF 2% vào năm 2025 và 5% vào năm 2030 theo thỏa thuận chung của khối. Những chia rẽ và tranh luận gay gắt trong ngành hàng không về việc chuyển đổi sang nhiên liệu mới cũng bùng nổ.

Nhiều hãng hàng không truyền thống đã tìm cách trì hoãn các chuyến bay đường dài bằng SAF. Họ lập luận rằng chỉ áp dụng SAF cho các hãng bay EU có thể khiến cạnh tranh bất bình đẳng xảy ra bởi các hãng quốc tế khác ngoài EU không phải tuân thủ.

Điều này đã gây ra các phản ứng giận dữ từ các hãng hàng không giá rẻ bao gồm Ryanair, Wizz Air và easyJet. Một số hãng đã viết thư kiến nghị lên EU hồi tháng 3 để yêu cầu các quy tắc chung phải được áp dụng cho tất cả các chuyến bay xuất phát từ châu Âu.

Tay chơi mới nhất trên thị trường

Các hãng hàng không lớn của Nhật Bản như Japan Airlines và All Nippon Airways cũng đã bắt đầu sử dụng SAF và vạch ra lộ trình đạt được mức phát thải quy định vào năm 2050. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước này chỉ tuyên bố tham gia sản xuất SAF từ cuối tháng 7 rồi.

Hãng kỹ nghệ JGC Holdings và nhà bán sỉ xăng dầu Cosmo Oil đang có những nỗ lực đầu tiên để thương mại hóa thị trường nhiên liệu sinh học dành cho máy bay tại Nhật Bản. JGC và Cosmo dự định dùng dầu ăn cũ do công ty Revo International ở Kyoto thu gom từ các nhà hàng hay nhà máy chế biến thực phẩm. Việc sản xuất sẽ bắt đầu trong năm 2025.

JGC và các hãng khác đang đầu tư hàng tỉ yen để xây dựng một xưởng sản xuất SAF tại nhà máy của Cosmo Oil ở thành phố Sakai, thuộc hạt Osaka nhằm sản xuất 30.000 kilolit SAF mỗi năm. Các công ty này nhận được tài trợ của chính phủ thông qua Tổ chức phát triển công nghệ và năng lượng mới (NEITDO). Hai công ty sẽ xây thêm nhà máy mới với mục tiêu đáp ứng 30% thị phần nhiên liệu mới ở Nhật Bản được ước đoán ở mức 5,6 triệu kilolit vào năm 2030.

JGC và các công ty Nhật khác sẽ pha trộn nhiên liệu sinh học với xăng máy bay truyền thống tại nhà máy ở Sakai và vận chuyển đến các sân bay quốc tế Narita, Haneda và Kansai. Phối trộn 30.000 kilolit nhiên liệu SAF ở mức 30-40% tổng lượng xăng thường cho phép cho phép thực hiện 350 chuyến bay một chiều giữa Tokyo và London.

Một công ty Nhật Bản khác là Euglena cũng đặt mục tiêu sản xuất khoảng 250.000 kilolit nhiên liệu máy bay mới và dầu diesel sinh học vào năm 2025. Hãng Japan Airlines, Marubeni và Eneos cũng đang bắt đầu tìm cách để thương mại quá trình sản xuất SAF kể từ năm 2028.

Chuyến bay vận tải đường dài Paris – Montreal hôm 18-5-2021 chính thức đặt cột mốc cho việc sử dụng nhiên liệu bền vững trong ngành hàng không. Ảnh: Air France - KLM

Thách thức của thị trường nhiên liệu sinh học

Các hãng hàng không và nhà sản xuất máy bay đeo đuổi các quy chuẩn “nhiên liệu xanh” khác nhau. Boeing thì chú ý đến công nghệ của tập đoàn công nghệ IHI của Nhật Bản có thể giúp 90% thiết bị trên máy bay chạy bằng điện.

Bên cạnh máy bay cỡ nhỏ chạy bằng điện, hãng chế tạo máy bay Airbus cũng đổ hàng tỉ đô la  để chế tạo các loại máy bay mới chạy bằng nhiên liệu xanh từ dầu ăn đã qua sử dụng và mỡ động vật. Airbus đang nghiên cứu loại máy bay A350 chạy 100% bằng nhiên liệu mới.

Sản xuất SAF vẫn giới hạn trên phạm vi toàn cầu với sản lượng hiện là 100 triệu lit, tức là 0,1% lượng tiêu thụ nhiên liệu của ngành công nghiệp hàng không – theo IATA.

Hãng dầu khí Total của Pháp và Shell của Anh đã đầu tư cho các nhà máy sản xuất nguyên liệu SAF. Bắt đầu nghiên cứu SAF từ năm 2005, hãng sản xuất dầu diesel lớn nhất thế giới Neste của Hà Lan đã đầu tư 230 triệu đô la cho nhà máy sản xuất nhiên liệu SAF tại Rotterdam. Hãng này không lo ngại giá cả nguyên liệu mới là chuyện đáng lo ngại. Bởi họ tin rằng “hành khách sẽ quan tâm đến biến đổi khí hậu và môi trường hơn sau khi dịch đã qua”.

“Mọi người sẽ bay trở lại, nhưng rồi họ muốn bay trên những chuyến bay thân thiện với môi trường. Cũng như chúng tôi đã từng tái sử dụng dầu diesel đã xài rồi, chúng tôi đang tạo ra một thị trường mới”, CEO Peter Vanacker phát biểu với Bloomberg.

Cùng với nhà máy ở Singapore đang được mở rộng, Neste sẽ có thể sản xuất 1,5 triệu tấn nhiên liệu SAF mỗi năm vào cuối năm năm 2023. Hiện năng lực của hãng chỉ 100.000 tấn năm. Một trong những trở ngại lớn nhất cho nhiên liệu sinh học là giá thành cao. Các công ty Nhật Bản đặt mục tiêu hạ giá thành xuống còn dưới 200 yen/lit, khoảng gần 42.000 đồng, tương đương với giá xăng máy bay hiện nay. SAF với giá thành rẻ và nguồn cung ổn định sẽ giúp tăng sức cạnh tranh của hàng không Nhật Bản - Nikkei Asia viết.

Bà Anne Larilahti, người phụ trách về phát triển bền vững của hãng hàng không quốc gia Finnair Oyi của Phần Lan, nói rằng hãng đang chú trọng vào loại nhiên liệu sinh học mới bên cạnh kế hoạch mua 20 máy bay chạy bằng điện trên các tuyến bay ngắn từ giữa thập niên 2020 này. Tuy nhiên, bà Larilahti nói giá thành SAF hiện vẫn đắt 3-5 lần so với nhiên liệu bay thông thường. “Giá phải giảm hơn nữa để SAF có thể được sử dụng rộng rãi hơn”, bà nói.

Hiện Finnair và nhiều sân bay ở châu Âu mua nhiên liệu mới trực tiếp từ Neste. Năm ngoái, Finnair đặt tiêu nâng mức tiêu thụ nhiên liệu xanh lên 10 triệu euro vào năm 2025 để đáp ứng mức 2% SAF của EU. Cần nhắc lại là mức chi cho nhiên liệu máy bay năm 2019 của Finnair là 690 triệu euro.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới